Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh tim có nhóm máu hiếm chỉ phổ biến ở người châu Âu.

Dùng phương pháp đặc biệt cứu bệnh nhân có nhóm máu hiếm

Phong Phạm | 19/11/2020, 12:37

Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh tim có nhóm máu hiếm chỉ phổ biến ở người châu Âu.

Sáng 19.11 BSCK2 Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim vừa phẫu thuật thành công trường hợp bắc cầu mạch vành có sử dụng máy truyền máu hoàn hồi vì bệnh nhân có nhóm máu hiếm.

Bệnh nhân là ông Dương Văn M. (SN 1964, ngụ Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) nhập BVĐKTƯ sáng 20.10 trong tình trạng đau ngực trái nhiều. Kết quả chụp động mạch vành có cản quang cho thấy bệnh nhân bị hẹp thân chung, hẹp nặng 3 nhánh động mạch vành. Bệnh nhân thuộc nhóm máu hiếm O/Rhesus âm (O Bombay). Chẩn đoán xác định: cơn đau thắt ngực không ổn định, hẹp thân chung và hẹp nặng 3 nhánh mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2.

4.jpg
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân- Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhân và gia đình người bệnh không biết mình mang nhóm máu hiếm Rh (-). Gọi là máu hiếm vì trong 10.000 người mới có 4-7 người có cùng nhóm máu Rh (-) với người bệnh. Nhóm máu Rh (-) phổ biến ở người châu Âu, rất hiếm ở chủng tộc châu Á, nhất là nhóm máu O, Rh (-).

Qua hội chẩn các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cầu nối chủ - vành (4 cầu) không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể (Off pump CABG) với vật liệu làm cầu nối là toàn bộ động mạch. Trước nhu cầu cần có lượng máu hiếm Rh (-) để phẫu thuật, Khoa Huyết học truyền máu BVĐKTƯ Cần Thơ đã phối hợp Bệnh viện Huyết học truyền máu vận động ngân hàng máu sống và hiếm để cung cấp 2 đơn vị khối hồng cầu lắng, 2 khối huyết tương tương đông lạnh và 1 kít tiểu cầu 250ml gạn tách.

Ngày 11.11 ê-kíp phẫu thuật gồm Bs.CK2 Lâm Việt Triều - Phó khoa, phụ trách Khoa Phẫu thuật tim, ThsBS Nguyễn Công Cữu (Khoa Phẫu thuật tim), BSCK1 Nguyễn Văn Vĩnh - Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức với sự hỗ trợ của các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện phẫu thuật mạch vành Off-pump (4 cầu). Phẫu thuật thành công sau 6 giờ, có sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi bằng hệ thống máy Cell Saver. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô, dự kiến xuất viện trong ngày 20.11.

5.jpg
Khám lại cho bệnh nhân trước khi cho xuất viện- Ảnh: Phong Phạm

Theo BSCK2 Lâm Việt Triều: “Trong 1 ca mổ dù lớn hay nhỏ đều mất một lượng máu nhất định. Ngày nay nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng trong y học, nhiều loại dao mổ và phương pháp cầm máu hiện đại được áp dụng đã hạn chế rất nhiều nguy cơ mất máu trong mổ. Tuy nhiên với các ca mổ lớn, phức tạp, mất máu vẫn là nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh ngay trên bàn mổ.

Xu hướng hiện nay là hạn chế truyền máu và các sản phẩm máu, chỉ truyền máu khi thật cần thiết, tăng cường truyền máu tự thân, truyền máu hoàn hồi, pha loãng đẳng thể tích để tiết kiệm máu và tránh được các biến chứng do truyền máu. Đồng thời rút ngắn thời gian bù lượng máu mất, đặc biệt trong các trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp”.

Truyền máu tự thân hiện nay được chấp nhận rộng rãi, được xem như là lựa chọn đầu tiên khi quyết định truyền máu nếu có điều kiện. Máu tự thân là máu của chính bệnh nhân. Truyền máu tự thân nghĩa là bệnh nhân được truyền lại máu của chính họ. Truyền máu tự thân có nhiều ưu điểm là không có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, không có phản ứng do truyền máu, giảm áp lực cho ngân hàng máu…

Trong tình hình khan hiếm máu hiện nay, việc sử dụng máu của chính bệnh nhân mất đi trong phẫu thuật để truyền lại có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một số phẫu thuật tim mạch, nhất là trong bệnh lý động mạch chủ, lượng máu mất đi khá nhiều, cần được sử dụng lại cho bệnh nhân. Truyền máu hoàn hồi còn được áp dụng trong nhiều chuyên khoa khác: Sản khoa, Ngoại tổng quát, Chấn thương….

Sử dụng máy truyền máu hoàn hồi trong trường hợp này, giúp nhanh chóng xử lý lượng máu mất đi nhằm kịp thời truyền lại cho bệnh nhân. Máu sau khi xử lý có chất lượng tốt, loại bỏ các chất đệm hồng cầu, hemoglobin tự do trong huyết tương, các chất chống đông máu, các yếu tố đông máu, Kali ngoại bào.

Hiện tại rất ít bệnh viện có trang bị máy Cell Saver. Tại BVĐKTƯCT máy Cell Saver được trang bị là máy thế hệ mới nhất, sử dụng đơn giản, hoàn toàn tự động, thời gian xử lý máu nhanh. Với máy này chỉ mất 5 phút để có 1 đơn vị hồng cầu lắng với chất lượng cao, đáp ứng nhanh trong tình huống mất máu cấp và cần truyền bù máu với số lượng nhiều.

Theo ThsBS Nguyễn Thị Minh Thy - Trưởng Khoa Huyết học truyền máu BVĐKTƯCT: “Máu và chế phẩm máu là loại thuốc quý, đặc biệt cứu người mà cho đến nay chưa có dược phẩm nào thay thế hoàn toàn chức năng của nó, vì vậy nguồn máu để cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân vẫn từ nguồn người hiến máu. Máu và chế phẩm máu càng quý và đặc biệt hơn khi đó là nhóm máu hiếm. Do đó cơ sở y tế luôn xây dựng, cập nhật bổ sung danh sách ngân hàng máu sống và hiếm”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng phương pháp đặc biệt cứu bệnh nhân có nhóm máu hiếm