Phẫn uất, hoang mang, lo lắng… là cảm xúc chung của nhiều hộ dân nghèo ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang. Nguyên do là việc điều chỉnh giá đất ruộng của họ bị Tập đoàn Sao Mai mua để làm dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời không như cam kết ban đầu.

Dự án 5.000 tỉ của Tập đoàn Sao Mai: Hàng chục nông dân kiện Sao Mai ra tòa

Nguyên Việt | 18/01/2019, 14:40

Phẫn uất, hoang mang, lo lắng… là cảm xúc chung của nhiều hộ dân nghèo ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang. Nguyên do là việc điều chỉnh giá đất ruộng của họ bị Tập đoàn Sao Mai mua để làm dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời không như cam kết ban đầu.

Tháng 5.2018, Tập đoàn Sao Mai ra thông báo về việc mua đất ruộng của hàng trăm hộ dân khu vực chân núi Cấm (thuộc ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) để triển khai dự án điện mặt trời, vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Đến nay, sau hơn nửa năm triển khai dự án, Sao Mai đang san lấp mặt bằng, làm hàng rào bao quanh dự án, dù vấn đề giá tiền mua đất của người dân nơi đây vẫn đang còn nhiều điềukhiến dân bức xúc.

Loạn giá đất ở chân núi Cấm

Đứng thất thần bên mảnh đất hơn 3,5 công (1 công = 1.000m2) của mình vừa bị san bằng, anh Chau Vươn nói: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây, chỉ có mảnh ruộng ông bà cha mẹ để lại làm kế sinh nhai. Giờ không còn ruộng, tôi không biết làm gì nữa? Chạy xe ôm thì bữa có bữa không. Biết dự án điện mặt trời đem lại nhiều lợi ích, nhưng còn những người nông dân như chúng tôi thì sao?”.

Anh Chau Vươn đứng bên phần đất ruộng của mình vừa bị san bằng - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Vươn và hàng chục hộ dân khác mà PV báo điện tử Một Thế Giới tiếp xúc đều chung một suy nghĩ rằng, sẵn sàng bán đất lại cho Tập đoàn Sao Mai để làm dự án. Nhưng, tất cả phải đảm bảo quyền lợi, công bằng cho họ. “Đất chúng tôi đều nằm dưới chân núi Cấm, tại sao có người bán được 300 triệu/công, có người chỉ 55 triệu/công? Tất cả chỉ diễn ra trong vài tháng chứ đâu phải xa xôi gì”, đó là những câu hỏi mà PV liên tục nghe được khi tiếp xúc với những hộ dân nghèo nơi đây.

Cách đất của anh Chau Vươn không xa là đất của ông Chau So Va Na (SN 1950, ngụ cùng ấp An Thạnh, xã An Hảo). Ông Va Na kể, tháng 6.2018, cán bộ xã cùng nhân viên của Tập đoàn Sao Mai đến nhà gặp ông và thuyết phục ông bán đất cho tập đoàn để làm dự án.

“Họ mua với giá 55 triệu/công, tôi đâu có chịu. Giá đó không phù hợp thực tế, nếu bán đất với giá đó, tôi làm gì để sống với số ít tiền như vậy? Lúc đó, họ nói với tôi là sau này giá đất lên sẽ bù cho thêm cho tôi. Còn nếu tôi không chịu thì sau này cũng bị cưỡng chế, thu hồi. Tôi nghe vậy mới chịu nhận trước số tiền đó”, ông Va Na bức xúc trình bày.

Sau khi nhận tiền, ông Va Na phát hiệnnhiều người có đất gần ông bán với giá 300 triệu/công nên đến UBND xã An Hảo để yêu cầu giải quyết thêm tiền. Nhưng lúc này, Tập đoàn Sao Mai cho biết chỉ đồng ý hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/công. Quá bức xúc, ông Va Na đã làm đơn kiện Tập đoàn Sao Mai lên TAND H.Tịnh Biên.

“Những người bán đất 300 triệu/công là bà con của tôi chứ có ai xa lạ đâu, tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?”, ông Va Na trình bày.

Bi thảm hơn nữa là trường hợp của bà Neàng Chhuônl. Bà cụ này năm nay đã 82 tuổi, qua 2 lần bán đất cho dự án, bà đã đau buồn tới mức lâm bệnh nặng. Người chồng của bà năm nay cũng đã 92 tuổi, bị tai biến nằm một chỗ cả chục năm nay khiến tình cảnh gia đình càng thêm thê lương.

Khi Tập đoàn Sao Mai mua đất, bà Chhuônl bán phần ruộng 1,6 công của mình với giá 55 triệu đồng/công. Nhưng lần thứ hai, phần đất của người con gái là hơn 3,5 công bán được giá 100 triệu/công. Sự chênh lệch quá lớn này khiến bà suy sụp tinh thần, không biết kêu ai.

Nông dân làm gì khi không còn đất?

Người dân nơi đây cho biếthàng trăm héc ta đất ruộng dưới chân núi Cấm tuy không được màu mỡ, không có đường dẫn nước nhưng hằng năm họ vẫn làm được 2 vụ lúa, và trồng thêm hoa màu để cải thiện cuộc sống.

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời hiện đang được san lấp mặt bằng, làm hàng rào vây quanh - Ảnh: Thanh Nguyên

“Chúng tôi chờ tới mùa mưa rồi trồng lúa. Gặt lúa xong rồi, tôi trồng đậu xanh, bí, đậu bắp và các loại khác. Tuy còn khổ nhưng nhà tôi sống được, không lo sợ đói. Bây giờ không còn ruộng, cầm tiền bán đất cũng không biết làm gì ăn. Con cái mai mốt lớn thì tính làm sao?”, chị Neàng Sa Mít, mộtngười đã bán đất cho dự án hoang mang nói.

Anh Chau Vươn thì cho biết, sau khi đất bị Sao Mai thu mua để làm dự án, anh không đồng ý với giá bán ban đầu nên hiện đã khởi kiện đến tòa. Từ nửa năm nay không có đất sản xuất, anh dành phần lớn thời gian chạy xe ôm. Tuyến anh chạy là từ chân núi Cấm lên các điểm tham quan trên núi.

“Nhưng mùa này không có nhiều khách, có ngày tôi kiếm không nổi 50.000 đồng. Dự án điện có ích lợi cho ai đó, không phải cho tôi. Mai mốt nhà máy điện làm xong, tôi cũng đâu có trình độ gì đâu mà xin vô làm được. Tôi muốn làm ruộng, nhưng với số tiền mà Sao Mai trảlà 80 triệu đồng/công, tôi không đi đâu tìm ra ruộng mà mua”, anh Vươn trình bày.

Hầu hết, những người dân có đất nằm trong dự án của Tập đoàn Sao Mai đều là là người dân tộc Khmer. Họ sống và trồng lúa bao đời nay ở dưới chân núi Cấm. Cuộc sống dù còn khó khăn thiếu thốn, nhưng họ vẫn duy trì cuộc sống qua ngày.

Những người dân ở X.An Hảo trình bày với PV - Ảnh: Thanh Nguyên

Từ mấy tháng nay bán ruộng cho Sao Mai, có người vẫn đi làm thuê làm mướn sống qua ngày, có người đem tiền bán ruộng được để đi trả nợ ngân hàng, có người dùng tiền đó để chữa bệnh cho người thân. Số tiền càng ngày càng vơi đi mà họ vẫn chưa tìm ra được sinh kế.

Dự án Nhà máy Điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn Sao Mai đi vào hoạt động hiển nhiên sẽ thay đổi được bộ mặt của mộtxã nghèo ở vùng biên giới. Tuy nhiên, Tập đoàn Sao Mai và chính quyền địa phương cần có sự quan tâm rõ ràng hơn nữa trong việc chăm lo cuộc sống cho hàng trăm hộ dân không còn đất sản xuất nơi đây.

“Sao Mai sẵn sàng trả lại đất cho người dân!”

Đem những tâm tư, nguyện vọng của những người dân Khơme, PV báo điện tử Một Thế Giới đến làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai. Trong buổi làm việc chiều 16.1, ông Trương Vĩnh Thành - Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, vấn đề ở đây là… lòng tham của người dân và sai phạm của một số nhân viên tập đoàn đã hứa với bà con.

Ban đầu, Sao Mai thống nhất mua đất với giá 55 triệu đồng/công, nhưng sau đó nhiều bà con phản ánh yêu cầu nâng giá đất nên Sao Mai đã hỗ trợ thêm phần thiệt hại lúa, hoa màu là 25 triệu/công. Như vậy, giá 1 công đất ruộng tạm hiểu là 80 triệu đồng.

“Giá đất bị đẩy lên cao là do một số người đầu cơ cố tình làm như thế, Sao Mai trước giờ vẫn mua 1 công với giá 80 triệu, chưa mua giá cao hơn. Nếu bà con muốn lấy lại đất, Sao Mai sẵn sàng trả lại”, ông Thành nói.

Về sai phạm của Ban Giải phóng mặt bằng, ông Thành cho biết đối với ông Lê Văn Hà (Phó ban Giải phóng mặt bằng và quản lý thực địa) của dự án điện mặt trời, Chủ tịch Tập đoàn Sao Mai,ông Lê Thanh Thuấn đã ký quyết định đình chỉ công việc và chức vụ ông Hà trong 3 tháng, kể từ ngày 1.1.2019.

Lý do ông Hà đã có sai phạm trong công tác chuyên môn, ký các văn bản hồ sơ, giấy tờ vượt thẩm quyền, không thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Ông Hà là người đã ký một số bản cam kết với người dân bán đất ở xã An Hảo cho dự án điện mặt trời của Sao Mai. Nội dung của những bản cam kết này là nếu giá đất lên thì sẽ thêm tiền cho người dân.

Tờ cam kết với người dân do ông Võ Đức Thảo ký có sự chứng kiến của Phó chủ tịch xã An Hảo, Chau Khonh - Ảnh: Thanh Nguyên

Ngoài ông Hà, thì ông Võ Đức Thảo - Phó ban Giải phóng mặt bằng và quản lý thực địa cũng ký một số cam kết với nội dung tương tự với người dân. Trong bản cam kết của ông Thảo với người dân còn có sự chứng kiến của Phó chủ tịch UBND xã An Hảo, ông Chau Khonh. Ông Thảo hiện vẫn chưa bị Tập đoàn Sao Mai xử lý, kỷ luật.

Theo tìm hiểu của PV báo điện tử Một Thế Giới, hiện TAND H.Tịnh Biên đã tiếp nhân đơn của hơn 10 người dân ở ấp An Thạnh, xã An Hảo, H.Tịnh Biên khởi kiện Tập đoàn Sao Mai và đã ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đến những người khởi kiện.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án 5.000 tỉ của Tập đoàn Sao Mai: Hàng chục nông dân kiện Sao Mai ra tòa