Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong năm học 2022-2023, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của học sinh, sinh viên (HSSV) không có sự thay đổi so với năm học trước.
1. Mức đóng
Theo đó, mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở (trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, HSSV tự đóng 70%). Mức đóng = 4,5% x 1.490.000 đồng x 12 tháng = 804.600 đồng/năm.
Trong đó, số tiền HSSV thực đóng là: 563.220 đồng/năm (do đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng).
Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm.
2. Mức hưởng khi đi khám chữa bệnh (KCB)
HSSV khi đi KCB BHYT đúng quy định thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng như sau:
+ Đối với trường hợp KCB BHYT đúng tuyến
HSSV được hưởng 100% chi phí KCB BHYT nếu:
- Tổng chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng).
- KCB tại tuyến xã (Trạm Y tế xã, phường, thị trấn).
- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng).
HSSV được hưởng 80% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng BHYT, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.
+ Đối với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến
- Tại bệnh viện tuyến Trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: 100% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí KCB ngoại trú, nội trú.
3. Thời hạn sử dụng thẻ BHYT
Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho HS của cơ sở giáo dục phổ thông
Đối với HS lớp 1: Giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 1.10 năm đầu tiên của cấp tiểu học.
Đối với HS lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.9 của năm học.
Thẻ BHYT được cấp mới hoặc gia hạn hằng năm cho HSSV của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề.
Đối với SV năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ khi nhập học, trừ trường hợp thẻ của HS lớp 12 đang còn giá trị sử dụng.
SV năm cuối của khóa học: Thẻ BHYT có giá trị đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT theo số tháng đã tham gia của HSSV.
Ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV theo quy định, năm học 2022-2023, nhiều tỉnh, thành phố còn có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho HSSV trên địa bàn như: Hà Giang (hỗ trợ thêm 70%); Hưng Yên (30%); Điện Biên, Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu (20%); Kon Tum, Trà Vinh, Đồng Tháp (10%); Đắk Lắk, Tiền Giang (5%)…
Bên cạnh đó, một số tỉnh có chính sách hỗ trợ khác như: An Giang hỗ trợ thêm 70% mức đóng BHYT cho HSSV dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn; Lâm Đồng: 70% cho HSSV DTTS không sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn trên địa bàn; Gia Lai: 20% cho HSSV DTTS, HSSV thuộc gia đình đông con, gặp khó khăn về kinh tế; Kiên Giang: 10% cho HSSV có hộ khẩu tại địa phương. Tại tỉnh Quảng Bình, học sinh tại các xã vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ được tỉnh hỗ trợ thêm 15% mức đóng BHYT…
Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ cho HSSV trong việc tham gia BHYT. Việc tham gia BHYT có mức phí nhỏ song đem lại rất nhiều lợi ích lớn, qua đó góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn, tính ưu việt, hấp dẫn của chính sách BHYT trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ.