Trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng các vụ việc phá sản tăng mạnh trong năm 2020. Tuy nhiên, phản ứng của các cơ quan tư pháp có phần còn nhiều lúng túng.

Doanh nghiệp bị phá sản do dịch bệnh tăng mạnh nhưng phản ứng của cơ quan tư pháp còn lúng túng

Lam Thanh | 20/04/2021, 15:28

Trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng các vụ việc phá sản tăng mạnh trong năm 2020. Tuy nhiên, phản ứng của các cơ quan tư pháp có phần còn nhiều lúng túng.

Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp” (đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng đã chỉ ra lĩnh vực thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp có sự tăng điểm trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề phá sản doanh nghiệp.

dich-benh.jpg
Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp làm ăn rất chật vật khó khăn - Ảnh: Internet

Đây là vấn đề rất đáng ghi nhận khi chỉ số phá sản luôn là lĩnh vực bị đánh giá thấp nhất tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02.

Trong bối cảnh dịch bệnh, số lượng các vụ phá sản tăng mạnh năm 2020. Tuy nhiên, phản ứng của các cơ quan tư pháp phần nhiều còn lúng túng. Cuối năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao đã cho đăng tải công khai Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 18.12.2020 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến 30 vướng mắc trong giải quyết phá sản, từ đó tạo điều kiện tốt cho các tòa địa phương, luật sư, doanh nghiệp tham khảo trong vụ việc của mình.

Dù vậy, vướng mắc lớn nhất vẫn nằm ở giai đoạn thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự hiện mới đang trong giai đoạn nghiên cứu để sửa đổi. Còn trên thực tế, trong năm 2020, cứ 100 đồng cần thu hồi thì chỉ có 17 đồng được thu hồi, còn lại 47 đồng không có khả năng thi hành và 36 đồng còn tài sản nhưng không thu hồi được.

Theo VCCI, chất lượng một số hạ tầng cơ bản của Việt Nam đã có sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về hạ tầng khu công nghiệp và đường sá có xu hướng tăng.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhu cầu sử dụng các dịch vụ có sự thay đổi. Dịch vụ viễn thông và internet có sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được nên đánh giá chất lượng từ phía doanh nghiệp có phần sụt giảm.

Ngược lại, nhu cầu về hạ tầng đường sá giảm do giãn cách xã hội có thể dẫn đến việc tăng điểm đánh giá về chất lượng lĩnh vực này.

Điểm chính sách đáng chú ý là chỉ số tiếp cận điện năng lại giảm điểm trong năm 2020, trong khi nhu cầu điện năng không tăng mạnh như trước, thậm chí có ngành còn giảm

Về cải thiện môi trường kinh doanh, loạt nghị định cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục điều kiện kinh doanh năm 2018 đã tạo một cú hích quan trọng, khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giảm từ mức 58% năm 2017 xuống 48% năm 2018, tỷ lệ gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục giảm từ 42% xuống còn 34%.

Nghị quyết năm 2019 và 2020 tập trung vào nhiệm vụ duy trì, tránh phát sinh các điều kiện đầu tư kinh doanh mới. Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng lên 52% năm 2019 và 59% năm 2020. Điều này chứng tỏ đang có sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh sang cả các ngành nghề cần điều kiện, mà một phần nguyên nhân có thể do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn.

Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống còn 32%. Tuy nhiên, dư địa cải cách trong lĩnh vực này còn rất lớn với sự tồn tại của các điều kiện không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã nhanh chóng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức đối thoại. Hình thức đối thoại này sẽ được diễn ra theo hướng doanh nghiệp gửi câu hỏi (trước hoặc trong khi đối thoại), sau đó đại diện chính quyền đọc và phân công trả lời. Các bản ghi âm hoặc ghi hình có thể được đăng tải tại một số địa phương.

Hình thức này có ưu điểm về tiết kiệm thời gian, gia tăng số lượng được tham gia, trả lời được nhiều câu hỏi hơn. Nhưng nhược điểm là khả năng tương tác lại không cao, doanh nghiệp không có cơ hội tranh luận và chính quyền bỏ qua câu hỏi khó.

Do vậy, hình thức này phù hợp hơn trong tình huống phổ biến chính sách mới, còn hình thức gặp và tranh luận trực tuyến vẫn mang lại hiệu quả cao hơn khi cần đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Chất lượng giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong năm 2020 có dấu hiệu giảm so với năm 2019, cụ thể: tỷ lệ nhận được phản hồi sau khi phản ánh giảm từ 95,82% xuống 94,57%; tỷ lệ hài lòng với phản hồi giảm từ mức 81,25% xuống 79,24%; tỷ lệ được giải quyết kịp thời giảm từ 74,19% xuống 71,2%.

Điều này cho thấy nhiều địa phương gặp lúng túng khi giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các chính sách ban hành nhằm ứng phó còn nhiều điểm chưa rõ ràng, chặt chẽ, dẫn đến gây lúng túng khi áp dụng.

Việc thúc đẩy thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4 nhìn chung vẫn còn rất chậm, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, nhưng một số lại khá hình thức.

Việc chuyển đổi dịch vụ công năm 2020 có xu hướng chuyển thẳng lên cấp độ 4 mà không qua cấp độ 3 (thực hiện trực tiếp nhưng vẫn phải mang hồ sơ bản giấy khi nhận kết quả). Tuy nhiên, việc này lại được áp dụng chủ yếu với các thủ tục mang tính báo cáo, không cần cơ quan nhà nước trả lời, hoặc chỉ cần trả lời tự động.

Việc thành lập Cổng Dịch vụ công quốc gia là một bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2020, giúp kết nối và giám sát các cổng dịch vụ công của các bộ ngành và địa phương. Đơn vị có nhiều hồ sơ thực hiện qua cổng này nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với gần 600.000 hồ sơ. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trên 1.000 hồ sơ nộp qua Cổng quốc gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện thủ tục hành chính qua môi trường điện tử có tình trạng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công tại Cổng dịch vụ công của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng không được giải quyết, mà thay vào đó được hướng dẫn nộp hồ sơ giấy; Việc thanh toán trực tuyến với lệ phí vẫn chưa được thực hiện với nhiều thủ tục ở các bộ ngành; hoặc có tình trạng website thanh toán bị lỗi, không thể truy cập hoặc không thể thanh toán được mà không rõ lý do…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp bị phá sản do dịch bệnh tăng mạnh nhưng phản ứng của cơ quan tư pháp còn lúng túng