Sáng nay 28.7, đoàn công tác của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương đã lên đường đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, trong đó có 120 người được xác định mắc COVID-19.
Được biết chuyến bay lần này là VN5022 của Vietnam Airlines, tổ bay được bố trí nhiều gấp đôi chuyến bay bình thường (gồm 5 phi công, 8 tiếp viên, 4 nhân viên kỹ thuật, cân bằng tải trọng máy bay). Thành viên tổ bay sẽ mặc đồ bảo hộ cấp 4 và hạn chế dùng nhà vệ sinh. Máy bay sẽ lắp rèm bằng nhựa dẻo để chia thành 3 khoang, có máy lọc không khí ở mỗi khoang. 325 ghế trên máy bay Airbus A350 đều được bọc kín ni lông và cài vào mỗi lưng ghế 5 khăn ướt tẩm cồn, 1 túi rác và 1 tờ hướng dẫn hành khách trên chuyến bay... Lần đầu tiên máy bay sẽ lắp đặt buồng áp lực dương để tránh lây lan dịch bệnh.
BS Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - người tham gia đoàn "giải cứu" chia sẻ đây là chuyến bay đặc biệt, đầy trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự cao cả khi được đón đồng bào về nước. "Theo kế hoạch, chuyến bay khởi hành từ sân bay Nội Bài lúc 7 giờ sáng, chúng tôi sẽ bay liền 12 tiếng đồng hồ đến Guinea Xích đạo, sau đó máy bay sẽ được nạp nhiên liệu và các công dân Việt Nam sẽ được hướng dẫn lên máy bay, tiếp đó bay về Nội Bài và những công dân này được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để cách ly..."- BS Hùng cho hay.
Các bác sĩ tích cực cứu chữa cho bệnh nhân bị COVID-19 nặng
Được biết, 3 đơn vị sẽ tiếp nhận 120 bệnh nhân dương tính là Khoa Nội, Khoa Vi rút - Ký sinh trùng và Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp. Còn lại, tùy từng diễn biến của bệnh nhân, có thể triển khai Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực cho những bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam.
Theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, với số lượng ca COVID-19 nhập viện cùng lúc “lớn chưa từng có”, 120 người Việt từ Guinea Xích Đạo về, Bệnh viện đã thống nhất dành toàn bộ các khoa phòng tại cơ sở 2 Kim Chung (Đông Anh) với 400- 500 phòng bệnh để làm tốt công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm. Tất cả bệnh nhân thường đang được điều trị tại đây đã được chuyển sang cơ sở Giải Phóng hoặc các cơ sở y tế khác để sẵn sàng cho công tác đón các ca dương tính. Bệnh viện cũng sẽ đảm bảo giãn cách giữa tất cả khoa phòng, sao cho mật độ cách ly càng xa càng tốt, ít nhất là 2 mét giữa các giường bệnh. Hiện bệnh viện có khoảng hơn 100 máy thở, đủ để phục vụ cho công tác điều trị. Ngoài ra, vấn đề thuốc men, các trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh nhân cũng đã sẵn sàng. Đặc biệt, lần này bệnh viện cũng đưa các robot hỗ trợ điều trị vào thử nghiệm, hy vọng sẽ phát huy tốt tác dụng.
Cũng trong sáng 28.7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc trường đại học; cơ sở y tế các bộ ngành đề nghị khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh triển khai áp dụng đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16.7.2020 về việc ban hành “Bộ Tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”, báo cáo đầy đủ theo hướng dẫn của Cục Quản lý khám chữa bệnh. Rà soát, phát hiện toàn bộ các nguy cơ thiếu an toàn phòng chống dịch của bệnh viện và khẩn trương khắc phục các vấn đề tồn tại ngay sau khi đánh giá.
Ban Chỉ đạo cũng giao Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện nghiêm Quyết định số 3088/QĐ-BYT và công điện này; báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố xem xét tạm dừng hoạt động những bệnh viện nếu bị xếp loại “không an toàn”.
Dạ Thảo - Ảnh: Đặng Thanh