ĐBSCL có nhiều loại trái ngon như bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng cơm vàng hạt lép, thanh long… sẽ đóng góp tốt cho mục tiêu xuất khẩu rau quả 2 tỉ USD trong năm nay. Hiện tại, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Trái cây ĐBSCL xuất khẩu sẽ cán mức 2 tỉ USD/năm

Một Thế Giới | 18/11/2015, 10:56

ĐBSCL có nhiều loại trái ngon như bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng cơm vàng hạt lép, thanh long… sẽ đóng góp tốt cho mục tiêu xuất khẩu rau quả 2 tỉ USD trong năm nay. Hiện tại, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Nhu cầu khả quan

Dự báo năm 2015, tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 2,6 triệu tấn là trái cây từ khu vực các nước nhiệt đới, tăng bình quân 5,4%/năm. Các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore, Úc, New Zealand, EU... đã mở cửa cho nhiều loại trái ngon Việt Nam là do chúng ta có giấy thông hành GAP.

Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây ở ngã ba Bềnh, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cho biết: Sự chuyển đổi sản xuất nhanh tại các địa phương đang tạo ra giá trị gia tăng khá cao trên từng vùng quy hoạch phát triển cây ăn trái gắn với tiêu chuẩn sạch, an toàn. Từ tháng 6.2015 đến nay, cơ sở này đã xuất khẩu bưởi da xanh và năm roi sang thị trường Trung Quốc với sản lượng bình quân khoảng 5 - 6 container/tháng. Ngoài ra, các thị trường truyền thống như Cannada, Đức, Anh, Hà Lan… cũng liên tục gọi điện đặt hàng. Thị trường Trung Đông như Dubai cũng rất tiềm năng và cơ sở này đang thương thảo giá cả và sản lượng ăn hàng với đối tác.

Theo ông Hưng, giá xuất khẩu bưởi da xanh hiện từ mức 2 USD/kg trở lên thì cơ sơ mới ký hợp đồng xuất bán. Chính giá xuất tốt cộng với nhu cầu bưởi của nhiều nước trong 3 tháng qua tăng mạnh nên giá trái ngay chính vụ năm 2015 luôn đứng ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước. Hiện tại, bưởi da xanh loại 1,4kg/trái trở lên có giá 42.000đ/kg, loại 1,2 - 1,4kg có giá 32.000đ/kg; bưởi năm roi có giá 20.000đ/kg loại 1,2kg/trái trở lên.

Ông Nguyễn Thành Chua, Giám đốc HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa (TX.Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: Ngay lúc này là mùa thu hoạch bưởi chính vụ và trái chín của 14 thành viên trong HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa đã có một số doanh nghiệp đến đặt hàng thu mua xuất khẩu sang Hà Lan, Trung Quốc... Chính nhờ xuất khẩu tốt nên gia trái chín mùa chính vụ 2015 ổn định và đang đứng ở mức cao. Bưởi năm roi bán xô (trái có ruột là cân) được thương lái mua với giá 9.000 đồng/kg; bưởi loại có trọng lượng 900gr trở lên có giá trên 16.000đ/kg...

Tuy nhiên, tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam lưu ý: Rút kinh nghiệm của xuất khẩu trái cây năm 2014 là gần với đạt với mục tiêu đề ra, nhưng so với mặt bằng chung thì chưa xứng tầm. Do đó, cần lưu ý yếu điểm của ngành trái cây là doanh nghiệp chưa liên kết chặt với nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Do đó, bài toán cần giải trong thời gian tới là các địa phương cần tổ chức nông dân sản xuất cây ăn trái lại thành tổ hợp tác, HTX để sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và phải có sự gắn kết chặt của doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Phải rút ngắn giai đoạn giữa sản xuất và tiêu thụ và loại hẳn trung gian thương lái, để đạt được mục tiêu năm 2015 này.

Đã có chuẩn bị từ trước

Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre nói: “Để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu như hiện tại thì cách đây 5 năm Bến Tre đã quy hoạch và đầu tư phát triển 5.000ha bưởi da xanh và đến nay đã vượt mục tiêu đề ra. Ngoài cây bưởi thì cây chôm chôm và nhãn xuồng cơm vàng cũng được quy hoạch và phát triển. Đi đôi với quá trình quy hoạch phát triển thì ngành nông nghiệp luôn hướng nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên tất cả loại cây. Kết quả đến nay đã có trái chôm và nhãn xuồng cơm vàng đi vào thị trường Mỹ, bưởi xuất khẩu được nhiều thị trường khó tính...".   

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long nói: Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL sau Tiền Giang, với trên 44.541ha, chiếm 38,07% đất sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao giá trị gia tăng của từng loại cây ăn trái và phát triển bền vững, Vĩnh Long đã chọn 5 giống cây ăn trái chủ lực để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành hàng cây ăn trái là: nhãn, bưởi năm roi, cam sành, sầu riêng, xoài xiêm núm. Trong thực tế, bưởi năm roi, nhãn tiêu da bò, cam sành đã và đang đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD xuất khẩu. Vùng nguyên liêu 8.000ha bưởi năm roi nằm dọc theo sông Hậu đang bước vào mùa thu hoạch và đang có nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua trái chín tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ưu điểm vùng nguyên liệu bưởi năm roi là đã có khoảng 100ha được nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên việc xuất khẩu đang rất thuận lợi. Vĩnh Long đã quy hoạch phát triển vùng chuyên canh bưởi năm roi trên cơ sở mỗi năm tăng thêm khoảng 5% so với diện tích hiện tại là 8.000ha.

Nếu như bưởi năm roi VietGAP, GlobalGAP đang dồi dào nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thì cây chôm chôm, nhãn tiêu da bò.. cũng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu không nhỏ. Vĩnh Long đã quy hoạch vùng chuyên canh nhãn giữ mức ổn định 8.000ha với các giống ngon đạt chuẩn xuất khẩu. Hiện tại 10ha của tổ hợp tác nhãn tiêu da bò tại xã Tận Hạnh (H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã được Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 2 cấp mã COS để xuất khẩu sang Mỹ. Giống nhãn xuồng cơm vàng ở xã An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) cũng được cấp mã COS trong thời gian tới. Sở NN-PTNT Vĩnh Long tiếp tục đề nghị cấp mã COS cho nhãn Edow (đây là giống nhãn được đổi tên từ Edor). Bưởi da xanh đang được nông dân Vũng Liêm (Vĩnh Long) chuyển đổi sản xuất nhanh và hiện có trên 1.000ha. Để phát huy giá trị gia tăng của trái bưởi da xanh, huyện Vũng Liêm đã xúc tiến các thủ tục xin Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Vũng Liêm”…

Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói: Ước tính toàn vùng hiện có gần 300.000ha cây ăn trái các loại, sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 38% về diện tích và 44% về sản lượng của cả nước. ĐBSCL là vùng hội đủ điều kiện về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... để trồng cây ăn quả 4 mùa, tạo nguồn nông sản tiêu dùng và xuất khẩu ổn định. Năm 2014 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1,5 tỉ USD, tăng 150% so với năm 2013, đạt giá trị cao nhất từ trước đến nay. Còn đến tháng 7.2015, trái cây xuất khẩu đã đạt trên 160.000 tấn, giá trị đạt 1,001 tỉ USD.

Sản phẩm trái cây Việt Nam, mà vùng sản xuất trái cây chính là ĐBSCL, đang đứng trước cơ hội lớn để gia nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới và cán đích 2 tỉ USD.

Bình An
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trái cây ĐBSCL xuất khẩu sẽ cán mức 2 tỉ USD/năm