Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hoàn toàn chủ động được đối với sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ chủ động được đối với vắc xin.

Dự kiến đầu năm 2022 Việt Nam sẽ chủ động được vắc xin

Lam Thanh | 13/10/2021, 20:10

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hoàn toàn chủ động được đối với sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ chủ động được đối với vắc xin.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ KH-CN vào chiều 13.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19", trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế - xã hội. Trong các giải pháp về y tế phải thực hiện đồng bộ cách ly, xét nghiệm, điều trị, vắc xin phòng COVID-19.

vc-2.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu

Cũng theo Phó thủ tướng, ngay từ đầu năm 2020, nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đã được Bộ KH-CN, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp xác định, tham gia, thực hiện. Tới nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vắc xin đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam hoàn toàn chủ động được đối với sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Dự kiến đầu năm 2022 sẽ chủ động được đối với vắc xin.

Qua rà soát, các ý kiến tại cuộc làm việc thống nhất cho rằng đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ chủ động được cơ bản nguồn vắc xin, thuốc điều trị, sinh phẩm để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, vừa qua lãnh đạo Bộ đã họp với Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin… để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, sớm có vắc xin sản xuất trong nước.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ việc cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước, có tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới.

Về thuốc điều trị, ông Thuấn cho biết cùng với quá trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả, Bộ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược trong nước làm việc với các đối tác để sớm có bản quyền, nhập khẩu nguyên liệu chuẩn bị sản xuất sau khi các loại thuốc được cấp phép chính thức.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên và sau khoảng một tháng nữa sẽ đi vào hoạt động với giá thành dự kiến rất rẻ.

Thời gian tới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ KH-CN tiếp tục khẩn trương triển khai chương trình nghiên cứu vắc xin cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch COVID-19; cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ động được vắc xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… phòng chống dịch.

Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh, nhu cầu các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch; căn cứ tình hình sản xuất trong nước để có phương án nhập khẩu, mua trong nước cụ thể (trên quy mô cả nước) bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp y dược trong nước.

vc.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Y tế và Bộ KH-CN

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vắc xin đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vắc xin bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Song song với đó là xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vắc xin; tăng cường chỉ đạo công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh cần khẩn trương hướng dẫn tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vắc xin (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng vắc xin; tiến độ và công suất sản xuất vắc xin trong nước… Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, mua trong nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Y tế khẩn trương cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà trong đó lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền; thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà. Đồng thời xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.

Liên quan đến bảo đảm nguồn sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, Bộ Y tế cần khẩn trương cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới tiện dụng, hiệu quả hơn trên thế giới. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị. Xây dựng phương án người dân tự xét nghiệm. Đồng thời cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm thuận tiện, tiết kiệm nhất.

Ngoài ra, Bộ Y tế khẩn trương bổ sung, cập nhật hướng dẫn sử dụng các loại vật tư, trang thiết bị phù hợp với điều kiện của hệ thống y tế các cấp. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước, mua dự phòng các loại vật tư, trang thiết bị cùng với phương án phân bổ trang thiết bị sau dịch bảo đảm chủ động, tiết kiệm nguồn lực; hướng dẫn sử dụng các công nghệ, sinh phẩm khử khuẩn hiệu quả, ít ô nhiễm môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự kiến đầu năm 2022 Việt Nam sẽ chủ động được vắc xin