Báo Mỹ cảnh báo Đức sẽ đi vào vết xe đổ trong quan hệ với Trung Quốc, sẽ bị Trung Quốc vắt chanh bỏ vỏ sau khi lĩnh hội hết công nghệ.

Đức đi vào vết xe đổ của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc

Anh Tú (theo TNYT) | 20/03/2021, 13:28

Báo Mỹ cảnh báo Đức sẽ đi vào vết xe đổ trong quan hệ với Trung Quốc, sẽ bị Trung Quốc vắt chanh bỏ vỏ sau khi lĩnh hội hết công nghệ.

Đức chịu áp lực khi nồng ấm với Trung Quốc

Cờ Đức và Trung Quốc tung bay dọc các đại lộ rợp bóng cây. Các công nhân đang hối hả thi công xây dựng một dự án khách sạn kết hợp mua sắm với phong cách kiến ​​trúc nửa gỗ thường thấy ở những nơi như Bavaria hoặc Rừng đen. Một nhà hàng gần đó phục vụ xúc xích nướng Thuringia, xúc xích lợn rán và rất nhiều cải bắp muối.

Và tại tiệm bánh của Erwin Gerber ở gần Thái Thương, một thành phố công nghiệp cách Thượng Hải hơn một giờ lái xe, những khách hàng đói bụng có thể mua một ổ bánh mì bột chua đồng quê hoặc bánh quy nướng theo cách họ thưởng thức ở Baden-Württemberg.

“Mọi thứ bạn tìm thấy ở Đức,” ông Gerber tự tin nói, “bạn sẽ tìm thấy trong tiệm bánh của tôi”.

Thái Thương là hình ảnh thu nhỏ mối quan hệ sâu sắc giữa các nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và thứ tư (Đức) trên thế giới. Thành phố Thái Thương của Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với máy móc công nghiệp của Đức đến mức một số người gọi nó là “Little Swabia”, theo một địa danh Đức mà các chủ sở hữu của nhiều nhà máy ở đây gọi là quê hương.

Nhưng mối quan hệ này cũng làm dấy lên lo ngại rằng Đức trở nên phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Đó có thể là một vấn đề đặc biệt hóc búa đối với Tổng thống Biden, người đã coi việc cô lập Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại và địa chính trị là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể đối phó Trung Quốc.

Vào tháng 12, Đức đóng vai trò chi phối trong việc đưa ra một thỏa thuận sơ bộ bảo hộ đầu tư của Liên minh châu Âu với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ chính quyền của tổng thống đắc cử Biden khi đó. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bảo vệ thỏa thuận khi cần thiết để giúp các công ty châu Âu đạt được nhiều lợi nhuận hơn nữa ở Trung Quốc. Vào tháng 1, bà đã ra dấu hiệu rằng Đức không muốn đứng về phía nào trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Bà Merkel nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới: "Tôi không ủng hộ việc thành lập các khối."

Lập trường của bà có thể ảnh hưởng rộng khắp châu Âu với Đức là nền kinh tế lớn nhất của Lục địa già. Bà Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga Âu Á tại Brussels, cho biết: “Đó là một trạng thái xoay chiều về ảnh hưởng.

Đức sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn trong những tháng tới để chọn một bên. Thỏa thuận với Trung Quốc vẫn cần sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu, nơi nhiều nước vẫn lo ngại Trung Quốc".

Đức cũng có thể phải đối mặt với áp lực trong hội nghị thượng đỉnh đầu tháng 6 của G7 gồm Pháp, Ý, Mỹ, Canada, Anh và Nhật Bản. Ông Biden muốn củng cố thể chế đó sau khi cựu tổng thống Donald Trump đã thu hẹp dần vai trò G7 trong 4 năm qua.

Một số chính trị gia châu Âu, cử tri và các nhóm nhân quyền muốn Đức có lập trường cứng rắn hơn đối với các hành vi của Trung Quốc. Họ viện dẫn ứng xử của Trung Quốc đối với phong trào dân chủ ở Hồng Kông và hay nhân quyền ở Tân Cương.

Reinhard Butikofer, một thành viên của Nghị viện châu Âu, người phát ngôn của Đảng Xanh về các vấn đề chính sách đối ngoại, cho biết: “Chúng tôi không hài lòng về những lời hứa mơ hồ liên quan đến tình hình ở Trung Quốc".

Ngay cả các nhóm kinh doanh hàng đầu của Đức, trong khi ủng hộ lập trường của bà Merkel, nhưng vẫn đòi hỏi Trung Quốc trả lời những lời chỉ trích.

Joachim Lang, Tổng giám đốc của Liên đoàn Công nghiệp Đức cho biết: “Tình hình ở Tân Cương, cũng như tình hình chính trị ở Hồng Kông, làm căng thẳng các mối quan hệ chính trị và kinh tế của chúng tôi”. “Vì lợi ích tốt nhất của mình, Trung Quốc nên cung cấp sự rõ ràng hơn cho cộng đồng quốc tế về các điều kiện trên thực địa và phản ứng lại các cáo buộc”.

Trung Quốc bác bỏ những lời chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Các công ty châu Âu ở Trung Quốc cho biết họ tránh sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Nỗi lo Trung Quốc qua cầu rút ván

Đức đã được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức và trở thành thị trường chính cho nhiều công ty của Đức. Năm ngoái, Mercedes-Benz đã bán được số xe ở Trung Quốc nhiều gấp ba lần so với ở Mỹ.

Tuy nhiên, một số người ở Đức lo sợ rằng thương vụ của Trung Quốc sắp kết thúc. Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực cạnh tranh với các công ty Đức về máy móc chính xác hoặc mua lại công nghệ. Các giám đốc điều hành tại một số công ty Đức ở Thái Thương cho biết các nhà quản lý địa phương được họ đào tạo đã rời đi để tạo thành đối thủ cạnh tranh.

Các nhà máy thuộc sở hữu của Đức tạo ra các máy móc chính xác mà nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cần để tiếp tục hoạt động. Một nghiên cứu gần đây của Bertelsmann Foundation cảnh báo, nếu Bắc Kinh thành công trong nỗ lực giành tự lực công nghiệp, thì Trung Quốc sẽ không cần họ nữa.

Ulrich Ackermann, giám đốc thị trường nước ngoài của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là V.D.M.A., cho biết: “Sẽ không còn chuyện đôi bên cùng có lợi nữa”.

Hầu hết các công ty của Đức ở Thái Thương là các nhà sản xuất vừa và nhỏ tạo ra các sản phẩm công nghiệp thích hợp, hoặc các công ty được gọi là “Mittelstand” làm nền tảng cho nền kinh tế Đức.

Đức đã góp phần giúp nền kinh tế Trung Quốc cất cánh

Những gốc rễ đầu tiên của Đức ở Thái Thương xuất hiện vào năm 1985, khi Hans-Jochem Steim, giám đốc điều hành của một nhà sản xuất dây lò xo của Đức, đi tìm địa điểm để xây dựng nhà máy. Thái Thương, không chỉ là một quần thể các ngôi làng mà còn có lợi thế cách sân bay thương mại duy nhất của Thượng Hải vào thời điểm đó một quãng lái xe ngắn. Ảo diệu nhất là nó có bầu không khí của một thị trấn nhỏ khiến Hans-Jochem Steim nhớ đến quê hương ông ở Swabia.

Kern-Liebers, nhà máy của ông Steim, là công ty đầu tiên trong số hơn 350 công ty Đức thiết lập hoạt động tại Thái Thương, còn được thu hút bởi bất động sản giá rẻ và các quan chức địa phương rất thiện chí hợp tác. Ông Steim đã khuyến khích các nhà cung cấp lâu năm theo chân mình.

Richard Zhang, giám đốc điều hành của Kern-Liebers tại Trung Quốc, cho biết: “Ít nhất 20 nhà đầu tư Đức đầu tiên là bạn của ông Steim”.

Trong số những nhà đầu tư ban đầu đó là TOX Pressotechnik, công ty sản xuất máy móc nối các mảnh kim loại và được sử dụng để chế tạo mái, khung gầm và các thành phần khác của xe ô tô. Susanne Eberhardt, một thành viên của gia đình sở hữu công ty có trụ sở tại Weingarten, miền nam nước Đức, cho biết trong khi các công ty lớn có xu hướng thành lập ở các trung tâm dân cư lớn, các công ty nhỏ đổ về Thái Thương”.

Nhân viên Trung Quốc do TOX thuê có mối quan hệ tốt với người Đức. Bà Eberhardt nói: “Người dân Trung Quốc toát ra năng lượng và sự lạc quan. Bạn có thể cảm thấy rằng Trung Quốc đang trên đà bứt phá và họ tự hào mạnh mẽ vì là một phần của nó”.

Người Đức dạy các nhà quản lý địa phương rất tốt nên ngày nay, Thái Thương có mọi thứ thuộc về Đức dù không có đông người Đức. Đại đa số khách hàng tại tiệm bánh của ông Gerber là người Trung Quốc. Một số ít người nước Đức có xu hướng thích sống ở Thượng Hải, nơi có trường dạy tiếng Đức cho con cái họ.

Các công ty Đức ở Thái Thương thường không đủ lớn để thu hút nhiều sự chú ý từ chính quyền trung ương. Một số người cho biết họ không cảm thấy áp lực khi phải chia sẻ công nghệ và bí mật thương mại, một phàn nàn phổ biến của các nhà đầu tư nước ngoài quy mô.

Matthias Müller, giám đốc điều hành của Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Đức tại Thái Thương cho biết: “Nếu bạn không đụng đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị, thì đó là một môi trường rất thân thiện".

Các nhà đầu tư Đức đã giúp biến Thái Thương thành một thành phố với gần một triệu dân, lột xác. Những người công nhân từng đi xe đạp trước kia giờ đã lái ô tô.

Năm 2004, khi Klaus Gerlach khởi công Krones, một nhà sản xuất máy móc của Đức cho ngành thực phẩm và đồ uống, thì lúc đó họ “chỉ có một chiếc ô tô trong bãi đậu xe và nó là của Gerlach. Giờ đây, bãi đậu xe đầy ô tô".

Mặt trái của sự tăng trưởng là Thái Thương, giống như các thị trấn nhà máy trên khắp Trung Quốc, đang bị thiếu lao động. Người lao động có xu hướng nhảy việc thường xuyên trừ khi họ được tăng lương và các lợi ích khác.

Kern-Liebers đã thiết lập mức lương tối thiểu 5.000 nhân dân tệ, tương đương 775 USD cho lao động mới vào, tăng hơn 16 lần so với những năm 1990. “Vào thời điểm đó, chúng tôi chỉ trả 300 và mọi người đều rất hài lòng. Bây giờ chúng tôi trả 5.000 và họ vẫn không vui lắm”.

Các công ty Đức cho biết họ vẫn còn nhiều khả năng tăng trưởng ở Trung Quốc. Họ nói rằng chính phủ không nhắm vào họ, bởi vì họ sản xuất ở Trung Quốc và chủ yếu dùng người lao động Trung Quốc”.

Vanessa Hellwing, giám đốc tài chính của Chiron, nhà sản xuất máy công cụ phục vụ cho ngành sản xuất ô tô và ngành hàng không vũ trụ có nhà máy ở Thái Thương, cho biết sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch đã giúp bù đắp cho doanh số sụt giảm ở những nơi khác.

Bà Hellwing cho biết châu Âu vẫn là thị trường lớn nhất của Chiron, nhưng “thị trường tăng trưởng quan trọng nhất là Trung Quốc”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức đi vào vết xe đổ của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc