"Lúc này tôi đã nhìn thấy con đường của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm tới. Đó là con đường giống như 5 năm trước, 5 năm trước nữa và 5 năm trước nữa...", họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Đột ngột bỏ BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Thành Chương nhận thấy điều gì?

Một Thế Giới | 17/12/2014, 10:24

"Lúc này tôi đã nhìn thấy con đường của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm tới. Đó là con đường giống như 5 năm trước, 5 năm trước nữa và 5 năm trước nữa...", họa sĩ Thành Chương chia sẻ.

Chiều 16.12, Ban chấp hành (BCH) Hội Mỹ thuật Việt Nam (VN) khóa VIII đã được bầu do họa sĩ Trần Khánh Chương làm Chủ tịch. Ông Trần Khánh Chương năm nay đã ngoài 70 tuổi và đây là nhiệm kỳ thứ 4 ông giữ chức chủ tịch hội.
Một người cũng tên Chương họa sĩ Thành Chương cũng được tiếp tục bầu vào BCH. Trong nhiệm kỳ trước, Thành Chương là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật VN, Trưởng ban Kiểm tra, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (chuyên ngành đồ họa).
Nhưng sau khi BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII ra mắt Đại hội, ông Chương đã bước lên diễn đàn công bố quyết định rời khỏi BCH. Có quyết định tương tự ông là nhà điêu khắc Đào Châu Hải.
Đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội của các Hội VHNT. Sự kiện này làm cho những người liên quan đến sự phát triển VHNT nước nhà phải suy ngẫm. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh với họa sĩ Thành Chương về sự kiện này.
Thưa ông, đã tham gia ban lãnh đạo Hội Mỹ thuật VN trong 5 năm qua. Vậy ông thấy gì trong các hoạt động của Hội?
"Vì sao những người có tâm huyết và có chuyên môn ở trong BCH lại không làm được những gì lớn hơn? Tôi sẽ nói với bạn về chuyện này trong một dịp khác".
Những hoạt động mang tính nghề nghiệp chuyên sâu trong 5 năm qua chẳng có gì để nói. Người có trách nhiệm đầu tiên và quan trọng nhất chính là ông Chủ tịch Hội cho dù mỗi Ủy viên BCH cũng ít hay nhiều, gián tiếp hay trực tiếp có trách nhiệm. 5 năm trước đó cũng vậy và 5 năm trước đó nữa cũng thế. Điều đó nói lên một điều: Hội Mỹ thuật vẫn đấy mà những tác phẩm mỹ thuật thực sự lại khó kiếm tìm như thế.
Một số họa sĩ có chuyên môn cao, có khao khát mang lại sự thay đổi cho những hoạt động của mỹ thuật VN đã quyết định tham gia vào BCH khóa VII với một mục đích duy nhất đóng góp cho sự phát triển nền mỹ thuật VN, ủng hộ cái mới, cái đẹp...Nhưng sau 5 năm, chúng tôi nhận ra chúng tôi chỉ làm được những điều lặt vặt.
Vì sao những người có tâm huyết và có chuyên môn ở trong BCH lại không làm được những gì lớn hơn? Tôi sẽ nói với bạn về chuyện này trong một dịp khác.
Vậy bước vào đại hội lần này, ông mang theo kỳ vọng gì?
Rất nhiều họa sĩ trong đó có tôi kỳ vọng đại hội lần này sẽ có sự đổi mới. Đổi mới trong thành phần BCH, đổi mới vị trí chủ tịch. Khi trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo văn hóa văn nghệ cấp trên, cá nhân tôi rất vui khi thấy các đồng chí đó cũng đặt vấn đề đổi mới Hội Mỹ thuật một cách khoa học và đầy tính chiến lược. Một điều quan trong cho sự đổi mới và phát triển thì Hội Mỹ thuật thì phải đổi mới nhân sự lãnh đạo.
Chúng tôi mong thành viên BCH nhiệm kỳ mới phải có 50% là họa sĩ trẻ. Chúng ta có không ít những họa sĩ trẻ có chuyên môn, có khát vọng và có ý thức. Chúng tôi mong muốn có nhân sự mới cho vị trí chủ tịch. Bởi họa sĩ Trần Khánh Chương đã giữ vị trí này trong suốt 15 năm qua. Ông đã ngoài 70 tuổi.
Nhưng điều quan trọng nhất mà chính ông cũng phải thừa nhận trong những lần trao đổi với tôi là ông chỉ dẫn dắt Hội hoạt động theo phong trào mà thôi. Với những điều hợp lý như vậy, chúng tôi tin đại hội sẽ có những thay đổi cần thiết cho sự phát triển mỹ thuật nước nhà.
Nhưng tôi nghĩ ông đã thất vọng. Chính vì thế ông đã rời bỏ BCH cũng như nhà điêu khắc Đào Châu Hải?
Lúc này tôi đã nhìn thấy con đường của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm tới. Đó là con đường giống như 5 năm trước, 5 năm trước nữa và 5 năm trước nữa. Đấy không phải là sự ổn định mà là sự sáo mòn và trì trệ. Nghĩa là nó chẳng có gì thay đổi. Chính thế mà nhà điêu khắc Đào Châu Hải và tôi quyết định rời khỏi BCH Hội Mỹ thuật nhiệm kỳ VIII. Bởi rất đơn giản là: đại hội đã không có sự thay đổi và chúng tôi ở lại cũng chẳng đóng góp được bao nhiều cho một nền hội họa thực sự.
Sự kéo dài một cách buồn tẻ trong 15 năm trước và chắc chắn 5 năm tiếp theo vẫn như thế làm cho tôi và những người thực sự quan tâm đến nền hội họa VN thật buồn. Không buồn mới là chuyện lạ. Lúc này, tôi nhận ra một điều quan trọng là: những họa sĩ như tôi chuyên nghiệp trong nghề nhưng lại quá nghiệp dư trong chính trường và ngược lại.
Theo Trúc Hà/Vietnamnet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đột ngột bỏ BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Thành Chương nhận thấy điều gì?