Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì lỗ nặng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì ‘bão giá’ vật liệu xây dựng và COVID-19

Hồ Đông | 04/08/2021, 17:05

Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì lỗ nặng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.

Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá thép trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đã khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào cảnh khốn đốn. Theo Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến.

Các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn, không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng), nên các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này. Còn các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các Sở Xây dựng, mà các thông báo này lại không cập nhật biến động giá kịp thời, nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần thâm hụt này.

Theo tính toán của các chủ đầu tư, thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí cho một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề. Với mức giá thép tăng “phi mã” lên tới 40 - 45% như hiện nay thì đơn giá bán nhà sẽ chịu tác động lớn.

Đáng chú ý, không riêng gì thép, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng khác cũng nhiều lần đưa ra thông báo thay đổi, điều chỉnh tăng giá bán khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh.

Nhà thầu xây dựng lỗ nặng

Việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đang ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều nhà thầu xây dựng lớn. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong 2 quý đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. Năm nay, dù cho các doanh nghiệp xây dựng đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng dương so với năm 2020, nhưng vẫn chưa thể quay về với mức tăng trưởng của giai đoạn trước đó.

nha-thau-xay-dung.jpeg
Nhiều doanh nghiệp xây dựng sụt giảm lợi nhuận do giá vật liệu xây dựng tăng cao và ảnh hưởng từ dịch COVID-19 - Ảnh: Internet

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, trả lời cổ đông, ông Michael Trần, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons khẳng định việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Coteccons. Việc giá thép tăng là khó khăn chung của cả ngành chứ không riêng gì Coteccons.

Theo thống kê thì mức lợi nhuận của Coteccons, trong quý 2/2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần 2.550 tỉ đồng, giảm 36% so với quý 2/2020. Lợi nhuận gộp 134,7 tỉ đồng, giảm 49% trong bối cảnh giá thép xây dựng tăng phi mã. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận 99 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 280 tỉ đồng năm 2020.

Năm 2021, Coteccons lên kế hoạch doanh thu 17.413 tỉ đồng, tăng 20%, lợi nhuận 340 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2020. Như vậy, đến nay, Coteccons mới chỉ hoàn thành được 13% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra. Mức này vẫn kém xa với năm 2019 và thời kỳ đỉnh cao của Coteccons 2016 -2018.

Kế hoạch này của Coteccons được xây dựng trên kịch bản từ nửa cuối năm 2020 Coteccons đã không có dự án nào mới. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết Coteccons ký được khoảng 10 hợp đồng với tổng trị giá 2.500 tỉ đồng nhưng với tình hình kinh tế như hiện nay cũng khó có được biên lợi nhuận cao.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, trong quý 2/2021, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 3.179 tỉ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.949 tỉ đồng của quý 2/2020. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp còn 195 tỉ đồng, giảm 17%.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Bình chia sẻ trong báo cáo thường niên rằng suốt 3 năm 2018, 2019 và 2020 thị trường xây dựng đầy khó khăn do không có nhiều dự án đầu tư địa ốc được cấp giấy phép xây dựng, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 khiến các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng đều bị thiệt hại rất lớn. Sang tới đầu năm 2021, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, bên cạnh đó giá thép xây dựng đang tăng phi mã cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Kinh doanh khó khăn hơn cũng diễn ra tại Công ty cổ phần Vinaconex. Quý 2/2021, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 237 tỉ đồng, giảm 14%. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 1,7 tỉ đồng, giảm 55% so với quý 2/2020. Lý giải tình trạng kinh doanh sụt giảm, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh COVID-19 tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2021 của công ty. Một số dự án, công trình tạm dừng thi công hoặc giãn thi công dẫn đến các chỉ tiêu công ty thực hiện trong quý 2/2021 không đạt.

Theo các chuyên gia, ngành xây dựng vốn có biên lợi nhuận mỏng, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt, hay bị chiếm dụng vốn… nay lại phải đối mặt với việc giá vật liệu xây dựng tăng đột biến và dịch COVID-19. Điều này dẫn đến nguy cơ lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp xây dựng bị “ăn mòn”, dự án đội chi phí dẫn tới lỗ nặng.

Trước tình trạng giá thép tăng phi mã, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép. Cụ thể, Bộ đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% và giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép từ mức 15-25%. Đề xuất này nếu được thông qua sẽ giúp nguồn thép nhập khẩu vào Việt Nam dồi dào, cạnh tranh giá thép giữa các doanh nghiệp ngành thép tăng cao và doanh nghiệp xây dựng là là đối tượng được hưởng lợi.

Bài liên quan
TP.HCM: Hàng loạt cửa hàng tiện lợi chuyển sang bán thực phẩm tươi sống
Theo Sở Công thương TP.HCM, nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu đến người dân một cách thuận tiện nhất, nhiều cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã cung cấp hình thức mua sắm mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
23 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì ‘bão giá’ vật liệu xây dựng và COVID-19