Tính công kích và sự thống trị dẫn tới các hoạt động ngu xuẩn và xấu xa; ở đó không có bình an và hạnh phúc.
Tính công kích dù ở bất cứ dạng nào cũng chắc chắn dẫn tới xung đột, tới hung bạo, đau khổ. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong các mối quan hệ của mình và trong thế giới quanh ta.
M. N. cho biết rằng trong những mối quan hệ, suy nghĩ và hoạt động của mình, anh hay công kích, gần như hung hăng. Anh cố gắng kiềm chế, nhưng rồi nó lại xuất hiện không biết bao nhiêu lần dưới những hình thức khác nhau. Về mặt sinh học và ở những phương diện khác, có phải chuyện ưa gây hấn đó là bất thường đối với một người? Chẳng phải tranh đấu là thứ cố hữu trong con người sao?
Tính công kích và sự phục tùng là hai mặt của một đồng tiền
Sự thèm khát quyền lực, thèm khát thống trị gây ra xung đột và hỗn loạn, chiến tranh và đau khổ không kể xiết. Tương tự như ở mức độ cá nhân, thì mức độ nhóm, quốc gia cũng diễn ra như vậy. Tất cả điều này khá rõ ràng.
Chúng ta lờ mờ nhận ra nỗi đau khổ của sự thèm khát quyền lực này và cái giá mà mỗi người phải trả cho nó, nhưng dù vậy, chúng ta cứ tiếp tục công kích, thống trị, phục tùng, tìm kiếm quyền lực.
Có thể tính công kích, thói thống trị là thứ vốn có ở con người, nhưng nếu biết được những hậu quả khủng khiếp của nó, chẳng phải người ta cần từ bỏ nó, tái giáo dục bản thân để trở nên hòa nhã và đầy lòng trắc ẩn hay sao? Khi biết những thảm họa và tai ương mà nó gây ra, chẳng phải người ta nên truy tận gốc các nguyên nhân gây ra bạo lực, ác tâm và vô minh sao?
Tính công kích và sự thống trị dẫn tới các hoạt động ngu xuẩn và xấu xa; ở đó không có bình an và hạnh phúc mang tính sáng tạo.
Khao khát trở thành cái gì đó là mang tính công kích, và tự bản chất công kích có tính mù quáng, kém hiểu biết, đơn nguyên, dẫn tới đau khổ. Khao khát trở thành là đỉnh cao của sự điên rồ, và khi không nhận ra khao khát này trong tất cả các hình thức phức tạp của nó để có thể vượt qua, thì sự vô minh và phiền não sẽ diễn ra không ngừng.
Chẳng phải khao khát trở thành đã nuôi dưỡng sự xung đột, ác tâm, đố kỵ hay sao? Không phải công kích sẽ dẫn tới những hoạt động kém khôn ngoan hay sao? Vậy nên, những gì chúng ta xem là hành động tích cực lại là hành động ngu ngốc.
Không bớt đi tính công kích thì không có cách nào thoát khỏi nó, ngoại trừ thông qua sự hiểu biết phủ định. Điều mà chúng ta xem là suy nghĩ-cảm xúc tích cực, vượt trội, công kích sẽ dẫn tới tình trạng mất trật tự, hỗn loạn trong các mối quan hệ và các kiểu hoạt động của nó, và như vậy, cái gọi là suy nghĩ-cảm xúc tích cực này mang lại cho chúng ta bất hạnh và đau khổ.
Để có trái ngọt sau khi gieo hạt
Ngay bây giờ, cần nhận thức về sự công kích, về sự trở thành, trong tất cả các khía cạnh của nó. Hãy nhận thức về tiến trình của nó mà không mong muốn tìm kiếm những giải pháp thay thế hoặc vượt qua nó. Cần quan sát và xem xét một cách bình thản các tác động của nó trong cuộc sống hằng ngày. Và nếu bạn khôn ngoan theo dõi tất cả những hàm ý của việc trở thành, của sự thống trị – mà bạn không thể theo dõi được nếu thiếu nhận thức không chọn lựa – thì sự hiểu biết phủ định sẽ xuất hiện. Và sự hiểu biết phủ định ấy là đỉnh cao của tư duy.
Vậy, anh hỏi, không thể khắc phục tính công kích ngay lập tức phải không, tức là phải nghiên cứu và hóa giải nó từ từ, đúng vậy không? Nào, tại sao bạn hỏi câu hỏi đó? Ẩn ý đằng sau nó là gì? Có phải nó được thúc đẩy bởi khao khát muốn “tận hưởng” việc công kích và kéo dài “sự tận hưởng” đó, rồi cuối cùng mới từ bỏ? Chắc chắn vấn đề không phải là thời gian hay sự trì hoãn. Bởi vì nếu trúng độc nghiêm trọng, bạn sẽ không chần chừ tìm ngay liều thuốc giải độc. Một lần nữa, chính ý định sâu xa muốn nhận thức về tính công kích và những hệ quả của nó mới là thứ tối trọng, chứ không phải việc từ từ hóa giải nó.
Nếu bạn gieo hạt mầm nhận thức, tự nguyện hiểu ra sự cần thiết của nó, thì nó sẽ sinh ra trái ngọt. Điều này không có nghĩa là sau khi gieo hạt bạn có thể bỏ bê nó. Hạt giống của nhận thức phải thâm nhập vào nhiều tầng của ý thức, để toàn bộ bản thể hiểu được tầm quan trọng của việc trở thành, của sự thống trị, của khao khát quyền lực. Khi khao khát này được thấu hiểu sâu sắc thông qua tất cả các tầng của ý thức và nhờ đó mà vượt qua, lúc đó mới có sự bình an.
Theo Thế giới trong bạn – J. Krishnamurti