Sáng 29.5, Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Đối thoại với Thủ tướng, nông dân quan tâm những vấn đề gì?

Lam Thanh | 29/05/2022, 09:13

Sáng 29.5, Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỉ USD.

Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt gần 17,9 tỉ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ. Đóng góp vào sự tăng trưởng đó, có công lao rất lớn của những người nông dân trên cả nước và của những nông dân tiêu biểu trực tiếp tham dự đối thoại lần này.

tt-2.jpg
Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Sơn La - Ảnh: VGP

Các kiến nghị của nông dân với Thủ tướng tập trung vào giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...); đất đai và cơ chế để những người nông dân, hợp tác xã được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn…

Ngoài ra còn có phản ánh về trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối; giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố thành công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương; biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc, phát triển và giữ rừng; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan cho biết đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỉ USD, nhập khẩu 18,1 tỉ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỉ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm.

“Để đạt được kết quả đó, chúng tôi thấy tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Chỉ khi chúng ta điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận như thế và con số xuất khẩu mới được như thế”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng cho hay, đọc tài liệu nước ngoài cho thấy thời đại tóm lược trong 4 chữ: biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, trong bối cảnh nhiều biến động như: Xung đột Nga-Ukraine không rõ bao giờ kết thúc, hoặc kết thúc hình thái thế nào, COVID-19 cũng có nhiều dự báo khó lường, không biết còn biến chủng nào, hay chấm dứt thế nào.

Dịch bệnh giờ thành thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu, tác động đến chuỗi cung ứng, liên quan nhiều ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Sau bối cảnh dịch COVID-19, có nhiều tranh cãi về việc ngành nào thiết yếu hay không. Trong đó, có ngành không cần tranh cãi vì hội đủ mọi nhu cầu thiết yếu, đó là nông nghiệp. Không có cái ăn thì không làm gì được.

“Trong các chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thăm một số nước, tôi cảm nhận vai trò của Việt Nam góp phần cân đối an ninh lương thực thế giới đã được nâng cao, họ luôn nhắc đến vai trò Việt Nam. Họ đều mong chúng ta tham gia nhiều hơn để góp phần cùng thế giới vượt qua cơn khủng hoảng lương thực”, ông Hoan nói.

Bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay nhiều quốc gia bảo hộ mậu dịch, nhiều ngành hàng đứt gãy, ví dụ Pháp thức ăn chăn nuôi tăng giá cao, Bangladesh phân và thuốc cao quá nên bỏ đồng ruộng… Nhưng Việt Nam 5 tháng vừa qua không chỉ đủ nuôi 100 triệu miệng ăn mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỉ là đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa lường trước các vấn đề mù mờ, từng giai đoạn và thời điểm, Việt Nam cần nắm bắt tình hình, giao thương giữa các quốc gia vì bài toán kinh tế, đặc biệt giao thương lương thực còn mang tính nhân văn. Đó là cơ hội, cần tính toán nhiều chiều.

le-minh-hoan.jpg
Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Minh Hoan

Do đó, theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, qua thời điểm này, chắc chắn sẽ phải tích cực hơn lo cho mình, nâng cao vị thế, không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". Theo đó, phải cân đối xuất khẩu sản lượng, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội 18 của Đảng. Cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Đó là xu thế.

Ngắn hạn, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan định kỳ ngồi lại nắm bắt thông tin, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt. Làm sao vẫn xuất khẩu, giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

“Mấu chốt là làm sao để mở cửa thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Nghĩa là sự tháo gỡ thị trường là một trong quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Khi chúng ta đàm phán với Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia…, có những nông sản của chúng ta bắt đầu đến được các thị trường đó. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều khi chưa thành một chương trình tổng thể mà chúng ta vẫn đi theo mối quan hệ mà tôi hay nói là "buôn chuyến" nhiều hơn. Bây giờ chúng ta lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường”, ông Hoan nêu.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đối thoại với Thủ tướng, nông dân quan tâm những vấn đề gì?