Câu chuyện năng lượng và an ninh năng lượng cho tới nay đối với nhân loại nói chung, các quốc gia trong đó có Việt Nam nói riêng, vẫn là bài toán hóc búa, nan giải, và hy vọng.

Đôi lời về năng lượng và an ninh năng lượng ở nước ta

Nguyễn Văn Lạng | 03/08/2023, 08:52

Câu chuyện năng lượng và an ninh năng lượng cho tới nay đối với nhân loại nói chung, các quốc gia trong đó có Việt Nam nói riêng, vẫn là bài toán hóc búa, nan giải, và hy vọng.

Thấy thế giới phương Tây những ngày qua và tương lai gần chịu mùa đông lạnh giá mà lo mà thương cho dân chúng. Đó là lo Xa. Còn lo Gần thì đất nước ta hiện giờ năng lượng tạm ổn, nhưng với đà phát triển kinh tế - xã hội… tiếp theo, cùng với cam kết an ninh năng lượng và môi trường COP-26 thì cũng còn nhiều điều đáng lo. Câu hỏi là xử lý thế nào giữa kinh tế và môi trường?

Làm gì để đất nước đủ năng lượng cho phát triển và dân sinh, thậm chí xuất khẩu cho thế giới? Điện nhiệt chạy than đá có nên tiếp tục phát triển không? Vẫn phải khai thác than. Than cho xuất khẩu. Than cung cấp cho các nhà máy điện hiện có. Và có lẽ cũng phải mở thêm một số nhà máy nữa mới tiêu thụ hết than đá khai thác hằng năm?

Về nhiệt điện than, vấn đề là giảm phát thải carbon bằng các công nghệ thiết bị hiện đại và tái sử dụng nó làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Tận dụng và thu hồi khí bụi, xỉ than cho vật liệu mới, tại sao không? Tốn kém, suất đầu tư cao và lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ. Vẫn phải làm. Và bài toán điều tiết tài chính vĩ mô là có thể.

Nhiệt điện từ dầu khí, tại sao không? Ta là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu khí cơ mà. Chúng ta có nhiên liệu này lớn, đủ cung cấp cho các nhà máy điện diezel, khí… Chúng ta có dầu khí cho ra điện - đạm, một ưu thế cho năng lượng và phục vụ phát triển nông nghiệp hướng xuất khẩu. Tất nhiên là công nghệ nào, thiết bị nào cho hiệu quả kinh tế, và có lợi nhất cho môi trường?

Điện hạt nhân thế giới đã rất nhiều, ta thì chưa có. Bàn mãi nhà máy Ninh Thuận lại dừng. Cũng đúng thôi, phải thận trọng về an toàn phóng xạ. Thế giới bị nhiều rồi: Liên Xô trước kia, Nhật Bản... chuyện nhãn tiền. Nhưng vẫn để ngỏ khả năng tái khởi động các dự án năng lượng nguyên tử. Vẫn là công nghệ và thiết bị cùng với xuất xứ của công nghệ thiết bị tiên tiến, công nghệ cao và an toàn tuyệt đối. Và sẽ phải quan tâm tới nhà máy đặt ở đâu, xử lý rác thải bởi các thanh uranium sau khi dùng hết như thế nào…?

Các loại điện gió, điện mặt trời, điện sinh học… là xu thế toàn cầu về năng lượng an toàn không có phát thải carbon. Việt Nam có tiềm năng gió, nắng mặt trời ở khắp nước, lại có phế thải nông lâm nghiệp là nguồn nguyên liệu lớn vô cùng. Đà phát triển hơn chục năm qua chứng tỏ chúng ta đang đi đúng hướng về năng lượng sạch, có lợi thế. Chúng ta đã có hàng loạt các dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất hàng tỉ kWh. Theo sơ đồ quy hoạch điện chung quốc gia, tỷ lệ điện gió, điện mặt trời tăng nhanh theo từng thập niên. Đó là điều đáng mừng.

Nhưng cũng phải bình tĩnh nhìn lại về các vấn đề công nghệ, thiết bị và nguồn gốc công ty, quốc gia cung cấp chúng; về hiệu suất, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội. Thử tưởng tượng rằng vài ba mươi năm nữa, khi các thiết bị điện gió (nhất là các cánh quạt bằng vật liệu siêu nhẹ kia), hàng vạn tấn tấm pin mặt trời bằng silicon kia, bị thải ra thay mới thì để chúng ở đâu, làm gì, trong khi ta chưa có công nghệ, chưa có kinh nghiệm và tiền lệ xử lý chúng. Những phế thải ấy sẽ gây ô nhiễm và độc hại cho môi trường sống và con người. Ngay cả tiếng ồn đều đều kia của các cánh quạt gió cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, vật nuôi chứ không đơn giản bảo không có vấn đề gì... Phải đặt ra đề bài để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý suy nghĩ và tìm ra lời giải khả thi cho vấn đề này.

Thủy điện thì có lẽ ta đã cơ bản khai thác hết tiềm năng các dòng sông suối. Tác dụng lớn. Hiệu quả cho nhà nước và nhà đầu tư là khá cao. Tuy nhiên mặt trái của nó thì cũng tương ứng. Mất quá nhiều đất, nhiều rừng gây ra các hậu quả không tốt. Bao làng quê phải di dời, giải tỏa, tái định cư khiến dân không được an cư lạc nghiệp. Vấn đề nước cho thủy điện, cho nông nghiệp vẫn mâu thuẫn với nhau. Thủy điện có nước phát điện thì ruộng đồng khô hạn, thiếu nước tưới tắm trồng trọt; thủy điện xả lũ thì nông thôn ruộng đồng lụt lội. Việc chặn dòng ngăn đập, tạo hồ dâng nước, tích thủy tạo năng… làm mất khá nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, mất nhiều ghềnh thác cảnh quan tự nhiên, du lịch. Nhiều động thực vật tự nhiên quý hiếm bị mất môi trường sinh sống. Phong thủy thay đổi. Nguy cơ do độ mỏi của các đập thủy điện, tuổi thọ của các dự án, và thiên tai… đều có thể tạo ra nguy hiểm làm vỡ các đập thủy điện. Cầu mong không bao giờ có!

Nhân loại vẫn còn các loại nguồn tài nguyên khác cho năng lượng như sóng biển, băng hydrat, methan hydrat, hydro từ than nâu, nhiên liệu phản hấp dẫn, thủy triều, địa nhiệt. Thế giới đã xuất hiện công nghệ mới: Dùng hydro thiên nhiên, hoặc tách hydro ra từ nước để làm nhiên liệu. Và đặc biệt, dường như thời đại năng lượng mới đã bắt đầu: Nước sẽ trở thành năng lượng chủ yếu để chạy xe, tàu, máy móc, và cung cấp điện cho cả loài người.

HHO là công nghệ tách hydro từ nước bằng phương pháp điện phân, đem lại hy vọng cho tương lai. Trên thực tế, đã có xe chạy bằng nước rồi. Mười năm nữa sẽ nhiều quốc gia sử dụng loại xe này. Công nghệ xe chạy từ dầu mỏ sẽ dần vào dĩ vãng. Rồi rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn cũng phổ biến thành nguồn nguyện liệu cho các nhà máy phát điện, hiện nước ta đã lác đác có những dự án nhỏ lẻ ban đầu…

Câu chuyện năng lượng và an ninh năng lượng cho tới nay đối với nhân loại nói chung, các quốc gia nói riêng, vẫn là bài toán hóc búa, nan giải, và hy vọng.

TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Bài liên quan
Dự án năng lượng tái tạo đe dọa đất nông nghiệp ở Mỹ
Hãng Reuters cho biết sự bùng nổ dự án năng lượng tái tạo có thể gây hại đến một số vùng đất màu mỡ trên địa bàn các bang nông nghiệp trọng điểm của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi lời về năng lượng và an ninh năng lượng ở nước ta