Đồng bằng sông Cửu Long được kiến tạo từ 6.000 năm trước nhờ nguồn cát và phù sa mịn của dòng Mê Kông đổ về. Do khai thác quá mức tài nguyên, lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về sụt giảm nghiêm trọng… vùng đồng bằng trù phú này đối mặt với sạt lở chưa từng có.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt sạt lở nghiêm trọng

27/05/2017, 10:57

Đồng bằng sông Cửu Long được kiến tạo từ 6.000 năm trước nhờ nguồn cát và phù sa mịn của dòng Mê Kông đổ về. Do khai thác quá mức tài nguyên, lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về sụt giảm nghiêm trọng… vùng đồng bằng trù phú này đối mặt với sạt lở chưa từng có.

Căn nhà của gia đình bác Võ Văn Kiến ở ấp Kênh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) giờ đã nằm ngay sát biển. Mỗi khi thủy triều lên, sóng đánh vào tới tận hiên nhà. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Sạt lở nghiêm trọng khắp nơi

Trải dọc theo sông Tiền và sông Hậu khu vực Đồng Tháp, An Giang, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều vụ sạt lở đã xảy ra kéo dài gần 500 km bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân tại các khu vực này.

Nghiêm trọng nhất là sạt lở từ xã Bình Thành, huyện Thanh Bình kéo dài 100 km đến khu vực huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Sạt lở gần 160 km từ xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới đến thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) làm cho gần 300 căn nhà bị sập xuống sông, trôi theo dòng nước và ảnh hưởng hơn 20.000 hộ dân.

Tại ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), sạt lở kéo theo 16 căn nhà xuống lòng sông Vàm Nao. Những người dân phải dời vào sống tạm tại Trường Tiểu học Mỹ Hội Đông và nhiều gia đình sống tạm dưới mái hiên trường. Bà Trần Thị Em, ấp Mỹ Hội cho biết gia đình bà có 5 người lớn và 4 trẻ con. Sau khi nhà cửa bị trôi xuống sông, cả gia đình phải ở nhờ tại phòng học của Trường Tiểu học Mỹ Hội Đông. Dù được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng nhưng gia đình vẫn chưa đủ kinh phí để làm nhà ở. Mọi công việc buôn bán kiếm sống đều phải dừng lại.

Cuối nguồn sông Hậu là thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) trải dài đến phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu là 54 km bờ biển đang chịu sạt lở nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất của hơn 1.000 hộ dân nơi đây. Chính quyền địa phương phải di dời dân để tránh thiệt hại về người và tài sản.

Theo ông Đặng Văn Hòa, ngụ tại ấp 1, thị trấn Gành Hào cho biết, gia đình ông sống tại Gành Hào hơn 40 năm. Do ảnh hưởng sạt lở, gia đình ông phải mất 4 lần phải di dời nhà vào sâu trong đất liền. Căn nhà đầu tiên cách bờ kè hiện nay ra biển là 2 km. Bây giờ, ông đang chuẩn bị dời nhà lần thứ 5 vì nguy cơ những đợt sóng biển có thể đánh sập bờ kè bảo vệ vành đai sản xuất.

Được biết, trong vòng 4 tháng đầu năm 2017, qua 4 đợt thủy triều lên trong 9 ngày, dải bờ kè bảo vệ vành đai ven thị trấn Gành Hào đã bị đánh sập, phá nát 200 mét đường đê và đe dọa bức tường cao 2 mét bên trong để chắn sóng bảo vệ 1.000 hộ dân cư.

Tại tỉnh Cà Mau, cả hai bờ biển Đông và biển Tây đều phải đối mặt với sạt lở bờ biển từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi Cục thủy lợi Cà Mau, trên đoạn 154 km bờ biển Tây, 100 km đã rơi vào tình trạng sạt lở, có đoạn sạt lở từ 20 -25 mét, có nơi sạt lở 45-50 mét sâu vào đất liền. Với những vị trí sóng tác động trực diện, mức độ sạt lở nhanh hơn.

Với 100 km bờ biển Đông thuộc Cà Mau, bình quân sạt lở từ 45-50 mét/năm sâu vào đất liền. Tháng 4/2017 đã xảy ra sạt lở từ 50-80 mét chiều sâu với chiều dài hơn 10km, riêng 4 vị trí ở Hố Gùi, Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Ô Rô thuộc huyện Năm Căn và Ngọc Hiển sạt lở mạnh nhất với tổng chiều dài hơn 6km. Những nơi này có đai rừng phòng hộ rất mỏng, thậm chí có nơi mất rừng phòng hộ, đe dọa cả đê biển bảo vệ vành đai sản xuất.

Khai thác cát quá mức

Sạt lở diễn ra ở cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay được các cơ quan chức năng xác định do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân tại chỗ là do các hố xoáy, lưu thông đường thủy, khai thác cát, xây dựng khu dân cư hạ tầng kiên cố tạo lực ép lên bờ sông… và nguyên nhân khác là do mất cân bằng hệ thống, chính là việc xây dựng 11 đập thủy điện chặn cát và phù sa mịn lưu thông từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về đồng bằng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập đồng bằng sông Cửu Long, trước năm 2009, ước tính mỗi năm nguồn cát và phù sa mịn đổ về đồng bằng khoảng 160 triệu tấn/năm. Cát là vật chất để giữ các bờ sông và bờ biển tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, phù sa mịn sẽ kiến tạo các bờ biển, bãi bùn tại Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Khi 11 đập thủy điện ở thượng nguồn xây xong sẽ báo hiệu lượng cát và phù sa đổ về đồng bằng chỉ còn 40 triệu tấn/năm và sẽ tiếp tục giảm dần sau đó. Vì vậy, việc khai thác cát tại các địa bàn sông Tiền (Đồng Tháp), sông Hậu (An Giang) sẽ tác động trực tiếp đến sạt lở hay kiến tạo đồng bằng.

Khi việc khai thác cát trở thành một trong những nguyên nhân gây sạt lở nghiêm trọng vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm sạt lở cục bộ tại Đồng Tháp, An Giang và sạt lở liên vùng tại Bạc Liêu, Cà Mau, việc quản lý khai thác cát trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo chân đoàn kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, địa bàn huyện Thanh Bình, Đồng Tháp, phóng viên ghi nhận được dọc sông Tiền có gần 100 sà lan đang chờ công ty khai thác cát giao hàng. Đặt chân lên giàn cẩu mang số hiệu SG 7017, do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình Dương Nghi quản lý, đang khai thác cát san lấp tại đoạn khu 1 Tân Hòa, huyện Thanh Bình, phóng viên chứng kiến đo độ sâu đo từ mặt nước đến đáy lòng sông là 21,7 mét, có nơi 22,2 mét, trong khi độ sâu được khai thác tối đa là 17 mét..

Trả lời về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Nờ, Phó Chủ tịch huyện Thanh Bình cho biết, tỉnh Đồng Tháp cho phép Công ty Vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác 4 mỏ cát tại huyện Thanh Bình với 14 cẩu (giấy phép có thời hạn khai thác từ 11.11.2015 đến 11.11.2017). Mỗi gàu cát của mỗi cẩu múc tối thiểu 6m3/lần, khai thác kéo dài từ 6 giờ đến 18 giờ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lòng sông, chính quyền huyện Thanh Bình đã huy động các lực lượng công an, dân phòng, cán bộ kinh tế hạ tầng thường xuyên theo dõi, kiểm tra độ sâu và quá trình khai thác. Khi phát hiện vi phạm, sẽ báo về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để lập biên bản xử lý.

Theo ông Lâm Quang Thi, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, toàn tỉnh An Giang có 12 điểm khai thác cát trên đoạn sông Hậu thuộc địa bàn huyện Vĩnh Xương, Phú Tân, Chợ Mới. Sản lượng cát của An Giang chỉ cung cấp 3% nhu cầu của cả nước. Với hiện trạng sạt lở bờ sông hiện nay, tỉnh An Giang đã ngưng cấp phép mới cho các doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hậu. Với những dự án đã được cấp phép, chính quyền địa phương sẽ theo dõi chặt chẽ về sản lượng và thăm dò trữ lượng thường xuyên để tránh việc khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ sạt lở. Khi có đơn vị vi phạm, sẽ xử phạt hành chính, tịch thu phương tiện khai thác cát trái phép.

Vấn đề hạt cát, phù sa tuy nhỏ nhưng để lại hậu quả rất lớn hiện nay. Đó chính là bờ sông, bờ biển bị sạt lở, mất đất sản xuất, mất nhà cửa, người dân không có kế sinh nhai.

Hồng Nhung (TTXVN)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt sạt lở nghiêm trọng