Góp ý về dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng một số quy định chưa hợp lý, đề nghị cân nhắc.

VCCI: Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài nhiều quy định chưa hợp lý

Lam Thanh | 12/10/2020, 10:51

Góp ý về dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng một số quy định chưa hợp lý, đề nghị cân nhắc.

Về hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (sau đây gọi tắt là GCN) đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ (Điều 16), Dự thảo quy định, trong hồ sơ phải có: Văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư (khoản 3); Tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài (khoản 4); Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ của nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư cam kết tự thu xếp ngoại tệ (khoản 5).

dau-tu.jpg
VCCI góp ý về nhiều quy định tại Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài - Ảnh: Internet

VCCI cho rằng quy định trên cần được cân nhắc, xem xét. Lý do, thông tin trong tài liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể trao đổi với nhau, vì vậy không cần thiết phải yêu cầu nhà đầu tư nộp loại tài liệu này.

Vì vậy, để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 3, điều chỉnh quy định về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận theo hướng, trong quá trình thẩm định hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận có thể trao đổi thông tin với cơ quan quản lý thuế để kiểm tra về điều này của nhà đầu tư.

Với tài liệu xác định hình thức đầu tư, VCCI cho hay Điều 10 dự thảo quy định các loại tài liệu xác định hình thức đầu tư ra nước ngoài của các hình thức đầu tư theo hợp đồng, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý của tổ chức kinh tế đó.

Quy định này được hiểu, nếu nhà đầu tư thực hiện đầu tư ra nước ngoài bằng hình thức thành lập tổ chức kinh tế ở nước ngoài thì trong hồ sơ không cần phải có giấy tờ xác định hình thức đầu tư.

Lý do của sự khác biệt trong hồ sơ giữa các hình thức này là vì “khó có tài liệu chứng minh việc dự kiến thành lập tổ chức kinh tế ở nước ngoài, trừ khi tổ chức đó đã được thành lập”, “quan điểm hiện hành là không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đầu tư ở nước ngoài trước rồi mới làm thủ tục đăng ký cấp GCN ở Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư linh hoạt trong việc thực hiện các thủ tục và hạn chế xảy ra trường hợp đã thực hiện thủ tục ở nước ngoài nhưng sau đó không được cấp GCN ở Việt Nam” (điểm 1.7 mục 3 Tờ trình).

Với lý do được giải trình ở trên thì việc yêu cầu tài liệu này cho hình thức đầu tư theo hợp đồng, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý của tổ chức kinh tế đó là chưa hợp lý.

Bởi vì, trong hình thức đầu tư này, nhà đầu tư cũng có thể mới có dự kiến đầu tư và chưa thực hiện bất kì thủ tục đầu tư nào ở nước ngoài. Do đó, nhà đầu tư cũng không thể cung cấp được các loại tài liệu xác định hình thức đầu tư quy định tại Điều 10 Dự thảo. Hơn nữa, việc yêu cầu phải có tài liệu xác định hình thức đầu tư tại thời điểm xin cấp GCN là đi ngược lại quan điểm được thể hiện trong tờ trình trên. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 4.

VCCI cũng cho rằng quy định nhà đầu tư phải có văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận số dư tài khoản ngoại tệ trong trường hợp cam kết tự thu xếp ngoại tệ là chưa phù hợp, bởi vì theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 57, khoản 1 Điều 58 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư phải nộp “cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư của tổ chức tín dụng được phép” trong trường hợp nhà đầu tư tự thu xếp ngoại tệ.

Do đó, dự thảo yêu cầu tài liệu này là chưa thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2020, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định tại khoản 5.

Về trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính, dự thảo có một số quy định về trình tự, thủ tục để được cấp phép, VCCI cho rằng thời gian kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ chưa được quy định rõ. Điều này có thể khiến cho quy trình thủ tục bị kéo dài, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, về thời hạn thẩm định hồ sơ của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định tại khoản 6 Điều 17 dự thảo thì trong giai đoạn thẩm định và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ, nếu có nội dung cần làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, quy định này không rõ là thời hạn lấy ý kiến của nhà đầu tư có được tính vào thời hạn tổ chức thẩm định quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Đầu tư 2020 không? Nếu không thì thời hạn này là bao lâu? Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề này.

Thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị hỏng dưới hình thức khác là 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư (khoản 1 Điều 26). VCCI cho rằng đây là khoảng thời gian quá dài để cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp đơn giản trên, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn thời hạn này lại khoảng 5 ngày làm việc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
3 tháng đầu năm, vốn FDI vào bất động sản tăng vọt
16 giờ trước Tài chính và đầu tư
3 tháng đầu năm, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỉ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VCCI: Dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài nhiều quy định chưa hợp lý