Trong cuộc đua "song mã" tại đảng Dân chủ, bà Clinton đã có một đêm trong mơ khi thắng với khoảng cách rất lớn tại các bang miền Nam vốn có nhiều người gốc Phi cư ngụ. Chiến thắng lớn tại bang Texas cũng khiến khoảng cách của bà so với ông Bernie Sanders trở nên cao hơn.
Hiện tại, bà Clinton đã chiếm được gần phân nửa số phiếu cần thiết để trở thành đại diện của đảng Dân chủ ra tranh cử chức Tổng thống Mỹ vào tháng 11.2016 tới. Dù vậy, với việc có 457 siêu đại biểu cam kết bầu cho bà trong số 1001 phiếu đại biểu (tại đại hội đảng Dân chủ) thì khoảng cách của bà với ông Sanders là không chắc chắn, khi các siêu đại biểu hoàn toàn có thể thay đổi lời hứa của mình.
Từ đây đến ngày 15.3, cục diện tại đảng Dân chủ sẽ rõ ràng hơn khi có tới 9 bang tiến hành bầu cử sơ bộ, trong đó có nhiều bang quan trọng như Florida, Ohio và North Carolina.
Về phía đảng Cộng hòa, dù chiến thắng tại 6 bang, nhưng vì mất bang quan trọng nhất là Texas vào tay Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ông Donald Trump vẫn chưa đủ khả năng để tuyên bố thắng sớm.
Nhờ chiến thắng lớn tại "sân nhà" Texas và Oklahoma, ông Ted Cruz vẫn còn có thể nuôi hy vọng chiến thắng ứng cử viên Donald Trump trong tương lai. Tuy nhiên, nếu các ứng cử viên còn lại gồm cả Marco Rubio, Ben Carson và John Kasich không chủ động "ngừng cuộc chơi" thì người có lợi nhất là ông Donald Trump vì các ứng cử viên này đang cạnh tranh phiếu của nhau.
Ví dụ, tại bang Vermont kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Trump thắng với 32,7% số cử tri đảng Cộng hòa ủng hộ còn người đứng thứ 2 là ông Kasich được 30% số cử tri ủng hộ, tiếp theo là ông Rubio được 19,1%. Nhưng khi chia số đại biểu thì ông Trump và Kasich được mỗi người 6 đại biểu và Thượng nghị sĩ Rubio không được một đại biểu nào, vì điều khoản các ứng viên không đủ 20% sẽ không được chia đại biểu.
Tức là, nếu tình trạng 5 ứng cử viên tại đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục tranh cử, không ai nhường ai thì ông Trump sẽ có rất nhiều lợi thế dù chỉ duy trì mức ủng hộ khoảng 30% tại mỗi bang.
Thiên Hà (theo The Guardian)