Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng Doanh nghiệp đang hồi phục sau dịch thì bị giá xăng dầu “quật”.

Doanh nghiệp đang hồi phục sau dịch thì bị giá xăng dầu “quật”

Lam Thanh | 22/06/2022, 15:08

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng Doanh nghiệp đang hồi phục sau dịch thì bị giá xăng dầu “quật”.

Giá xăng liên tiếp lập đỉnh mới

Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ chiều 21.6, theo đó mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95 tăng 500 đồng và dầu tăng từ 380 - 990 đồng/lít.

Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 21.6, giá xăng dầu trong nước có 16 kỳ điều hành (trong đó mặt hàng xăng có 13 kỳ tăng giá, 3 kỳ giảm giá).

Hiện giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố việc lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

vvp1.jpg
Giá xăng dầu liên tục lập đỉnh

Trong đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31.12.2022.

Cụ thể, với mặt hàng xăng, giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những giải pháp này chưa đủ mạnh để kiềm chế giá xăng dầu, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Có thể thấy, giá xăng tăng liên tục tác động lớn tới chi phí vận tải, logistics, giá hàng hóa... Yếu tố này vô hình trung khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khó càng thêm khó, đặc biệt trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đời sống tiêu dùng của người dân từ đó bị ảnh hưởng nặng nề.

Không chỉ vậy, số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước, chưa kể mối lo từ lạm phát. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có tới 10 nhóm hàng tăng giá.

Tại cuộc họp mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã nhận định nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu, lưu ý đây là vấn đề rất quan trọng, cần hết sức thận trọng vì để lạm phát tăng cao sẽ khó kiểm soát.

Doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã bị giá xăng dầu quật ngã

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng giá cả những tháng đầu năm có nhiều diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng tăng cao. Trong đó nổi cộm là việc tăng giá xăng dầu và những tác động của nó đến sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống tiêu dùng xã hội.

“Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu, thành phẩm của thế giới; sản xuất trong nước cũng chỉ đảm nhiệm được 70% mà thôi. Như vậy việc tăng giảm giá theo giá chung là một điều tất yếu. Song điều quan trọng là chúng ta xem xét thực hiện việc tăng giá như thế nào trong điều kiện thực tế và phù hợp với sức phát triển tồn tại của sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đời sống tiêu dùng của nhân dân Việt Nam trong từng thời điểm”, ông Phú nói.

vvp2.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Tuy nhiên, theo chuyên gia Phú, hiện đã là giữa năm, doanh nghiệp đang hồi phục sau dịch thì bị giá xăng dầu “quật”.

“Mọi mặt hàng đều tăng giá, đến cái bánh mì của dân lao động cũng tăng 2,5 lần rồi”, ông Phú nói và chỉ ra việc giá xăng dầu tăng mạnh tạo ra những hệ lụy không nhỏ đối với nền kinh tế cũng như đời sống người dân.

Theo ông Phú, đối với doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng khiến giảm sút năng lực cạnh tranh về giá, hàng hóa nước ngoài tràn vào. Ngoài ra, giá tăng cũng khiến đình trệ sản xuất, ví dụ hàng loạt tàu cá phải nằm bờ vì chi phí tăng cao.

Chưa kể, khi giá cả tăng cao, dinh dưỡng con người ta không đủ tái sản xuất thì không đủ sức duy trì lao động, ảnh hưởng tới thể trạng, nòi giống sau này.

Trong khi đó, mỗi lít xăng dầu được bán ra phải chịu 4 loại thuế gồm: thuế giá trị gia tăng (chiếm 10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế bảo vệ môi trường (được tính theo mức cố định). Ngoài ra, là các khoản chi phí định mức, lợi nhuận định mức... cộng lại đã chiếm hơn nửa giá bán, tuy nhiên nhà điều hành mới chỉ chọn giảm thuế BVMT.

Ông Vũ Vinh Phú đánh giá đây là giải pháp cũng nên thực hiện nhưng chỉ là giải pháp “cò con”, không đủ níu kéo doanh nghiệp trở lại phát triển.

Theo ông, mỗi lít xăng chỉ khoảng 22.000 - 25.000 thì doanh nghiệp mới sống nổi, chứ mức giá này thì nền kinh tế gặp khó khăn rất lớn.

Hãy cùng đi chợ với dân

Về ý kiến “giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng của một số nước trong khu vực và trên thế giới” hay “nếu hạ giá xăng sẽ dẫn tới nguy cơ buôn lậu xăng dầu”, “hạ giá xăng thì dẫn tới khả năng bị kiện chống bán phá giá”, ông Vũ Vinh Phú cho rằng đây là những ý kiến cần phải xem lại.

Theo ông Phú, vấn đề buôn lậu xăng dầu là có thật, tuy nhiên Việt Nam có hàng vạn chiến sĩ hải quan biên phòng, công an kinh tế, quản lý thị trường và thực chất lâu nay họ cũng đang bắt giữ xăng dầu lậu. Đó là công việc thường xuyên mà họ được phân công.

Còn việc hạ giá xăng, giảm thuế phí xăng mà Bộ trưởng Bộ Tài chính nói sẽ bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp, thì Malaysia đang làm từ lâu rồi. Ở nước họ xăng dầu không có thuế phí trong cơ cấu giá bán lẻ và hiện đang bán ở mức 13.000đ/lít, đã có ai hoặc tổ chức nào kiện họ đâu?

vvp3.jpg
Hàng loạt tàu cá nằm bờ vì giá xăng, dầu tăng cao - Ảnh: Vietnamnet

Ông Vũ Vinh Phú cho hay, trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Quốc hội một vài ngày trước đây, Bộ nêu lý do giảm thuế phí là thẩm quyền của Quốc hội, tuy nhiên, trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu còn có lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, quỹ bình ổn giá, thẩm quyền giải quyết mấy khoản mục này không phải đến mức Quốc hội phải duyệt mà do Chính phủ quyết định.

“Tình hình diễn biến thực tế ở trên cho ta thấy hai ngành đã bỏ qua những ý kiến khẩn thiết đề nghị giảm thuế phí và một số khoản khác trong giá xăng dầu của dư luận. Họ vẫn ung dung “bình chân như vại” như không có chuyện gì xảy ra một cách cấp bách cả”, ông Phú nhận xét.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, Quỹ bình ổn giá là tiền của dân, trích ra 300 đồng mỗi lít để bỏ vào, nhưng hiện âm hơn 1.000 tỉ đồng thì ai chịu trách nhiệm? Nhiều quốc gia họ bình ổn bằng hàng chứ không phải tiền. Họ xây các kho dự trữ hàng triệu tấn dầu để bình ổn, sao chúng ta không học tập? Lưu thông mà không có dự trữ thì coi như không lưu thông.

“Hãy ăn bữa cơm với công nhân, hãy cùng đi chợ với dân nghèo để biết giá cả thế nào mà làm giá”, ông Phú nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp đang hồi phục sau dịch thì bị giá xăng dầu “quật”