Biến động kinh tế ở nhiều thị trường làm hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, sắt thép, đồ gỗ... không thể vui do đơn hàng sụt giảm mạnh.
Kinh tế - đầu tư - dự án

'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp tìm cách sống giữa đất ngoại

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 10/12/2023 14:16

Biến động kinh tế ở nhiều thị trường làm hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, sắt thép, đồ gỗ... không thể vui do đơn hàng sụt giảm mạnh.

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ, sắt thép... đang ở trong tình trạng "mất thăng bằng" vì đơn hàng sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình khó khăn dự báo sẽ kéo dài sang năm 2024, nên các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt khu vực còn ổn định, ít lạm phát.

img_9379.jpg.jpg
Nhiều doanh nghiệp da giày, may mặc vẫn gặp khó về các đơn hàng cuối năm - Ảnh: TN

Từ đầu năm, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát trên thế giới gia tăng, kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn sụt giảm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các doanh nghiệp dệt may trong ngành, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, năm 2023, trong bối cảnh hầu như các thị trường xuất khẩu đều có sự sụt giảm, có những thị trường giảm tới 30% và thị trường giảm tới 20%. Trong khi các thị trường khác sụt giảm, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu da giày sang thị trường Anh vẫn tăng 11%.

"Với số liệu của 10 tháng đầu năm, việc tăng trưởng như thế cũng đã giúp cho ngành da giày không bị sụt giảm quá sâu trong năm 2023", bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá và cho biết thêm, liên quan đến hợp tác đối với các hoạt động xuất nhập khẩu giữa thị trường Anh và Việt Nam, hiện nay một trong những thế mạnh mà chúng ta vẫn xuất khẩu vào thị trường Anh cũng là một thị trường nhập khẩu các loại giày dép chính và hầu như không sản xuất tại Anh nữa.

Thị trường Anh là một thị trường truyền thống đối với xuất khẩu giày dép của Việt Nam và khách hàng Anh cũng đã khá quen thuộc đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, để có những bước tăng trưởng trong thời gian sắp tới, theo bà Xuân ngoài việc các doanh nghiệp hai bên tận dụng lợi thế của các hiệp định mang lại thì bản thân chính các doanh nghiệp cũng phải có một sự đầu tư với năng lực nội tại.

"Đối với tăng trưởng xuất khẩu, các khối doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp FDI thông thường chiếm ưu thế nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay tận dụng các cơ hội đó vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có bước đi tốt hơn để tiếp cận đối với thị trường này", bà Xuân lưu ý.

Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các lợi thế để mà nâng cao, nâng cấp được chuỗi giá trị. "Chúng ta không chỉ làm ở trong phân khúc sản xuất mà chúng ta có thể vươn lên tiếp cận những công nghệ mới hay quá trình thiết kế mẫu mốt. Đó là điều chúng tôi mong muốn sau khi các hiệp định được thực thi thì hợp tác đó sẽ đẩy mạnh hơn", bà Xuân kiến nghị.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải nắm bắt thông tin những lợi thế, ưu đãi để có thể áp dụng mang lại những hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, vấn đề truy xuất chuỗi cung ứng, truy xuất nguồn gốc đối với nguyên vật liệu sẽ ngày càng đặt ra một cách gay gắt, chắc chắn các thị trường cũng sẽ đưa ra những chính sách như vậy để áp dụng đối với ngành da giày.

"Làm thế nào để chúng ta có thể vừa kiểm soát được chuỗi cung ứng, đáp ứng được các tiêu chí và đẩy mạnh xuất khẩu? Đây cũng là một trong những nhiệm vụ sắp tới mà ngành da giày phối hợp với các doanh nghiệp sẽ phải có những giải pháp căn bản và lâu dài. Bên cạnh đó, cũng mong Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp ngành da giày cung cấp thông tin, giải pháp để xây dựng, phát triển được nguồn nguyên phụ liệu cả về sản xuất, giao thương, để chúng ta có được nguồn cung phụ liệu bền vững, chủ động trong quá trình sản xuất, xuất khẩu", bà Xuân bày tỏ.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết các doanh nghiệp thép trong nước đang phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Dự báo cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa. Việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam được nới lỏng và không có quy trình kiểm tra chất lượng như trước đây dẫn đến việc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt sản phẩm từ Trung Quốc tăng rất nhanh.

VSA cho biết hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Các rào cản kỹ thuật được áp dụng rõ ràng tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh...

Trong khi đó, ngành thép Việt Nam đang chịu cảnh thua lỗ, sụt giảm các đơn hàng thì lượng thép nhập khẩu vẫn ở mức cao, hưởng thuế 0% và không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Năm 2023 là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ, tình trạng thiếu đơn hàng còn tiếp tục. Cũng vì vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ cạnh tranh để lấy đơn hàng bằng mọi giá, đẩy mặt bằng giá bán xuống thấp.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Hà Nội cho biết kết quả kinh doanh quý 3/2023, với doanh thu hợp nhất đạt gần 900 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 40 tỉ đồng, lần lượt giảm 30% và 50% so với cùng kỳ 2022. Giải trình về việc kết quả kinh doanh quý 3 giảm mạnh, đại diện công ty cho biết, lạm phát tại châu Âu, Mỹ đã ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Sức cầu với sản phẩm gỗ ở trong nước cũng suy giảm nặng nề do thị trường bất động sản trầm lắng từ quý 2/2022 đến nay.

"Lạm phát tăng cao trên thế giới khiến sức cầu tiêu dùng đối với sản phẩm gỗ nội thất giảm mạnh, một số đối tác tạm dừng lên đơn hàng, thậm chí không có kế hoạch nhập hàng do chưa dự đoán được tình hình thị trường. Điều này khiến bức tranh sản xuất kinh doanh của ngành gỗ thời gian qua khá ảm đạm", vị này cho hay.

Giới chuyên gia nhìn nhận nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng chủ yếu đến từ hai yếu tố: chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ, cũng như toàn cầu khiến cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh.

Ngoài ra nguyên nhân còn đến từ xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gặp khó khăn còn do chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.

Bài liên quan
Tất bật các đơn hàng đầu năm, doanh nghiệp kỳ vọng một bức tranh xuất khẩu tươi sáng
Các doanh nghiệp đã trở lại nhịp sản xuất hối hả, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, vừa đảm bảo đúng tiến độ cho các đối tác xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp tìm cách sống giữa đất ngoại