Gerri Von Frellick là một doanh nhân, ông đã xây dựng nhiều trung tâm mua sắm lớn ở nhiều nơi trên nước Mỹ. Một điều tôi học được từ Gerri là vấn đề nào cũng có cách giải quyết, dù cho nó lớn thế nào đi nữa.
Làm gì chuyện đó xảy ra được
Gerri kể cho tôi nghe câu chuyện này khi chúng tôi dùng bữa tối tại nhà ông. Nhà của Gerri ở Denver, bang Colorado. Ông đang làm việc tại văn phòng riêng thì nhận được một cuộc gọi. Một số bất động sản ở Colorado Springs mà ông muốn mua hiện đang được rao bán. Nếu trong vòng 2 giờ tới mà Gerri không đến đó, ông sẽ mất cơ hội mua được những bất động sản này. Thế là Gerri chộp lấy chìa khóa xe và chạy thẳng đến sân bay Denver.
Cần biết là vào những năm 1950, người ta chưa có nhiều thủ tục như bây giờ. Gerri đến sân bay khi chuyến bay đến Colorado Springs đã sắp khởi hành. Thời đó chưa có kiểm soát an ninh tại sân bay. Thật ra, các chốt kiểm soát an ninh sân bay đầu tiên tại Mỹ được dựng lên chỉ vài ngày sau đó.
Gerri chạy lên cầu thang ngay lúc cửa máy bay đang đóng lại. Đó không phải là máy bay phản lực hay máy bay cánh quạt cỡ lớn, mà là một chiếc DC3 nhỏ.
Trong Thế chiến 2, có một câu chuyện kể về máy bay DC3 thế này: “Nếu máy bay DC3 chẳng may bị bắn vỡ đôi thì một nửa thân máy bay vẫn có thể hạ cánh, và khoảng mười hay mười lăm phút sau đó, nửa còn lại cũng hạ cánh”.
Máy bay DC3 không dễ bị phá hủy. Lý do là hai động cơ của nó hoàn toàn tách biệt và không bộ phận nào phụ thuộc vào nhau. Hơn nữa, nếu một động cơ chết máy thì máy bay vẫn có thể hoạt động chỉ với động cơ còn lại.
Có ai từng nói với bạn những câu như “Làm sao chuyện đó xảy ra được”, “Điều đó không thể xảy ra”, hoặc “Trước giờ làm gì có chuyện như vậy” chưa?
Dù sao đi nữa, lúc này Gerri đã yên vị trên máy bay và nói rằng ông không có vé nhưng không muốn xuống máy bay. Phi hành đoàn sắp xếp cho Gerri mua vé ngay tại chỗ. Vài phút sau thì máy bay cất cánh.
Gerri giơ tay lên xem đồng hồ. Đó là một chuyến bay ngắn từ Denver đến Colorado Springs. Và sau đó, một chuyện được cho là bất khả thi và chưa từng xảy ra rốt cuộc đã xảy ra. Một trong hai động cơ của máy bay DC3 chết máy. Năm phút sau đó, động cơ còn lại cũng ngừng hoạt động. Đối với các loại máy bay khác, điều này đồng nghĩa với thảm họa, nhưng nhờ có sải cánh dài nên khi động cơ bị hỏng, máy bay DC3 đã trở thành một chiếc tàu lượn.
Vài phút sau, phi công đã điều khiển chiếc DC3 hạ cánh an toàn xuống một ruộng ngô. Trên thực tế, chiếc máy bay hạ cánh ngay sát một cao tốc nối liền Denver với Colorado Springs. Gerri bước ra khỏi máy bay, vẫy tay xin đi nhờ xe và cuối cùng cũng đến được văn phòng môi giới bất động sản vừa kịp lúc để thực hiện giao dịch mua bán nhà đất.
Không lâu sau lần suýt mất mạng đó, vợ Gerri nói: “Gerri à, sau chuyện này thì anh rút ra bài học đi nhé. Đừng bao giờ vội vã như vậy nữa”.
Gerri không ngờ rằng mấy hôm sau, chính câu nói đó đã cứu mạng ông. Vợ ông chở ông đến sân bay và đảm bảo ông đã mua vé rồi bà mới quay xe ra về, trong lòng yên tâm rằng Gerri sẽ bay từ Denver đến Los Angeles trên chiếc máy bay DC6.
Đừng vội vã như vậy nữa
Trong lúc ông đang chờ lên máy bay, một tiếp viên hàng không tập hợp các hành khách lại và thông báo: “Máy bay đang bị quá tải. Có vị nào tình nguyện nhường chỗ của mình cho người khác không? Hai tiếng nữa sẽ có một chuyến bay khác của một hãng hàng không khác, và chúng tôi sẽ sắp xếp cho quý vị một chỗ trên chuyến bay đó”.
Một giọng nói vang lên trong tâm trí Gerri: “Gerri à, sau chuyện này thì anh rút ra bài học đi nhé. Đừng vội vã như vậy nữa”.
Thế là Gerri đã làm một việc khác hẳn với bản tính thường ngày: ông đồng ý chờ hai giờ để bay chuyến tiếp theo. Vào thời đó, không hãng hàng không nào cam kết bạn sẽ nhận được chiếc vé thứ hai, chuyến bay miễn phí hay được cộng thưởng dặm bay; đó chỉ là cách nói lịch sự mà thôi.
Nhưng không ai ngờ rằng một kẻ điên đã đặt chất nổ trong một va li hành lý trên chiếc máy bay mà Gerri đã rời. Không lâu sau khi cất cánh, chiếc máy bay nổ tung trên vùng trời cách Denver không xa.
Điều đáng ngạc nhiên là Gerri không hề hay biết chuyện này và ông bắt chuyến bay tiếp theo để đến Los Angeles. Trong lúc đó, vợ ông nhận được điện thoại báo rằng máy bay của chồng bà đã gặp nạn và tất cả mọi người trên máy bay đều thiệt mạng. Thời đó, điện thoại di động và ti vi chưa phổ biến như bây giờ, vì thế Gerri vẫn không biết chuyện gì đã xảy ra.
Cùng lúc đó, Gerri đã đến Los Angeles an toàn. Ông về khách sạn và thay vì đọc báo, ông gọi điện chúc vợ ngủ ngon. Người ở đầu dây bên kia nhấc máy và Gerri nói: “Chào em yêu”.
Vợ ông hét lên: “Anh chết rồi mà! Anh chết rồi mà!”.
Gerri không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Một lúc sau, vợ của Gerri mới bình tĩnh lại và giải thích chiếc máy bay mà ông mua vé đã bị đánh bom. Nếu lúc đó Gerri không kiên nhẫn chờ 2 tiếng để bay chuyến khác, có lẽ bây giờ ông đã không còn sống và vợ của ông đã thành góa phụ.
Tôi thật sự rất chăm chú lắng nghe câu chuyện của vợ chồng Gerri. Tôi cũng là người vội vàng và hấp tấp.
Bây giờ Gerri đã từ tốn hơn rất nhiều, và tôi cũng vậy. Chúng ta luôn có một cơ hội để chờ đợi, nhường bước, từ bỏ và cho Đấng Toàn Năng một cơ hội để thực thi mọi việc theo cách của Ngài.
Vì vậy, tôi chỉ muốn chia sẻ một lời khuyên đơn giản: Đừng vội vã như vậy!
Theo cuốn Phúc cho ai không thấy mà tin.