Trang Bloomberg cho biết Ả Rập Saudi với tham vọng phát triển ngành công nghiệp vũ khí nội địa có thể tìm đến Nga để hợp tác, trong trường hợp các đồng minh Mỹ và châu Âu từ chối chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Đồng minh Mỹ có thể hợp tác với Nga để phát triển vũ khí

Cẩm Bình | 04/03/2018, 09:12

Trang Bloomberg cho biết Ả Rập Saudi với tham vọng phát triển ngành công nghiệp vũ khí nội địa có thể tìm đến Nga để hợp tác, trong trường hợp các đồng minh Mỹ và châu Âu từ chối chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

          

Ả Rập Saudi từ lâu đã là khách hàng ưa thích của nhiều nhà sản xuất vũ khí trên thế giới, đặc biệt là công ty Mỹ. Mới đây, trong chuyến thăm đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo vương quốc dầu mỏ này kí kết nhiều thỏa thuận cung cấp vũ khí có tổng giá trị lên đến 110 tỉ USD.

Tuy nhiên hiện tại, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman lại muốn có vũ khí sản xuất trong nước. Ông đặt ra một mục tiêu đầu tham vọng: Tỷ lệ trang thiết bị nội địa trong tổng số trang thiết bị quân sự của vương quốc này phải tăng từ 2% trong thời điểm hiện tại phải tăng lên 50% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Riyadh phải tìm đối tác hợp tác.

Đây là cơ hội cho các công ty vũ khí phương Tây, nhưng để các liên doanh phát triển vũ khí có thể hoạt động, chính quyền Mỹ và các nước châu Âu có thể phải thông qua việc chuyển giao công nghệ quân sự.

Nếu phương Tây từ chối làm vậy, Ả Rập Saudi vẫn có nhiều lựa chọn khác, trong đó có Nga. Riyadh đang có kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 của Moscow, theo một hợp đồng cho phép vương quốc dầu mỏ sản xuất những sản phẩm liên quan đến thiết bị này ngay trong nước. Triển vọng của những thỏa thuận kiểu này đã gửi “hồi chuông báo động” cho giới hoạch định chính sách Washington vốn đang lo bị mất sức ảnh hưởng ở Trung Đông trước Nga và Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn trong một triển lãm trang thiết bị quân sự tổ chức tại Riyadh, ông Andreas Schwer, giám đốc điều hành của Saudi Arabian Military Industries (SAMI, tập đoàn quốc phòng nhà nước của Ả Rập Saudi), cho biết: “Chúng tôi sẽ đánh giá cẩn thận những gì các đối tác đưa ra trên bàn đàm phán. Chúng tôi không ngần ngại tìm đến những nhà cung cấp thứ cấp hay những đối tác tiềm năng khác, nếu họ được nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ và không có giới hạn gì”.

Ả Rập Saudi có thể hợp tác với các đối tác khác, có ít liên quan đến Mỹ hơn những gì mọi người mong đợi, theo ông Schwer.

Lấp đầy khoảng trống

Nguy cơ Ả Rập Saudi hợp tác với Nga trong phát triển vũ khí đã từng được tướng bốn sao Joseph Votel của Washington cảnh báo. Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ vào ngày 27.2, tư lệnh bộ chỉ huy trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) cho biết Nga và Trung Quốc đang tìm cách “lấp đầy những khoảng trống bằng cách gia tăng hợp tác quốc phòng và bán trang thiết bị cho những đối tác của chúng ta trong khu vực”.

Ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông đã tăng mạnh từ năm 2015, khi lực lượng quân đội nước này tham chiến tại Syria dưới sự ủng hộ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, Bắc Kinh mở vai trò về kinh tế tại đây, với nhiều thỏa thuận với Iran và muốn tham gia vào hoạt động tái thiết Syria.

Ả Rập Saudi cũng có quan hệ khá thân thiết với hai cường quốc này. Nga là khách hàng mua dầu tốt nhất của Riyadh, còn Trung Quốc cũng là đối tác của nước này trong việc điều tiết sản lượng dầu thế giới.

Hiện tại, cả hai đang cạnh tranh với Mỹ để giành được các hợp đồng xây nhà máy điện hạt nhân, và cũng ngỏ ý muốn sở hữu cổ phần của tập đoàn dầu mỏ nhà nước Ả Rập Aramco.

Quan hệ Riyadh-Washington có nền tảng vững chắc từ lâu đời và Tổng thống Trump cũng đã cam kết sẽ kí nhiều thỏa thuận quốc phòng hơn với lãnh đạo Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, đi cùng với mối quan hệ này là sự hoài nghi về năng lực của quân đội Riyadh. Một số nghị sĩ Mỹ đã phản đối các thỏa thuận vũ khí và chuyển giao công nghệ hạt nhân cho quốc gia Trung Đông.

Không loại trừ khả năng Ả Rập Saudi hợp tác với Nga để phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa ­- Ảnh: Bloomberg

Chuyện đồng minh Mỹ chuyển sang mua vũ khí Nga đã từng xảy ra. Đó là trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mua hệ thống S-400. Trong một chuyến thăm vào tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phản đối động thái này.

Ông còn cho biết: “Mỹ đã khuyên các quốc gia trên thế giới rằng họ có thể rơi vào tình trạng bị Mỹ trừng phạt bằng cách mua vũ khí từ Nga. Nhiều quốc gia đang xem xét lại”.

Sắp xếp đặc biệt

Hiện tại, các công ty Mỹ vẫn đang giữ vị trí tốt nhất trong thị trường trang thiết bị quân sự béo bở của Ả Rập Saudi.

Riyadh đã dành ra 56 tỉ USD chi cho quốc phòng trong năm 2018 này. Hãng vũ khí Raytheon của Washington đang là một trong những công ty được chọn để giúp xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của đất nước Ả Rập, và ước tính tập đoàn Mỹ sẽ kiếm được doanh thu 7 tỉ USD từ việc nội địa hóa các dự án quốc phòng tại Ả Rập Saudi trong 5-7 năm.

Tuy nhiên, theo ông John Bottimore, giám đốc điều hành của công ty quốc phòng đa quốc gia BAE Systems Plc, kiểm soát xuất khẩu có thể sẽ là trở ngại đối với các công ty Mỹ, và họ phải đạt được sự ủng hộ từ giới chức Washington.

“Chúng ta phải làm việc với chính phủ của chúng ta để biết được những gì có thể hoặc không thể chuyển giao, hoặc những gì có thể chuyển giao căn cứ theo một số hình thức sắp xếp đặc biệt”, ông Bottimore nhấn mạnh.

Cẩm Bình (theo Bloomberg)

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng minh Mỹ có thể hợp tác với Nga để phát triển vũ khí