Giáo hội Phật giáo VN phản đối, còn luật sư Nguyễn Tiến Lập lại cho rằng chính quyền chỉ đóng vai trò giám sát...
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có văn bản kiến nghị Nhà nước không quản lý tiền công đức, không thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức.
Dự thảo mập mờ, đánh đồng?
Theo GHPGVN, các quy định của dự thảo Thông tư về quản lý thu chi tiền công đức không bảo đảm tính chính xác, rõ ràng, dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật.
Cụ thể, dự thảo sử dụng thuật ngữ “tiền công đức” trong khi thuật ngữ này chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm trong trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Thuật ngữ “tiền công đức” chỉ được sử dụng trong Phật giáo và một số tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, mà không được sử dụng trong tất cả các tôn giáo tại Việt Nam.
Dự thảo chỉ hướng dẫn quản lý thu chi đối với tiền công đức mà không có quy phạm định nghĩa thế nào là tiền công đức. Vì vậy, hoạt động thu chi của các tôn giáo khác đối với tiền lễ, tiền khấn, tiền dâng… là những loại tiền cùng bản chất pháp lý với tiền công đức lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư. Điều này không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật.
GHPGVN cũng cho rằng dự thảo không bảo đảm quyền sở hữu riêng của GHPGVN và nhà tu hành là thành viên giáo hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Giáo hội dẫn ra các điều khoản trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Bộ luật Dân sự năm 2015 để khẳng định tổ chức tôn giáo có quyền "nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tặng cho và nó là tài sản của giáo hội và nhà tu hành là thành viên của giáo hội"; dẫn điều 53 Hiến pháp năm 2013 để khẳng định tiền công đức không phải là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Giáo hội cho biết các cơ sở tôn giáo của GHPGVN đồng thời là di tích (đối tượng điều chỉnh của thông tư quản lý tiền công đức) và có hoạt động lễ hội thì có 3 nguồn thu độc lập với 3 chủ thể quản lý khác nhau:
Một là tiền, tài sản công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành thì thuộc quyền quản lý của trụ trì. Hai là tiền, tài sản tài trợ cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích thì thuộc quyền quản lý của ban quản lý di tích. Ba là tiền, tài sản tài trợ cho hoạt động lễ hội thì thuộc quyền quản lý của ban tổ chức lễ hội.
Giáo hội cũng nêu các quy định của dự thảo rất mập mờ, đánh đồng giữa hai loại tiền có tính chất tâm linh (tiền công đức) và tính chất thế tục (tiền tài trợ). Điều này dẫn đến hậu quả khi Thông tư có hiệu lực pháp luật thì toàn bộ tiền công đức cho cơ sở tôn giáo (đồng thời là di tích) và toàn bộ tiền công đức cho cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt.
Vì vậy, GHPGVN đề nghị Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành hoàn toàn khác với tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội để tôn trọng ý chí của chủ thể công đức và chủ thể tài trợ; tránh sự lạm quyền của chủ thể quản lý đối với những loại tiền này, dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột giữa các chủ thể quản lý và hậu quả (quả báo) mà người lạm quyền phải gánh chịu.
Không nên thế tục hóa tính thiêng
GHPGVN cho rằng hành vi cúng dường tiền công đức của tín đồ phật tử không đơn thuần là hành vi tặng cho tài sản về pháp lý, mà còn là hành vi thể hiện niềm tin tôn giáo.
Trong Phật giáo, hành vi cúng dường tiền công đức là hành vi cúng dường Tam bảo (Phật, pháp, tăng), trong đó Đức Phật và Giáo pháp là đối tượng tôn thờ, còn tăng (nhà tu hành) không chỉ là người có đạo hạnh được tín đồ phật tử tôn kính mà còn là chủ thể pháp lý có quyền quản lý, sử dụng “tiền công đức” phù hợp với giáo luật của Đức Phật, pháp luật của Nhà nước và quy định của Giáo hội.
GHPGVN khuyến nghị Nhà nước không nên thế tục hóa tính thiêng của tiền công đức. Việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tiền công đức sẽ làm tục hóa, giải thiêng tiền công đức cúng dường Tam bảo, làm tổn thương đến giáo lý, lễ nghi, niềm tin tôn giáo của tín đồ phật tử, không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường.
“Trong lịch sử pháp luật và lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tài sản của Phật giáo”, văn bản nêu.
Theo đó, GHPGVN kiến nghị hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi tiền công đức hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa tiền công đức và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi tiền công đức được cúng dường (tặng, cho) tổ chức-cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.
Trường hợp dự thảo tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi tiền công đức thì GHPGVN sẽ xem xét thay thế thuật ngữ “tiền công đức” bằng thuật ngữ “tiền cúng dường Tam bảo” trong các văn bản và hoạt động tôn giáo của Giáo hội để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên giáo hội; đồng thời thông báo rộng rãi cho tín đồ phật tử về thay đổi này để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi cúng dường Tam bảo và tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.
Ban hành quy định là cần thiết
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng NHQuang & Cộng sự) cho rằng chính quyền không quản lý mà đóng vai trò giám sát việc quyên góp, sử dụng mọi khoản tiền đóng góp tự nguyện của người dân vào chùa.
“Việc này tôi cho là cần thiết vì các chùa ở Việt Nam không phải là cơ sở tôn giáo biệt lập với thành viên khép kín (tạm gọi là phật tử) mà là nơi đến tham quan, hành lễ của mọi người, tức địa điểm công cộng.
Theo đó, khi người ta đóng tiền (công đức hay tài trợ) là thực hành quyền dân sự về tặng-cho mà nhà chùa là bên nhận. Một khi hoạt động này có quy mô đủ lớn và thường xuyên thì chính quyền có trách nhiệm giám sát việc sử dụng tiền công khai, minh bạch và đúng mục đích, tránh sự lạm dụng và trục lợi cá nhân để bảo về quyền dân sự đó của người dân cũng như sự trong sạch của nhà chùa. Tiến tới, với những chùa có khoản thu lớn, Nhà nước còn cần thu thuế để bảo đảm sự công bằng”, ông Lập nói.
Luật sư Lập cho hay Nhà nước còn cấp đất cho Phật giáo và tư nhân xây chùa để hành lễ và làm du lịch và nhà chùa trên thực tế cũng tham gia khá nhiều vào các việc đời khác. Cho nên nếu GHPGVN cho rằng việc Nhà nước can thiệp vào tiền công đức là "thế tục hóa cái thiêng" của tiền này là không đúng.
Bộ Tư pháp cho rằng việc ban hành thông tư là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại tình hình quản lý thu chi tài chính cho công tác lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trong 3 năm qua kể từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, để làm cơ sở xây dựng thông tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Về nội dung dự thảo văn bản, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát tổng thể dự thảo thông tư với với các luật liên quan. Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ điều 2 dự thảo Thông tư về nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ, vì các nội dung cụ thể quy định tại điều này không thuộc thẩm quyền của thông tư.
Cũng theo Bộ Tư pháp, điều 5 dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, dự thảo không quy định nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn là nguồn tài trợ, công đức nên việc can thiệp, “đóng khung” các nội dung chi như điều 5 dự thảo Thông tư cần cân nhắc kỹ. Trường hợp cần thiết, có thể bổ sung quy định mang tính mở; trong quá trình soạn thảo thông tư phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản…