Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện điều 76 của Luật BHXH và một số điều của Nghị định số 134/CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 4.4.2016. Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu nội dung Thông tư 01 với bạn đọc.

Đóng đủ BHXH tự nguyện trước hạn sẽ được hưởng lương hưu sớm

PV | 08/04/2016, 05:19

Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện điều 76 của Luật BHXH và một số điều của Nghị định số 134/CP ngày 29.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 4.4.2016. Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu nội dung Thông tư 01 với bạn đọc.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện Điều 76 của Luật Bảo hiểm xã hội và một số điều của Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây được viết là Nghị định số 134/2015/NĐ-CP).

Điều 2: Đối tượng áp dụng

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;

b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;

c) Người lao động giúp việc gia đình;

d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;

đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;

g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

h) Người tham gia khác.

Các đối tượng quy định trên sau đây gọi chung là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Chương II

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN

Mục 1: Chế độ hưu trí

Điều 3: Mức lương hằng tháng

1. Mức lương hưu hằng tháng được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ từ 01 tháng đến 6 tháng tính là nửa năm; từ 7 tháng đến 11 tháng tính là một năm.

Ví dụ 1: Ông A hưởng lương hưu từ tháng 10/2016, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 3 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 5.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông A được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A:

+ Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông A là 28 năm 3 tháng, số tháng lẻ 3 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông A là 28,5 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông A là: 45% + 27% = 72%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông A là:

72% x 5.000.000 đồng/tháng = 3.600.000 đồng/tháng.

Ví dụ 2: Bà A hưởng lương hưu từ tháng 5/2017, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 26 năm 10 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 3.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà A được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A:

+ Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà A là 26 năm 10 tháng, số tháng lẻ 10 tháng được tính là 01 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà A là 27 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 27 là 12 năm, tính thêm: 12 x 3% = 36%;

+ Tổng 2 tỷ lệ trên là: 45% + 36% = 81%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A được tính mức tối đa bằng 75% tương ứng với 25 năm đóng bảo hiểm xã hội.

- Mức lương hưu hằng tháng của bà A là:

75% x 3.000.000 đồng/tháng = 2.250.000 đồng/tháng.

Ngoài mức lương hưu hằng tháng nêu trên, bà A còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 25 năm. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính là:

(27 - 25) x 0,5 tháng x 3.000.000 đồng/tháng = 3.000.000 đồng.

Ví dụ 3: Ông B hưởng lương hưu từ tháng 6/2019, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 29 năm 7 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 7.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của ông B được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B được tính như sau:

+ Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của ông B là 29 năm 7 tháng, số tháng lẻ 7 tháng được tính là 01 năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của ông B là 30 năm.

+ 17 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 18 đến năm thứ 30 là 13 năm, tính thêm: 13 x 2% = 26%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông B là: 45% + 26% = 71%.

- Mức lương hưu hằng tháng của ông B là:

71% x 7.000.000 đồng/tháng = 4.970.000 đồng/tháng.

Ví dụ 4: Bà C hưởng lương hưu từ tháng 02/2018, thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 28 năm 01 tháng, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội là 6.000.000 đồng/tháng. Mức lương hưu hằng tháng của bà C được tính như sau:

- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà C:

+ Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bà C là 28 năm 01 tháng, số tháng lẻ 01 tháng được tính là nửa năm, nên số năm đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng lương hưu của bà C là 28,5 năm.

+ 15 năm đầu tính bằng 45%;

+ Từ năm thứ 16 đến năm thứ 28,5 là 13,5 năm, tính thêm: 13,5 x 2% = 27%;

Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà C là: 45% + 27% = 72%.

- Mức lương hưu hằng tháng của bà C là:

72% x 6.000.000 đồng/tháng = 4.320.000 đồng/tháng.

Điều 4: Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiễm xã hội bắt buộc

1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, không bao gồm thời gian đã tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

3. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ví dụ 5: Bà D có thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là 22 năm, trong đó có 20 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong 20 năm 3 tháng thì có 16 năm làm việc ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,7. Như vậy, Điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu của bà D là đủ 50 tuổi.

4. Trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được hưởng lương hưu khi có yêu cầu.

Thời gian tính hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp thời gian tính hưởng lương hưu chưa đủ 20 năm thì mức lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp thời gian tính hưởng lương hưu từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Ví dụ 6: Bà E là Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã, có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và đủ 55 tuổi, sau đó bà E bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thêm 2 năm 8 tháng thì có yêu cầu hưởng lương hưu. Như vậy, bà E được hưởng lương hưu với thời gian tính hưởng lương hưu là 17 năm 8 tháng.

5. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

Ví dụ 7: Ông E có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 15 năm 6 tháng với mức bình quân tiền lương tháng là 5.100.000 đồng/tháng; có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 10 năm 9 tháng với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (đã được Điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng) là 774.000.000 đồng. Mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông E là:

                      
   

[5.100.000 x (15 x 12 + 6)] + 774.000.000

   
   

=

   
   

5.468.571 đồng/tháng

   
   

(15 x 12 + 6) + (10 x 12 + 9)

   

Điều 5: Thời điểm hưởng lương hưu

1. Thời Điểm hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 76 của Luật Bảo hiểm xã hội và Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP được thực hiện như sau:

a) Thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP. Trường hợp tháng sinh là tháng 12 thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 của tháng 01 năm liền kề sau năm mà người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu.

Ví dụ 8: Bà D ở Ví dụ 5 sinh ngày 01/12/1967, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 22 năm từ tháng 7/1995 đến tháng 6/2017. Thời Điểm hưởng lương hưu của bà D được tính từ ngày 01/01/2018.

b) Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh của người tham gia bảo hiểm xã hội (chỉ có năm sinh) thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng 01 của năm liền kề sau năm người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

c) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì thời Điểm hưởng lương hưu là ngày 01 tháng liền kề sau tháng dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và có yêu cầu hưởng lương hưu.

Ví dụ 9: Ông G sinh ngày 21/8/1957, tính đến hết tháng 8/2017 có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ông G vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết tháng 12/2017. Trong tháng 12/2017, ông G có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời Điểm hưởng lương hưu của ông G được tính từ ngày 01/01/2018.

Ví dụ 10: Bà E ở Ví dụ 6 tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đến hết tháng 02/2018 thì dừng đóng và đến tháng 7/2018 có yêu cầu hưởng lương hưu. Thời điểm hưởng lương hưu của bà E được tính từ ngày 01/3/2018, bà E được truy lĩnh tiền lương hưu của những tháng chưa nhận nhưng không bao gồm tiền lãi.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này để đủ Điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.

Ví dụ 11: Tháng 8/2016, bà G đủ 55 tuổi và có 17 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bà G có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Ngay trong tháng 8/2016 bà G đóng đủ số tiền cho những năm thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của bà G được tính từ ngày 01/9/2016.

Ví dụ 12: Ông H tính đến hết tháng 3/2017 đủ 60 tuổi và có 18 năm 5 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Ông H có nguyện vọng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Cho đến tháng 6/2018 ông H mới đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Như vậy, thời điểm hưởng lương hưu của ông H được tính từ ngày 01/7/2018.

Chương III

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 8: Phương thức đóng

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP.

2. Riêng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ Điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), ngoài lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 1 Điều này còn được lựa chọn phương thức đóng một lần cho đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu.

Ví dụ 20: Ông Q tính đến tháng 8/2016 đủ 60 tuổi và có 8 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ông Q có nguyện vọng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 2 năm một lần cho giai đoạn từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2018. Tháng 9/2018 ông Q có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội và đóng một lần cho 10 năm còn thiếu. Như vậy, tính đến hết tháng 9/2018, ông Q 62 tuổi 01 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời Điểm tính hưởng lương hưu của ông Q kể từ tháng 10/2018.

Ví dụ 21: Bà Q tính đến tháng 3/2017 đủ 55 tuổi và có 15 năm 9 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Bà Q có nguyện vọng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ Điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng và lựa chọn phương thức đóng 6 tháng một lần. Đến tháng 9/2017 bà Q 55 tuổi 6 tháng và có 16 năm 3 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do có Khoản tiền Tiết kiệm, tháng 10/2017 bà Q lựa chọn phương thức đóng một lần cho 3 năm 9 tháng còn thiếu và đóng ngay trong tháng này. Như vậy, tính đến hết tháng 10/2017, bà Q 55 tuổi 7 tháng và có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ Điều kiện hưởng lương hưu theo quy định. Thời Điểm tính hưởng lương hưu của bà Q kể từ tháng 11/2017.

(Trích từ Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH, được ban hành ngày 18.2.2016, có hiệu lực từ ngày 4.4.2016)

PV
Bài liên quan
Đồng Nai: Nhiều ý kiến đóng góp để Luật BHXH phù hợp với thực tiễn hiện nay
Sáng 16.4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị góp ý Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi) để trình thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đóng đủ BHXH tự nguyện trước hạn sẽ được hưởng lương hưu sớm