Là trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu, phải làm việc với cường độ cao nên khi phát hiện bị đau lưng bệnh nhân nghĩ do công việc nhưng sau đó tình trạng đau lan xuống vùng mông, mỗi khi ngồi xuống rất đau đớn, đặc biệt thường xuyên cáu gắt và khó chịu mà trước đó không hề có.
Ngày 17.8 thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho hay bệnh viện đang điều trị một trường hợp bị đau lưng nặng gây phát sinh chứng cáu gắt. Đó là trường hợp của chị Đoàn Thị X. (33 tuổi, ngụ ở TP.HCM) - trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu.
Theo người nhà của chị X. cách đây khoảng 6 tháng chị phát hiện mình bị đau lưng, sau đó lan xuống vùng mông, mỗi lần ngồi xuống rất đau đớn. Đặc biệt, trong những ngày gần đây chị thường xuyên cáu gắt.
TS.BS Nguyễn Minh Anh – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM sau khi tiếp nhận chị X. bệnh viện tiến hành điều trị nội khoa tích cực 6 – 8 tuần, kết hợp tập vật lý trị liệu nhưng việc đáp ứng giảm đau của bệnh nhân không được cải thiện.
Sau đó, các bác sĩ quyết định phương pháp điều trị tiếp theo là tiêm phong bế ngoài màng cứng để điều trị đau thần kinh tọa cho bệnh nhân.
“Hiện bệnh nhân chỉ mới trải qua 1 lần điều trị bằng phương pháp tiêm phong bế nhưng tình trạng đau lưng đã cải thiện đến 60- 70%. Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi để điều trị ”, bác sĩ Minh Anh cho biết.
Đối với bệnh đau lưng, bác sĩ Minh An cho rằng, phẫu thuật sẽ không hiệu quả. Phẫu thuật chỉ có hiệu quả trên những bệnh chèn ép thần kinh nặng, không đáp ứng với điều trị thuốc và vật lí trị liệu như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gãy xẹp đốt sống do loãng xương, u tủy...
Theo bác sĩ Minh Anh đau lưng là một cảm giác phiền toái phổ biến. Hầu hết mọi người sẽ trải qua đau lưng ít nhất một lần trong cuộc sống và có khoảng 10% dân số trên toàn cầu bị đau lưng. Đau lưng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần được coi là cấp tính, còn kéo dài trong 3 tháng hoặc lâu hơn được coi là mạn tính.
“Người bị đau lưng nặng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày như dễ bực mình, cáugắt, ngồi ăn cơm hay khuân vác đồ cũng thấy rất đau”, bác sĩ Minh Anh cho biết thêm.
Muốn hạn chế bệnh đau lưng, theo bác sĩ Minh Anh mỗi người nên thường xuyên tập thể dục, đi bộ, bơi lội, tư thế đứng và ngồi đúng, không hút thuốc lá, giảm cân.
Đặc biệt là lớn tuổi và nữ giới, cần hạn chế các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đau lưng như hút thuốc lá, béo phì, tránh các công việc thể chất vất vả, lo âu, trầm cảm.
“Hầu hết đau lưng từng bước cải thiện với điều trị tại nhà và tự chăm sóc. Tuy nhiên người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ khi có các biểu hiện bệnh như đau lưng không giảm hoặc cường độ cao, đặc biệt là vào ban đêm, khi nằm xuống hoặc khi đi lại; đau lưng lan xuống một hoặc cả hai chân, đặc biệt là nếu cơn đau kéo xuống dưới đầu gối; yếu, tê hoặc ngứa ran ở một chân hoặc cả hai; rối loạn tiêu tiểu; đau lưng kèm với sốt, sụt cân không giải thích được”, bác sĩ Nguyễn Minh Anh khuyến cáo.
Hồ Quang