Xuất khẩu của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm qua đạt trên 17,5 tỉ USD, trong đó đa phần là các mặt hàng nông, thủy sản. Khi EVFTA được thông qua sẽ là cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp nếu tận dụng cơ hội thành công. Dự báo đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sẽ tăng 40% và đến 2030 sẽ tăng trên 60%.

Doanh nghiệp ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA có hiệu lực

14/08/2019, 16:30

Xuất khẩu của các doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm qua đạt trên 17,5 tỉ USD, trong đó đa phần là các mặt hàng nông, thủy sản. Khi EVFTA được thông qua sẽ là cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp nếu tận dụng cơ hội thành công. Dự báo đến năm 2025, giá trị xuất khẩu sẽ tăng 40% và đến 2030 sẽ tăng trên 60%.

Chế biến cá tra xuất khẩu - Ảnh: Hải Ngọc

Việt Nam đang là đối tác lớn của thị trường EU

Việt Nam là một trong những đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn của Liên minh châu Âu (EU) tại khu vực Đông Nam Á. Khi Hiệp định Thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) được thông qua sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn vào thị trường EU thông qua các hàng rào được dỡ bỏ. Đặc biệt là thuế suất sẽ tạo sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, thông qua EVFTA, hàng hóa của ĐBSCL có thể dễ dàng tiếp cận và cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng của những quốc gia khác trong khu vực tại thị trường EU.

Hiệp định này cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận được thiết bị, công nghệ của châu Âu với ưu đãi thuế suất thấp. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ tiếp cận những trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất và sẵn sàng tham gia vào chuỗi giá trị chung toàn cầu, đảm bảo được tiêu chuẩn, chất lượng mà thị trường này đặt ra.

Người nuôi cá sẽ phải hợp tác tốt với nhau - Ảnh: Hải Ngọc

Tuy nhiên, thách thức mà thị trường EU đặt ra là sự khắt khe về tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật, sẽ không còn việc nuôi trồng thủy sản đơn lẻ như trước đây mà phải được bảo hộ để đạt tiêu chuẩn ngay từ đầu vào.

Thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay là hệ thống nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo từ vùng nuôi đến chế biến để gia tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu. Không chỉ các doanh nghiệp đang xuất khẩu phải nắm bắt cơ hội mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần thay đổi để hướng tới thị trường tiềm năng này.

“Chúng ta phải hiểu rằng hiệp định sẽ được len lỏi vào tận bên trong mỗi quốc gia. Và như vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta, mặc dù không xuất khẩu, mặc dù không bán hàng, nhưng chúng ta sản xuất một chuỗi giá trị hàng hóa chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn hơn, các hộ nuôi trồng phải trang bị kỹ thuật cao hơn, người lao động phải được bảo hộ đầy đủ, các kháng sinh sử dụng phải đạt tiêu chuẩn... chẳng hạn và các quy trình đó đều phải được minh bạch vì phía EU sẽ kiểm tra rất nghiêm ngặt về việc này”, ông Lam nói.

Nắm bắt thời cơ để phát triển

Có thể nói một khi EVFTA được thông qua, một số mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất 0% sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp cần lưu ý ở thị trường EU là nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận bảo vệ môi trường cũng như một số tiêu chí mà thị trường này yêu cầu.

Nguồn gốc cá nuôi phải được truy xuất dễ dàng - Ảnh: Hải Ngọc

Tuy nhiên phải nói rằng bất cứ thị trường nào cũng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc rõ ràng. Để tham gia cuộc chơi, các doanh nghiệp và người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ông Trần Thanh Phong - Phó tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, thời gian qua ngành hàng cá tra luôn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các địa phương, vì đây vẫn là ngành chủ lực trong nhiều năm qua. Không chỉ cá tra mà các mặt hàng thủy sản khác của vùng ĐBSCL đã đáp ứng được các tiêu chuẩn mà thị trường Mỹ và EU yêu cầu.

Tuy nhiên, khi EVFTA thông qua cũng đồng nghĩa với việc một số tiêu chí sẽ thay đổi. Vì vậy các doanh nghiệp cần thời gian để chuẩn bị và nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ ngành trong quá trình thực hiện.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, các doanh nghiệp phải thấy lợi ích lâu dài ở hiệp định này, cần phải đặt chữ tín lên hàng đầu. Hàng hóa trước tiên phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của đối tác, đặc biệt phải đảm bảo 100% hàng Việt Nam, không thể có phụ liệu của một nước thứ 3, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và làm ăn chân chính của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, vai trò của các hiệp hội và chính quyền rất quan trọng trọng để đánh giá về tình hình sản xuất, xuất khẩu và các quy định về pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua công nghệ thông tin, cách thức quản lý phù hợp với tình hình sản xuất...

Hải Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp ĐBSCL cần nắm bắt cơ hội khi EVFTA có hiệu lực