Thay vì nghĩ rằng khi nào lớn mới tham gia từ thiện phát triển, doanh nghiệp hãy nghĩ ngược lại. Hãy đặt từ thiện phát triển, chia sẻ giá trị vào trung tâm chiến lược của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, văn hoá và phát triển lớn mạnh hơn”, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD chia sẻ.

Doanh nghiệp cần đưa từ thiện phát triển vào chiến lược trung tâm

23/01/2019, 18:37

Thay vì nghĩ rằng khi nào lớn mới tham gia từ thiện phát triển, doanh nghiệp hãy nghĩ ngược lại. Hãy đặt từ thiện phát triển, chia sẻ giá trị vào trung tâm chiến lược của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, văn hoá và phát triển lớn mạnh hơn”, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD chia sẻ.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh: MSD

Ngày 23.1, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Phòng thương mại châu Âu (EuroCham), Quỹ Đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (SCI) phối hợp tổ chức hội thảo Tạo xu hướng - Dẫn dắt thay đổi.

Hội thảo tập trung vào chủ đề thúc đẩy từ thiện phát triển cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp thân thiện với trẻ em.

Từ thiện phát triển là xu hướng?

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD chia sẻ, nói tới doanh nghiệp, người ta thường nghĩ và nói ngay tới lợi nhuận, tăng trưởng, chứng khoán, và bây giờ là công nghệ 4.0, hiếm khi truyền thông và các diễn đàn nói tới Philanthropy - từ thiện phát triển.

“Ở một khía cạnh nào đó, việc này khiến mọi người nghĩ rằng, từ thiện phát triển có lẽ chỉ là việc phụ, việc làm thêm của doanh nghiệp, đặc biệt là dành cho các doanh nghiệp lớn, dư dả chứ không mật thiết đối với sự phát triển của doanh nghiệp… “, bà Linh nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trên thực tế thì từ thiện phát triển, cùng với xu hướng phát triển của xã hội, gắn bó mật thiết với doanh nghiệp. Thay vì nghĩ rằng “Khi nào doanh nghiệp lớn thì mới tham gia từ thiện phát triển”, hãy nghĩ ngược lại “Hãy đặt từ thiện phát triển, chia sẻ giá trị vào trung tâm chiến lược của doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, văn hoá và phát triển lớn mạnh”.

Bà Mehvesh Mumtaz Ahmed - Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Xã hội và Hoạt động cộng đồng Châu Á (CAPS) cũng nhấn mạnh: “Từ thiện phát triển được xem là một nguồn lực lớn dành cho các tổ chức làm về phát triển ở châu Á, mà ở đó chính bản thân các tổ chức cần chứng minh được năng lực thực sự của mình”.

Theo khảo sát của CAPS, chỉ số đóng góp cho xã hội của các doanh nghiệp tại Nhật Bản, Singapore và Đài Loan xếp ở mức “thực hiện tốt” hay rất tốt bởi ở họ có sự khuyến khích từ phía chính phủ. Ví dụ như ở Singapore có chính sách khấu trừ thuế 250%, nếu như đóng góp 1 USD, bạn có thể nhận lại 2,5 USD.

Cũng theo kết quả của khảo sát này, cùng với Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Sri lanka, Thái Lan thì Việt Nam là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ đang thực hiện tốt từ thiện phát triển.

“Một trong những điều cản trở các doanh nghiệp trong việc thực hiện đóng góp cho xã hội chính là thuế, sự khuyến khích từ chính phủ. Do đó, để đẩy mạnh chỉ số này cần có sự gắn kết giữa nhà nước và khối doanh nghiệp. Chính phủ cần tạo ra hành lang cho các doanh nghiệp bao gồm cả việc tạo sự khuyến khích hay khấu trừ thuế”, bà Mehvesh nói.

Con cá, cần câu

Bà Mevesh cũng cho biết, từ thiện phát triển và từ thiện nhân đạo đều giống nhau ở việc giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, nếu như ai cũng có thể cho, làm từ thiện nhân đạo thì từ thiện phát triển cần có chiến lược lâu dài.

Ông Tomaso Andreatta - Phó chủ tịch EuroCham cũng đưa ra một ví dụ hình ảnh về sự khác nhau giữa 2 loại hình này chính là việc cho “con cá” hay cho “cần câu”. Từ thiện nhân đạo chính là việc cho “con cá”; còn từ thiện phát triển là việc cho “cần câu”.

Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp của EuroCham cũng tham gia vào các hoạt động xã hội như việc giảm rác thải ở các doanh nghiệp. Đó vừa giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và giải quyết vấn đề việc làm. Các doanh nghiệp cũng đã có quỹ để trả lương cho những người làm công việc phân loại rác.

Trên thực tế trong chuỗi giá trị chung, tổ chức phi chính phủ (NGO) và doanh nghiệp chưa thực sự tìm được tiếng nói chung. Các doanh nghiệp chưa thực sự tin lắm vào các NGO và các NGO lại thường không biết cách tiếp cận, nói chuyện với các doanh nghiệp. Do đó, cần có sự công nhận vai trò của nhau trong chuỗi giá trị chia sẻ đến từ cả doanh nghiệp và các NGO.

Quyền trẻ em và lợi ích doanh nghiệp

Bà Nazia Ijaz -chuyên gia Hợp tác Doanh nghiệp tại UNICEF Việt Nam khẳng định: “Quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh rất đa dạng chứ không chỉ là vấn đề lao động trẻ em hay an toàn lao động, đó còn là việc doanh nghiệp có các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động ảnh hưởng tới trẻ em”.

Theo đó, doanh nghiệp thực hiện tốt quyền trẻ em sẽ tạo lập được giá trị thương hiệu và niềm tin, mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp. Đây là xu hướng phát triển trở thành triết lý kinh doanh của doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Tại hội thảo, ông Lê Quang Vinh - CEO NexEdu, đại diện nhóm khảo sát cũng đã chia sẻ kết quả ban đầu của cuộc khảo sát Doanh nghiệp thân thiện với trẻ em, do MSD và SCI phối hợp thực hiện trong năm 2018.

Có tới 91% doanh nghiệp tham gia khảo sát từng thực hiện các chương trình liên quan đến trẻ em, tuy nhiên chưa có tới 50% các doanh nghiệp vận dụng các nguyên tắc kinh doanh gắn với quyền trẻ em của UNICEF. Một điểm đáng lưu tâm nữa là rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới các chương trình bảo đảm quyền trẻ em khi sản phẩm và dịch vụ của họ không liên quan tới trẻ em.

Đối với các doanh nghiệp mong muốn thực hiện “những điều tốt đẹp cho trẻ em", điểm yếu chính của doanh nghiệp là “còn thiếu ý tưởng, loay hoay trong việc thực hiện và lồng ghép các chương trình đảm bảo quyền trẻ em trong doanh nghiệp.

Cùng với đó, các chương trình chủ yếu dừng lại ở các hoạt động từ thiện nhân đạo, phong trào hay ngẫu hứng chứ chưa đi sâu vào việc khắc phục các nguyên nhân cốt lõi hoặc các nhu cầu của trẻ em, từ đó đưa ra các giải pháp triệt để, hiệu quả và bền vững.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
4 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp cần đưa từ thiện phát triển vào chiến lược trung tâm