Tại Singapore, múa lân có thể giúp người cao tuổi bớt cô đơn và vận động cơ thể.
Đoàn lân Silver Pride đã thành công thuyết phục hàng chục cụ già tham gia. Trong một lần biểu diễn gần đây, cụ Chia Chiang Teck (80 tuổi) thành thạo múa chiếc đầu lân trong khi người hỗ trợ phụ trách đuôi lân và đẩy chiếc xe lăn của ông di chuyển vòng quanh.
“Gần 34 năm qua tôi chưa từng múa, tôi rất vui vì vẫn có thể làm được”, cụ Chia chia sẻ. Ông từng chiến thắng một cuộc thi địa phương vào thập niên 1970 nhưng hiện tại đi lại khó khăn cho chấn thương lúc làm việc.
Đầu lân cho người lớn tuổi sử dụng trông không khác gì đầu lân thông thường, tuy nhiên bên trong được trang bị thêm dây kéo để thực hiện động tác chớp mắt và vẫy tai. Nhóm thiết kế của Silver Pride phát minh hệ thống đòn bẩy và ròng rọc cho phần mắt với tai, cộng thêm tay cầm cho phần miệng giúp các cụ điều khiển dễ dàng hơn.
Singapore đang đối mặt tình trạng dân số già hóa như nhiều quốc gia châu Á khác. Bộ Y tế đảo quốc sư tử ước tính đến năm 2030 cứ 4 người dân thì sẽ có 1 người trên 65 tuổi, khoảng 83.000 người cao tuổi sống một mình.
Theo một nghiên cứu năm 2021 do Đại học Quốc gia Singapore thực hiện, đàn ông lớn tuổi sống một mình có khả năng mất kết nối xã hội cao gấp đôi phụ nữ lớn tuổi sống một mình.
Sáng kiến lập đoàn Silver Pride ra đời nhằm mục đích giải quyết vấn đề trên. Chuyên gia bảo tồn di sản Lynn Wong khởi động chương trình cùng một tổ chức từ thiện địa phương và một studio thiết kế. Ông nghĩ rằng hoạt động nam tính như múa lân hay võ thuật dễ thu hút các cụ ông hơn.
Bên cạnh cải biến đầu lân, chuyên gia Wong cũng góp sức biên đạo lại để bài biểu diễn phù hợp với người lớn tuổi. Trong chương trình kéo dài 6 tuần tại Trung tâm Dưỡng lão Fei Yue, khoảng 20 cụ đã tham gia tập tăng cường sức mạnh và múa lân do ông hướng dẫn.
Với Chia, Silver Pride mang đến cơ hội sống lại thời tuổi trẻ: “Múa lân khiến tôi nhớ lại quá khứ, nhớ lại quãng thời gian tập luyện với đồng môn thân thiết. Người biểu diễn cùng tôi khi đó múa rất giỏi”.