Brexit - Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng người di cư chạy trốn bom đạn và khó khăn kinh tế tràn vào châu Âu khiến châu Âu phải dốc toàn lực đối phó.

Đứng trước biến động & bất định 2017

23/01/2017, 12:20

Brexit - Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), cuộc khủng hoảng người di cư chạy trốn bom đạn và khó khăn kinh tế tràn vào châu Âu khiến châu Âu phải dốc toàn lực đối phó.

Bọn khủng bố dùng xe tải đâm vào đám đông đang tụ họp vui vẻ trong đêm quốc khánh 14.7 ở thành phố nghỉ mát nổi tiếng Nice của Pháp khiến hơn 80 người thiệt mạng và cả trăm người bị thương. Ngay trong những ngày cuối năm, 19.12, bọn khủng bố thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) lại dùng xe tải tấn công một khu chợ Noel ở Đức khiến 12 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Và khép lại một năm 2016 đầy biến động để mở ra một tương lai khó đoán định, nếu không nói là bất định, là việc các đại cử tri Mỹ bầu cho Donald Trump - một nhân vật gây nhiều tranh cãi với những tuyên bố và hành động đầy bất ngờ ngay từ khi bước vào cuộc đua cho đến khi trở thành Tổng thống Mỹ.

Bước vào năm 2017, thế giới bước vào một tương lai chưa rõ đường nét, hình hài, xu hướng. Toàn cầu hóa chững lại với việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền Obama đã đeo đuổi nhưng không thể hoàn thành, và Việt Nam là một bên tham gia ký kết với hy vọng đưa nền kinh tế nước nhà hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu. Bóng ma của một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang lấp ló ở chân trời. Lò lửa Trung Đông với cuộc chiến Syria vẫn chưa lụi tàn khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn chưa bị tiêu diệt. Trên Biển Đông, Trung Quốc đang đi những bước đi hung hăng hơn bao giờ hết với việc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của dư luận, cũng như tìm cách dụ dỗ Campuchia, Philippines, Malaysia và chia rẽ ASEAN. Thế giới như đang nín thở chờ đợi những bất trắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh đầy biến động và bất định đó của nền chính trị và kinh tế toàn cầu, nền kinh tế nước ta lại đang đối mặt với những khó khăn cực kỳ lớn và đứng trước yêu cầu cải cách cực kỳ cấp bách.

Di sản kinh tế giai đoạn trước để lại là một nền kinh tế với nợ công tăng nhanh và tăng cao sát ngưỡng (hoặc vượt ngưỡng theo một số tính toán khác), là khối nợ xấu khổng lồ đến nay vẫn chưa xử lý xong, là ngân sách căng thẳng vì bội chi cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, nhiều dự án ngàn tỉ đầu tư bằng tiền ngân sách phải đắp chiếu hoặc triền miên thua lỗ, khu vực kinh tế tư nhân bị chèn ép, khó khăn, chưa phát huy được sự đóng góp năng động và hiệu quả cho nền kinh tế chung của đất nước. Tình trạng các nhóm lợi ích thao túng chính sách, lũng đoạn tổ chức bộ máy (như các trường hợp bổ nhiệm cán bộ là “hậu duệ”, người thân, người nhà, người thuộc phe nhóm), thao túng tài nguyên công qua các dự án... gây nhiều bức xúc trong người dân.

Bên cạnh đó, thiên tai và “nhân tai” dồn dập như khô hạn ở Tây Nguyên, khô hạn và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ nhiều đợt ở miền Trung, ô nhiễm môi trường gây hậu quả nặng nề và lâu dài do Formosa gây ra... cũng giáng những đòn mạnh vào nền kinh tế và đời sống người dân năm qua. Nền nông nghiệp vốn vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam cho đến hiện nay dường như đã phát triển hết mức, tới hạn và đang đứng trước yêu cầu phải tái cơ cấu mạnh mẽ nếu muốn duy trì được năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tất cả cho thấy nền kinh tế và cả thể chế đang đứng trước yêu cầu phải cải cách mạnh mẽ, quyết đoán, không chậm trễ, để trở nên hiệu quả hơn, nếu không sẽ rất khó đối phó với những biến động và bất định của môi trường chính trị và kinh tế thế giới.

Chính phủ nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhận ra yêu cầu trên khi ông khẳng định hôm 3.12.2016 tại Đại hội toàn quốc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): “Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế "xin-cho", "duyệt-cấp", lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi... Cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, DNNVV mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công. Môi trường kinh doanh bình đẳng không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn cần bình đẳng ngay trong mỗi khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân .

Xây dựng môi trường liêm chính. Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm. Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực. Đây là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ máy hành chính Nhà nước quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần: Cộng đồng và từng doanh nhân, doanh nghiệp và người dân là đối tượng được phục vụ, được thụ hưởng những thành tựu, kết quả do công cuộc đổi mới, cải cách mang lại”. Chính Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân "hãy nói KHÔNG với tiêu cực", thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Cùng với hứa hẹn một chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động, cùng với việc đặt trọng tâm vào cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, tín hiệu cũng đã được bắn đi từ các lãnh đạo cấp cao về việc gỡ bỏ hạn điền trong nông nghiệp, một trở ngại chính yếu đối với việc tái cơ cấu nông nghiệp nhằm tạo dựng một nền nông nghiệp hiệu quả và chất lượng hơn. “Thể chế do chúng ta nghĩ ra mà chúng ta lại sợ nó. Bãi bỏ (là) vì dân, vì sự phát triển của nông nghiệp nông thôn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Như vậy, bước vào năm 2017, đứng trước biến động và bất định của tình hình chính trị và kinh tế thế giới, chính phủ - bằng những tuyên bố, cam kết và hành động của mình - đang nỗ lực lấy lại niềm tin của người dân. Và đó chính là một bửu bối nhằm vượt qua sóng gió và thách thức.

Đoàn Khắc Xuyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đứng trước biến động & bất định 2017