Dự thảo Luật An ninh mạng được dự kiến trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 này, song các ĐBQH vẫn chưa hết băn khoăn với một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Khi ĐBQH còn băn khoăn, dư luận có ý kiến trái chiều thì có lẽ việc thận trọng khi xem xét, thông qua dự thảo luật cần được đặt ra.

Dự thảo Luật An ninh mạng: Cân nhắc thận trọng

báo Đại biểu nhân dân | 30/05/2018, 14:12

Dự thảo Luật An ninh mạng được dự kiến trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 này, song các ĐBQH vẫn chưa hết băn khoăn với một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Khi ĐBQH còn băn khoăn, dư luận có ý kiến trái chiều thì có lẽ việc thận trọng khi xem xét, thông qua dự thảo luật cần được đặt ra.

Nguy cơ bị nhũng nhiễu

Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) đều không phủ nhận nhu cầu bảo đảm an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, nhưng không vì thế đồng tình với dự thảo Luật được trình lần này, dù đã được tiếp thu, điều chỉnh theo ý kiến của các ĐBQH tại kỳ họp thứ 4. Bởi như ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) phân tích, ngay từ phạm vi điều chỉnh đã cần cân nhắc, khi quy định bao quát phạm vi quá rộng, đặt ra nhiều quy định có thể không thực sự cần thiết đối với yêu cầu bảo vệ an ninh. Trong khi đó, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí cho doanh nghiệp là điều dễ dàng nhìn thấy. ĐB Nguyễn Phương Tuấn dẫn chứng cụ thể điều 17 dự thảo Luật, khi quy định các hành vi vi phạm, bao gồm cả kinh doanh đa cấp, giao dịch tài sản, huy động vốn, trò chơi cho nhận, quy đổi đầu tư ủy thác trái phép trên không gian mạng... “Dự thảo Luật đã điều chỉnh các vấn đề về trật tự an toàn hoặc kinh tế, dân sự mà không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia” - ĐB Nguyễn Phương Tuấn nhận định.

Tất nhiên, điều được nhiều ĐBQH lo ngại nhất là nguy cơ tạo sự nhũng nhiễu với người dân, doanh nghiệp khi các điều khoản về thẩm định kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức được áp dụng trong thực tế. ĐB Nguyễn Phương Tuấn chỉ rõ, theo điều 24, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an được trao quyền kiểm tra, đánh giá an ninh mạng bao gồm cả hệ thống thông tin không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đối chiếu với quy định về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia tại điều 12, ĐBQH nhận thấyquy định này có thể dẫn tới khả năng xảy ra xâm phạm bí mật kinh doanh, bí mật người dùng dịch vụ, ứng dụng của doanh nghiệp. Vì kết quả kiểm tra và việc sử dụng kết quả kiểm tra theo quy định nêu trên về nguyên tắc cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước, song Luật Bảo vệ bí mật nhà nước chưa quy định vấn đề này. “Doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ ứng dụng của doanh nghiệp đều đứng trước nguy cơ bị lộ thông tin riêng tư vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia mà không có lựa chọn nào khác” - ĐB Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài nguy cơ tạo sự nhũng nhiễu với người dân, doanh nghiệp, ĐBQH cũng lưu ý nhiều vấn đề có thể nảy sinh khi áp dụng luật vào thực tế, ngay cả yêu cầu vốn được nhận định có tính hữu ích là buộc tổ chức nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (điều 26). Việc đặt trụ sở tại văn phòng đại diện sẽ gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại nước ta. Song, các ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) đặt trường hợp: Nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google hoặc Facebook không thực hiện thì cơ quan chức năng có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam không?

Có bảo vệ an toàn mạng được không?

Thực tế đang đặt ra yêu cầu có quy định phù hợp để ngăn chặn hoạt động sử dụng hạ tầng không gian mạng, hay các biện pháp, thao tác khoa học, công nghệ, đặc biệt công nghệ cao để xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, góp phần lấp khoảng trống mà Luật An toàn thông tin mạng chưa khắc phục được. Tuy nhiên, nếu như dự thảoLuật chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh đối với hành vi tác động đến an ninh quốc gia thì có lẽ sẽ không nhận được nhiều ý kiến khác nhau như hiện nay. Điểm vướng của dự thảoLuật này chính là bổ sung điều chỉnh hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tức là, dự thảoLuật sẽ ảnh hưởng đến nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân, thậm chí điều chỉnh các vấn đề không ảnh hưởng rõ rệt đến an ninh quốc gia như ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn đưa ra.

Do đó, dù ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) chỉ rõ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4thì vẫn có những ý kiến đề nghị cân nhắc lại. Như nhấn mạnh của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), dự thảoLuật An ninh mạng phải giải đáp được là các quy định đưa ra sẽ giúp doanh nghiệp ở điểm nào, và có hạn chế họ không.Các quy định sẽ giúp công dân điểm nào và có bảo vệ được công dân hay không? Đặc biệt, quy định của dự thảoLuật có giúp bảo vệ an ninh quốc gia hiệu quả hay lại làm phiền đến những câu chuyện khác?

Hơn nữa, trong khi phạm vi điều chỉnh được mở rộng thì quy định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (tại điều 9) lại chưa được làm rõ và chưa có danh mục cụ thể đi kèm. Đây vốn là những tiêu chí, khái niệm trọng tâm nhất để xác lập đối tượng điều chỉnh và chịu tác động của dự thảoLuật này. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ việc hạn chế quyền của người dân, tổ chức, doanh nghiệp phải được quy định bằng luật. Do đó, một số ĐBQH cho rằng, không nên giao Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, mà quy định ngay trong dự thảo Luật, nhằm xác định rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giúp xác định tổ chức, cá nhân sở hữu hệ thống thông tin nào sẽ bị tác động và sẽ bị tác động như thế nào.

Dự thảoLuật An ninh mạng không chỉ là luật mới với Việt Nam, mà còn với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Indonesia vừa ban hành một điều luật quy định hệ thống thông tin và giao dịch điện tử đã ngay lập tức gây ra một số hậu quả, và đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung. Trước kinh nghiệm thực tế này, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) yêu cầu thận trọng xem xét, thông qua dự thảoLuật An ninh mạng, khi đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến liên quan, để xây dựng một dự thảo Luật có chất lượng cao, giúp ĐBQH yên tâm bấm nút thông qua theo quy trình.

Theo Lê Bình/Báo Đại biểu nhân dân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Luật An ninh mạng: Cân nhắc thận trọng