Ngày tôi còn nhỏ, khoảng thập niên 50, 60, vào mùa nước nổi cá nhiều vô số kể. Vào tháng 10 âm lịch, khi nước trên đồng bắt đầu khô cạn, cá, tôm cũng theo nước rút ra sông lớn là thời điểm thích hợp để chất chà.

Dỡ chà ăn Tết

02/01/2017, 08:07

Ngày tôi còn nhỏ, khoảng thập niên 50, 60, vào mùa nước nổi cá nhiều vô số kể. Vào tháng 10 âm lịch, khi nước trên đồng bắt đầu khô cạn, cá, tôm cũng theo nước rút ra sông lớn là thời điểm thích hợp để chất chà.

Người dân miền Tây dỡ chà ăn Tết

Dỡ chà ăn Tết là một hoạt động khá quen thuộc của người miền Tây, đặc biệt là những nhà nằm cặp sông, rạch. Đây cũng là nét văn hóa tiêu biểu của cha ông ta từ thời khai hoang lập ấp. Những người sống ở phố thị lâu năm được thấy cảnh này đều cảm thấy rất thú vị.

Như mọi năm, vào rằm tháng mười âm lịch, ba tôi chuẩn cây cối chất chà để dụ cá. Vật liệu chất chà gồm trên dưới 30 cây tre, lấy ngọn tre bó thành bó, để đầu ngược xuôi khoảng 5-6 bó, trên dưới 10 cây so đũa, chà cây trâm bầu, cây xoài… Dùng khoảng 15-20 cọng tre vót nhọn 2 đầu để nối đẵng (như hàng rào bằng tre) với nhau. Đẵng tre 15m x 3m để bao phía ngoài đống chà 10m x 2m5, đẵng tre 10m x 2m bao 2 đầu đống chà…

Dụng cụ để bắt cá gồm rọng (để chứa cá dưới nước), rổ, xúc, vợt lưới… cùng vài chục tàu dứa tươi để che bóng mát chọn chỗ chất chà. Người ta chọn những khúc sông gần bờ, nơi bờ sông lở, những nơi có nước giao nhau là điều kiện tốt nhất để cá tôm đến trú ngụ. Thông thường, nền chọn chất chà nằm bên dưới hoặc bên bờ gạch, lý tưởng nhất là nơi có giàn tre, giàn gừa che bóng mát.

Khi có đủ vật liệu chất chà thì chọn ngày tốt xuống chà. Sáng ngày xuống chà cũng có làm lễ cúng kiến. Nhân sự chất chà vào khoảng 5-6 người, 2 chiếc xuồng chéo chở đầy chà có 2 người trước sau. Dùng khoảng 20 cây tre vạt nhọn gốc, cây so đũa cũng vậy. Chỉ cần người đứng trước và sau ghe cắm 4 cây so đũa ở 4 góc (nền chà 20m x 10m).

Tiếp đến, để đặt chà, người ta “đăng quần”, là dùng những cây tre cắm khá dầy xung quanh địa điểm đặt. Sau đó chất chà bó, là cành nhánh các loại cây khô được gom lại thành từng bó dầy dưới đáy rồi cắm chà nhánh xung quanh cũng như chất bên trên. Sau cùng mới phủ lớp lục bình hoặc tàu dừa lấy bóng mát nhằm dụ cá tôm đến trú ngụ.

Chỉ cần 1 ngày chất chà là xong. Công đoạn còn lại là của chủ chà. Cứ 2-3 ngày đêm chủ chà cho cá ăn bằng cám rang trộn đất sét vò viên tròn, ban đêm quăng vô giữa đống chà, buộc lúa chín vài chùm để rải rác trong đống chà. Mỗi ngày vào lúc nước sắp lên, xuống ngồi ngắm cá nổi mà bắt ham. Những con cá bông, cá lóc… to bự, chúng lên lặn xuống mê con mắt. Cá nhiều vô số kể!

Tháng sau, khoảng ngày 28, 29 âm lịch là dỡ chà bắt cá ăn Tết. Hằng năm cứ ngày 28, 29 Tết là chủ chà huy động anh em trong xóm cùng tham gia dỡ chà. Lực lượng khoảng 5-6 người, ghe xuồng 3, 4 chiếc… Lúc 3-4 giờ sáng, lực lượng dỡ chà lặng lẽ đưa đãng (lưới dài, mắc nhỏ) xuống 2 xuồng cùng dây buộc. 2 tay đãng dài bỏ trên ghe 1 tay/chiếc, 2 người đi 1 ghe, mỗi ghe đậu tại cột so đũa ở 2 gốc đống chà, 1 người trên ghe, 1 người xuống nước.

Những người trên ghe bỏ đăng xuống nước, người dưới nước bợ đầu đăng, tay nắm phần cuối lặn xuống nước, cắm đãng xuống đất, người trên ghe ấn xuống. Thế rồi người dưới kẻ trên cứ lăn tay đãng theo cây tre buộc trên đống chà. Họ làm rất nhuần nhuyễn, tuyệt đối im lặng…

Bao chà xong, họ lên bờ nghỉ giải lao, ăn cháo lấy sức, hút thuốc uống trà… Sau đó, tất cả dàn hàng ngang, xuống đống chà nhổ từng cây chà bỏ lên, nhưng tuyệt đối không được nhổ những cây chà trong đó có những bó chà tre mà cá ẩn núp. Khoảng 1 giờ sau chà được nhổ hết. Trong lúc nhổ chà, cá bị động nhảy tung khiến đám trẻ bắt cá hôi (hứng cá nhảy) la lối vui nhộn.

Bà chủ chà gom vài con cá ngon đem nướng và bỏ vào nồi cháo. Tới công đoạn gạn chà (gom lại) gồm 3 người: 1 đầu đăng cao phía ngoài, 1 giữa và 1 đầu thấp trong bờ. Lúc này cá bị bó gọn trong khoảng hẹp nên vùng vẫy tứ tung. Bây giờ, cá lóc, cá bông mới xuất hiện nhảy đùng đùng…

Cả 3 người cầm đăng đồng loạt cắm đăng sát đất, không quên chống thêm 3 cây tre để đỡ. Sau khi nhổ phần chà cuối cùng và những bó chà tre, tôm tép, cá rô biển, chạch lấu… ẩn nấp trong cả bó chà tre nhiều vô số kể, người dân mặc sức lấy rổ xúc, rổ nhỏ, vợt xúc cá tôm bỏ vào rộng.

Khi dọn chà đã hết, chỉ còn lại 1 vùng rất nhiều cá, những con cá lóc khoảng 2 kg, cá bông 3-4 kg là thường. Tôm càng xanh càng đỏ gom lại cả tạ, nhiều nhất là cá thác lác, cá bông, cá lóc. Có đống chà trúng, cộng lại cả 150 kg cá tôm. Dân bắt hôi (bắt ké sau đó) cũng bộn, đủ cả nhà ăn cá 3-4 ngày.

Trong lúc mấy bà lo lựa cá, chủ nhà dọn cháo cho thợ chà ăn với những con tôm càng xanh nướng đỏ thơm lừng, béo ngậy. Dưới sông nước cũng đã chảy lớn, ông bà chủ chà chia phần cho các thợ chà ăn Tết. Cứ vậy, vài ngày sau họ lại tụ tập chất chà như cũ để 28, 29 tháng sau dỡ tiếp. Mỗi tháng dỡ chà 1 lần cho đến tháng 6, tháng 7 rồi nghỉ. Và vui nhất là dỡ chà ăn Tết.

Trần Bạch Hổ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
một giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dỡ chà ăn Tết