Liên quan đến việc doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ lương, các chuyên gia kinh tế có quan điểm trái chiều nhau về vấn đề này.

Doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn, chuyên gia nói gì?

Hoài Lam | 12/10/2020, 12:23

Liên quan đến việc doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ lương, các chuyên gia kinh tế có quan điểm trái chiều nhau về vấn đề này.

Mới đây, 8 hiệp hội doanh nghiệp vừa có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng nhiều cơ quan về việc giảm kinh phí công đoàn hàng năm xuống còn tối đa 1% quỹ lương thay vì 2% như hiện nay.

cong-doan.jpg
Nhiều DN kiến nghị giảm kinh phí công đoàn - Ảnh: Internet

Theo lập luận của cộng đồng doanh nghiệp thì luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong khi đó, luật Công đoàn lại yêu cầu người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn.

Theo các hiệp hội này, ngay từ tên gọi của khoản thu “kinh phí công đoàn” đã cho thấy đây là trách nhiệm của ngân sách nhà nước, không phải trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Các hiệp hội doanh nghiệp này cũng cho rằng, trong trường hợp Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ người sử dụng lao động thì kiến nghị khoản tiền này không nhằm phục vụ cho hoạt động của các cơ quan trong hệ thống công đoàn đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí và chỉ phục vụ cho việc chăm lo đời sống cho người lao động tại doanh nghiệp.

Do khoản thu này chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của người lao động, cần giảm tỷ lệ đóng khoản thu này xuống tối đa 1% vì doanh nghiệp hiện tại đã tự nguyện cung cấp rất nhiều các lợi ích cho người lao động ngoài những lợi ích người lao động được hưởng từ kinh phí công đoàn.

Các hiệp hội cũng cho rằng doanh nghiệp đóng thuế, tức là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước, nay phải trích nộp thêm kinh phí công đoàn nghĩa là doanh nghiệp phải đóng thêm 2% thuế trên qũy lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cũng có quan điểm trái chiều nhau. Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng kinh phí công đoàn là một trong những khoản chi bắt buộc để xây dựng các khu vui chơi, chăm sóc đời sống công nhân, phục vụ các hoạt động văn hóa thể thao, tinh thần của người lao động. Đây cũng là một trong những quy định, cơ quan thuế tính giảm trừ trong khoản thu nhập chịu thuế.

“Việc này có ý nghĩa khá quan trọng để cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động”, ông Thịnh nói và cho rằng ở phương diện nào đó, chi phí này có thể khiến một số doanh nghiệp cho rằng nó là gánh nặng đối với khoản chi của họ, vì chiếm tới 2% quỹ lương. Tuy nhiên, quỹ này để đảm bảo hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân, nên dù có khó khăn thì cũng không nên bỏ hoặc giảm đi khoản này.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc quan tâm đến đời sống vật chất của người lao động cũng như các yếu tố cải thiện tinh thần của họ trong thời gian qua được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như liên đoàn lao động các địa phương quan tâm, tuy nhiên, thực sự việc quan tâm này chưa thỏa mãn mong muốn của người lao động nói chung.

“Rõ ràng, chi phí hoạt động công đoàn các cấp cũng là chi phí khá lớn. Để có được các đề án giúp cải thiện đời sống cho người lao động cũng là một vấn đề khó khăn, vì trải qua nhiều quy trình, đáp ứng nhiều quy định về đầu tư của nhà nước, sử dụng vốn của các tổ chức quần chúng. Do đó, cũng có nhiều vướng mắc. Hơn nữa, các cán bộ công đoàn nói chung thì có những hạn chế trong việc thực hiện các hoạt động đầu tư, nên việc đầu tư cũng chưa cao.

Tổng Liên đoàn lao động tích lũy qua các thời kỳ được hơn 29.000 tỉ đồng cũng chỉ biết gửi ngân hàng thôi. Nếu dùng phần tiền này để đầu tư nhiều hơn, để chăm lo cho đời sống công nhân thì công nhân mới cảm thấy được yên tâm. Chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do, công nhân họ có quyền tham gia các công đoàn khác, nếu hoạt động công đoàn của tổng liên đoàn không đảm bảo thì họ sẽ tham gia các công đoàn khác”, ông Thịnh nói.

Về quan điểm ngân sách nhà nước nên chi khoản kinh phí công đoàn, theo ông Thịnh, các liên đoàn, các tổ chức quần chúng xã hội trước đây dựa nhiều vào ngân sách Nhà nước, nhưng trong những năm gần đây và tiến tới thì họ phải tự hoạt động dựa trên nguồn kinh phí đóng góp của mình chứ không thể trông chờ vào ngân sách, bởi ngân sách hiện còn rất nhiều thứ phải lo.

Còn theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, nên tách bạch khoản kinh phí công đoàn ra. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế, không phải trực tiếp đóng thêm khoản phí này. Việc chi cho các tổ chức công đoàn sẽ dùng ngân sách, tương tự như việc chi cho các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội phụ nữ, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc…

Theo ông Minh, ở nhiều nước trên thế giới, khoản phí công đoàn này cũng coi như một loại thuế cho an sinh xã hội, tương tự như chúng ta đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển về cho Nhà nước. Đối với các khoản này, Nhà nước cơ bản là giữ hộ cho người dân để về già người dân có lương hưu hoặc khi ốm đau thì họ được hỗ trợ điều trị. Về bản chất, khoản này thuộc về người lao động, còn nhà nước giữ hộ.

Còn với phí công đoàn ở Việt Nam, chuyên gia này cho rằng bản chất lại khác. “Anh trích tiền lương ra để nuôi bộ máy công đoàn và khoản này không thuộc về người lao động. Ta không biết là tổ chức kia có giúp được cho tất cả người lao động hay không, có thể giúp được, cũng có thể không và không có nghĩa tất cả mọi người đều được hưởng mức tương ứng với mức họ đóng góp. Như vậy, không nên bắt họ phải đóng khoản mà họ không chắc sẽ được hưởng”.
Như vậy, ông Minh cho rằng cần phải tách bạch khoản này ra. Nếu người lao động tham gia công đoàn cơ sở thì họ có thể đóng một khoản phí, nhưng nếu họ không tham gia thì họ không cần phải đóng, chứ không phải bắt buộc.

“Kiểu như nếu bạn là hội viên một hội nào đó thì bạn phải đóng hội phí, còn không phải thành viên thì không cần phải đóng. Do đó, kinh phí hoạt động của công đoàn nên từ nguồn ngân sách và một phần phí của hội viên ở trong đó”, ông Minh nói.

Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn mong muốn giữ nguyên kinh phí công đoàn là 2%. Tuy nhiên, có thể đề xuất quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh...

Nội dung trích dẫn...

Hệ thống công đoàn Việt Nam hiện có hơn 126.000 công đoàn cơ sở; hơn 10,5 triệu đoàn viên công đoàn. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Công đoàn cho biết, tổng thu tài chính công đoàn giai đoạn 2013-2019 là 100.354 tỉ đồng. Bốn cấp công đoàn đã chi gần 77.000 tỉ đồng, trong đó 73% chi ở công đoàn cơ sở; 15% ở cấp huyện và đơn vị sự nghiệp; gần 11% chi tại cấp tỉnh, ngành và tại cấp Tổng Liên đoàn là chưa đến 1% (576 tỷ đồng).

Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước đối với Tổng Liên đoàn Lao động, năm 2019 tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 hơn 20.200 tỉ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động. Tỷ lệ chi trực tiếp chủ yếu tập trung ở cấp công đoàn cơ sở. Nếu ở công đoàn cơ sở là 99% thì ở công đoàn cấp trên cơ sở là 68%; liên đoàn lao động cấp tỉnh thành là 45% và ở Tổng Liên đoàn lao động chỉ trên 8%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp kiến nghị giảm kinh phí công đoàn, chuyên gia nói gì?