Các nhà kinh doanh đường châu Á đang đối mặt với sự bất an ngày càng tăng trước thông báo về chính sách chống bán phá giá của Việt Nam vào tháng 6.
Vào 12.5, Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành tham vấn về các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu của Thái Lan, trong lúc tạm áp đối với nhập khẩu đường thô và tinh luyện của Thái Lan lần lượt là 33,88% và 48,88%.
Động thái trên diễn ra sau sự gia tăng nhập khẩu đường của Thái Lan, điều này đã tác động đến ngành đường nội địa của Việt Nam. Mặc dù có tin đồn thị trường rằng thuế áp đối với đường tinh luyện của Thái Lan có thể giảm một nửa xuống còn khoảng 20%, nhưng thông tin này vẫn chưa được công bố. Theo quy định, thuế chống bán phá giá sẽ có hiệu lực trong 120 ngày kể từ ngày thông báo.
Vẫn cần đường nhập khẩu
Các nguồn tin thương mại lưu ý rằng giá đường trong nước tăng có thể cho thấy Việt Nam đang khan hiếm đường và do hạn chế tiếp cận với đường xuất xứ từ Thái Lan.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu đường, dẫn đến nhu cầu của người mua Việt Nam phải nhập khẩu đường từ các nước khác hoặc vẫn từ Thái Lan. Platts Analytics ước tính sản lượng của Việt Nam vẫn ở mức 700.000 tấn ở mùa vụ 2020-21 hiện tại trong khi sức tiêu thụ ở mức 1,7 triệu tấn, tức là cung trong nước hụt 1 triệu tấn so với nhu cầu.
Tính đến ngày 20.5, tổng lượng nhập khẩu nguyên liệu thô của Thái Lan vào Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 ở mức 122.052 tấn, so với 228.929 tấn cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đường trắng và đường tinh luyện của Thái Lan vào Việt Nam thời gian trên là 135.953 tấn, giảm so với mức 281.032 tấn của cùng kỳ năm trước.
Khả năng cạnh tranh tương đối của đường nhập khẩu Thái Lan cũng giảm, do người mua Việt Nam chuyển sang nhập khẩu đường có xuất xứ ASEAN khác, gồm cả xuất xứ Indonesia và Malaysia.
Mối quan tâm về dòng đường xuyên biên giới
Một số nguồn thạo tin cho biết, đường thô Thái Lan vẫn vào Việt Nam thông qua các tuyến đường biển truyền thống, trong khi hầu hết đường tinh luyện của Thái Lan vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận tải đường bộ xuyên biên giới.
“Nhiều quốc gia như Lào và Campuchia đang bán đường cho Việt Nam bằng xe tải, vì vậy đây không phải là con đường biển truyền thống”, một thương nhân đường trắng ở Singapore cho biết.
“Nhu cầu của Việt Nam đang giảm rất nhiều và người mua chỉ mua chậm vì COVID-19. Một yếu tố khác là do vận chuyển hàng hóa bằng container vì các nhà nhập khẩu không thể có được giá cước tốt ”, nguồn tin Singapore cho biết.
Về vấn đề áp thuế chống bán phá giá, các thương nhân cho rằng sẽ không có lợi cho ngành sản xuất trong nước, nếu dòng đường qua biên giới thay thế đường nhập khẩu bị đánh thuế chống bán phá giá.
“Tôi không nghĩ biện pháp chống bán phá giá là tốt vì nhiều đường sau đó sẽ đi qua con đường không chính thức. Ngành công nghiệp đường địa phương của họ và chính phủ sẽ không được hưởng lợi từ những dòng chảy như vậy”, một thương nhân có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.
Phía Việt Nam nói gì?
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến cuối tháng 4.2021 toàn ngành mía đường đã ép được gần 6,3 triệu tấn mía, sản xuất được 661.712 tấn đường. Ước tính sản lượng đường của vụ 2020/21 sẽ đạt khoảng dưới 700.000 tấn. Là mức thấp kỷ lục về sản lượng.
Tuy sản lượng đường trong nước giảm mạnh, nhưng việc tiêu thụ lại đang rất khó khăn, bởi sự cạnh tranh gay gắt của đường ngoại trên thị trường nội địa. Trong tháng 4.2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục khống chế thị trường.
Đặc biệt đường nhập khẩu từ Thái Lan vào giai đoạn trước khi áp thuế và đường nhập theo hình thức tránh né thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan bằng cách nhập khẩu từ các nước ASEAN (Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanma) đang hoàn toàn làm chủ thị trường Việt Nam. Các nhà máy đang gặp khó khăn vì đã nâng giá mía lên cho nông dân nhưng tiêu thụ đường với mặt bằng giá mới không thể thực hiện trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN ngoài Thái Lan. Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mức độ bùng nổ khi so sánh với 3 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, trong quý 1, tổng lượng đường nhập khẩu từ 5 nước nói trên là 188.202 tấn, tăng tới 5.735% so với cùng kỳ 2020. Lượng đường nhập khẩu từ mỗi nước như sau: Campuchia là 60.260 tấn; Indonesia 31.925 tấn; Lào 18.350 tấn; Malaysia 32.984 tấn; Myanmar 44.683 tấn.
Theo VSSA, mức tăng trưởng như trên về lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam trong quý 1 năm nay thực sự là hiện tượng không bình thường. Bởi chắc chắn cả 5 nước ASEAN nêu trên hoàn toàn không có phát triển gì về sản xuất mía đường để có thể xuất khẩu đường vào Việt Nam với mức tăng bùng nổ như vậy.
Chính vì vậy, VSSA cho rằng, lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam trong quý 1 với khối lượng tăng một cách đột biến, là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời mà Bộ Công Thương Việt Nam đã áp dụng đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.