Doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 20 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở các thị trường như Lào, Campuchia, Liên bang Nga, Venezuela, Peru...
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến tháng 4 năm 2015, doanh nghiệp Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 15 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có 115 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 5 tỷ USD. Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm tính đến nay là 20 tỷ USD.
Thị trường đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào, với 259 dự án, tổng vốn đầu tư 3,9 tỷ USD (chiếm 27% tổng số dự án và 26% tổng vốn đăng ký đầu tư).
Xếp thứ hai là Campuchia với 171 dự án và 3,2 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 18% tổng số dự án và 22% tổng vốn đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Liên bang Nga với 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 968 triệu USD.
Việt Nam có 2 dự án đầu tư sang Venezuela với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD và 6 dự án sang Peru với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD tổng vốn đầu tư.
Có thể thấy hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam gần đây không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà còn mở rộng sang các quốc gia khác. Một số thị trường khác cũng tập trung nhiều vốn như An-giê-ri, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ…
Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất, với 111 dự án và 5,1 tỷ USD vốn đầu tư. Tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp với 125 dự án và 2,7 tỷ USD vốn đầu tư.
Đây là những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước như Viettel, Vinamilk, các công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam, các ngân hàng có vốn nhà nước... thì đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng.
Trong năm 2014, có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài như FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, chuyển phát Tín Thành...
Duyên Duyên