Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách du lịch Tết Giáp Thìn tăng mạnh so với Tết năm ngoái, góp phần mang lại doanh thu trên nghìn tỉ đồng.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023). Dịp nghỉ Tết Giáp Thìn cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương.
Trong đó, Đà Nẵng đón gần 177.000 lượt, Hà Nội 103.000 lượt, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình đón gần 100.000 lượt, Quảng Nam 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt, TP.HCM đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023...
Việc ngành du lịch đón một lượng lớn khách quốc tế và nội địa khiến tổng thu từ nguồn khách tăng cao, như: TP.HCM đạt 6.550 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, Hà Nội thu được 2.350 tỉ đồng, tăng 35,1%, Ninh Bình thu được 1.580 tỉ đồng, Quảng Nam 1.580 tỉ đồng, Kiên Giang ước đạt 928 tỉ đồng, Khánh Hòa thu gần 880 tỉ đồng, Thanh Hóa gần 600 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 410 tỉ đồng,...
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 7 ngày của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng) toàn tỉnh đón 635.000 lượt khách, tăng 48,7% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Doanh thu du lịch khoảng 588 tỉ đồng, tăng 51,2% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Trong dịp Tết Nguyên đán, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều đoàn khách quốc tế đã chọn một số khu nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng để đón giao thừa và trải nghiệm văn hóa tết cổ truyền. Các địa phương có trọng điểm du lịch văn hóa ghi nhận lượng khách tăng cao, doanh thu du lịch tăng trưởng khả quan.
Điển hình, một số địa phương thu hút lượng khách lớn như: TP.Thanh Hóa đón khoảng 100.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) khoảng 40.000 lượt khách; Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) khoảng 90.000 lượt khách; Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) khoảng 91.000 lượt khách; TP.Sầm Sơn khoảng 65 nghìn lượt khách; Đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) khoảng 40.000 lượt khách; Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) khoảng 4.000 lượt khách; Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) khoảng 4.500 lượt khách...
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, trong 8 ngày tết (từ 29 tháng chạp đến hết ngày mùng 6 tháng giêng), lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, lượng khách đến Điện Biên dịp này đạt 80.200 lượt, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách lưu trú đạt 12.000 lượt, công suất sử dụng buồng, phòng tại các cơ sở lưu trú đạt 48%. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 143 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Những địa điểm thu hút nhiều lượt khách du lịch là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các điểm di tích thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ như Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Đồi A1, hầm Đờ cát tơ ri, tượng đài chiến thắng...
Trong kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đón gần 189.000 lượt khách tham quan, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Ngay trong ngày diễn ra lễ khai hội, khu du lịch chùa Hương Tích đã chứng kiến sự "bùng nổ" của du khách muôn phương tìm về với danh thắng này. Theo Ban quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích, chỉ riêng ngày mùng 6 tháng giêng, điểm đến này đã đón 6.000 lượt khách tham quan. Như vậy, tính cả kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới nay, chùa Hương Tích đã đón 25.000 lượt khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cũng thông tin cho biết, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh này trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tính từ ngày 10 - 14.2.2024 (mùng 1 đến mùng 5 Tết) ước đạt 105.000 lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 650 khách quốc tế, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 59.500 khách, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm năm 2023. Công suất phòng trung bình trên 60%, riêng tại các khách sạn có quy mô lớn công suất phòng đạt 90-100%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 192,3 tỉ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu lưu trú đạt 33,6 tỉ đồng.
Một số điểm di tích, danh thắng thu hút đông khách tham quan (từ mùng 1 đến mùng 4 Tết) như: Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa 18.976 lượt khách; Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn 12.400 lượt khách; Danh thắng Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh 4.509 lượt khách.
Theo số liệu thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, đã có trên 260.000 lượt du khách đến với Lào Cai, mang lại doanh thu 900 tỉ đồng. Trong đó, khách du lịch nội địa là 256.800 lượt, khách quốc tế là 8.400 lượt (khách đi trong ngày là 64.200 lượt, khách lưu trú qua đêm là 201.000 lượt), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 (255.013 lượt). Lũy kế năm đạt 1.036.714 lượt khách.
Lượng khách đến các địa phương trọng điểm du lịch như: thị xã Sa Pa đón khoảng 112.300 lượt; TP.Lào Cai đón khoảng 123.600 lượt khách; huyện Bắc Hà đón được khoảng 25.000 lượt khách; huyện Bảo Yên đón khoảng 31.500 lượt khách; huyện Bát Xát đón khoảng 12.500 lượt.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bình Định, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ ngày 8 - 14.2 (tức ngày 29 tháng chạp đến mùng 5 tháng giêng), tổng lượng khách lưu trú và tham quan tại tỉnh Bình Định đạt trên 184.000 lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 146 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ sở Du lịch các tỉnh thành cho thấy, để đón khách trong dịp Tết Nguyên đán 2024, các địa phương đã tổ chức chỉnh trang, trang hoàng lại cảnh quan điểm đến và đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Một số địa phương đã phối hợp với các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức chào đón khách "xông đất", tạo hứng khởi cho khách du lịch ngày đầu năm mới.