Mặc dù giá xăng vừa có đợt giảm mạnh, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay giá thực phẩm không hề có xu hướng giảm, thậm chí còn rục rịch tăng vì cận kề tết Dương lịch.
Từ giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng dầu đã liên tục theo xu hướng giảm. Trong đợt điều chỉnh ngày 18.12 vừa qua, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm đáng kể. Cụ thể, xăng Ron 92 đã giảm 390 đồng/lít, dầu diezel giảm 1.250 đồng/lít.
Tính từ thời điểm giữa tháng 9.2015 đến nay, giá xăng Ron 92 đã tăng 2 lần với tổng mức tăng là 800 đồng/lít. Trong khi đó, xăng đã giảm 5 lần với tổng mức giảm là 1.730 đồng/lít. Dầu diezel 0,05S đã tăng 2 lần với mức tăng là 790 đồng/lít, giảm 4 lần với tổng mức giảm 2.120 đồng/lít.
Mặc dù giá xăng vừa có đợt giảm mạnh, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện nay giá thực phẩm không hề có xu hướng giảm, thậm chí còn rục rịch tăng vì cận kề Tết Dương lịch.
Theo khảo sát của PV báo điện tử Một Thế Giới ngày 29.12 tại một số chợ ở TP.HCM như chợ đầu mối Thủ Đức, chợ Thị Nghè, chợ Thạnh Mỹ Lợi, chợ Tăng Nhơn Phú... giá thực phẩm như thịt, hải sản, rau củ đều chưa chịu giảm.
Cụ thể, mỗi kg thịt heo vẫn giữ mức giá từ 90.000 đến 120.000 đồng, tùy từng loại. Trong khi đó, mỗi kg thịt bò tại các chợ vẫn giữ giá bán cao dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng mỗi kg. Gà ta vẫn có giá cao là 120.000 – 130.000 đồng/kg. Thịt, cánh, chân gà công nghiệp giá vẫn không giảm, ở mức 55.000 – 65.000 đồng/kg. Giá các loại hải sản vẫn giữ nguyên so với lúc xăng chưa giảm.
Ở một số chợ bán lẻ, giá rau, củ, quả vẫn cao so. Một số loại rau tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Cụ thể, các loại rau thơm, xà lách...vẫn giữ nguyên mức giá 30.000 đồng/kg. Cà chua tăng là 15.000 đồng – 18.000 đồng/kg. Bí đao có giá là 10.000 đồng/kg. Khổ qua là 15.000 đồng/kg.
Dưa leo vẫn duy trì mức giá 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số loại củ như khoai tây, khoai lang, khoai sọ giữ nguyên giá là 18.000 – 20.000 đồng/kg. Cà rốt Đà Lạt là 30.000 đồng/ kg.
Bông cải xanh, xà lách cuộn vẫn có giá cao từ 25.009 – 30.000 đồng đồng/kg. Các loại rau có lá khác như cải ngọt, cải bẹ mức 15.000-17.000/kg. Rau muống là loại ít biến động về giá, nay cũng giữ nguyên mức 10.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, so với thời điểm trước khi xăng điều chỉnh giảm mạnh ngày 18.12 vừa qua, giá một số thực phẩm lại có xu hướng tăng.
Đơn cử, giá bán sỉ cải ngọt đã tăng từ 8.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg. Dưa leo từ 7.000 đồng/kg lên 9.000 đồng/kg, cà chua tăng 1.000 đồng/kg, từ 11.000 đồng tăng lên 12.000 đồng/kg. Khổ qua tăng 3.000 đồng/kg, từ 7.000 đồng/kg nay có giá 10.000 đồng/kg. Bí đao từ 5.000 đồng/kg, nay tăng tới 7.000 đồng/kg. Đặc biệt, xà lách búp đã tăng giá gấp đôi, từ 7.000 đồng/kg nay có giá 15.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, giá bán thực phẩm hiện vẫn theo giá niêm yết từ trước nên không có nhiều thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, giá các sản phẩm tươi sống cũng được điều chỉnh giảm để kích cầu mua sắm vào dịp tết Dương lịch 2016. Tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra, một số thực phẩm tươi sống đang được khuyến mãi nên giảm giá mạnh.
Theo một số tiểu thương, sở dĩ thực phẩm vẫn nằm ở mức cao là do lượng hàng giảm sút, nguồn cung giảm sút cộng với nhu cầu của người dân vào dịp lễ tăng cao nên giá thực phẩm vẫn “bình chân như vại”.
Khi đề cập đến việc xăng đã giảm nhưng thực phẩm vẫn không giảm thì một số tiểu thương cho biết, giá vận chuyển hàng hóa đã được chốt sẵn từ trước, thế nên không có chuyện xăng giảm mà giá cước vận chuyển giảm. Do đó, không có tác động gì đến giá thực phẩm trên thị trường.
“ Tôi lấy hàng ở chợ đầu mối, ở đó giá đã cao rồi thì khi đưa về chợ này đương nhiên giá cũng phải cao. Còn hỏi tại sao xăng giảm mà giá rau củ vẫn cao thì tui không biết. Tiền tôi thuê người ta chở hàng ở chợ đầu mối về vẫn giữ nguyên như trước. Chưa kể, giờ sắp tới Tết Tây người ta lại đang đòi tăng giá vận chuyển lên. Giá vận chuyển không giảm thì giá thực phẩm cũng không giảm được, giảm chỉ có lỗ thôi”, chị Hòa – tiểu thương bán rau tại chợ Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) cho biết.
Phan Diệu