Nhiều nhà vận động và chuyên gia kêu gọi cấm vũ khí tự hành hoàn toàn, vì sử dụng chúng trong chiến tranh là vi phạm luật pháp quốc tế.

Dùng vũ khí tự hành trong chiến tranh là vi phạm luật pháp quốc tế

Cẩm Bình | 22/08/2018, 12:10

Nhiều nhà vận động và chuyên gia kêu gọi cấm vũ khí tự hành hoàn toàn, vì sử dụng chúng trong chiến tranh là vi phạm luật pháp quốc tế.

Với sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều nước, vũ khí có trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai sẽ có thể chiến đấu mà không cần con người điều khiển.

Tuy nhiên, 26 quốc gia (với Úc, Bỉ, Trung Quốc tham gia gần đây) cùng hàng nghìn nhà khoa học, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và hơn 20 cá nhân đoạt giải Nobel hòa bình đã lên tiếng ủng hộ việc nghiêm cấm vũ khí tự hành hoàn toàn.

Trong báo cáo mới của mình, liên minh các tổ chức phi chính phủ Campaign to Ban Killer Robots khẳng định vũ khí tự hành hoàn toàn vi phạm Điều khoản Martens (Martens Clause), một bộ phận quan trọng của luật pháp nhân đạo quốc tế.

Điều khoản Martens đòi hỏi công nghệ mới xuất hiện phải được đánh giá bởi “nguyên tắc nhân đạo” và “hệ thống lương tâm công cộng” khi chúng chưa được nhắc đến trong bất cứ điều khoản nào khác.

“Cho phép phát triển, sử dụng vũ khí tự hành sẽ làm xói mòn những chuẩn mực đạo đức cũng như pháp lý. Các quốc gia nên cùng nhau nghiêm cấm trước khi chúng lan tràn trên khắp thế giới”, theo nhà nghiên cứu cấp cao Bonnie Docherty thuộc tổ chức Giám sát nhân quyền (Human Rights Watch), người điều phối hoạt động của Campaign to Ban Killer Robots.

Nhà nghiên cứu Docherty nhấn mạnh: “Tiếng nói phản đối của nhiều nhà khoa học, lãnh đạo tôn giáo, doanh nghiệp công nghệ, nhóm phi chính phủ và người dân thường cho thấy vũ khí tự hành vượt quá giới hạn đạo đức. Lo ngại của họ cần được lập tức phản hồi”.

Hơn 70 chính phủ ngày 27.8 tới sẽ gặp nhau lần thứ 6 để bàn về thách thức mà vũ khí tự hành hoàn toàn mang lại. Các cuộc thảo luận được tổ chức theo khuôn khổ một hiệp ước giải trừ quân sự năm 2017, nhưng những quốc gia tham gia vẫn chưa đặt ra được một mục tiêu cụ thể.

Trong lần gặp trước, hầu hết đều nhất trí vũ khí vẫn cần phải có sự điều khiển của con người. Nhiều nhà vận động cảm thấy thất vọng với tốc độ tiến triển của thảo luận.

Chuyên gia về người máy Noel Sharkey, phát ngôn viên Campaign to Ban Killer Robots, cho biết: “Ý tưởng giao phó quyền quyết định sống chết cho một cỗ máy lạnh lẽo khiến tôi sợ hãi. Chúng tôi mong có nhiều quốc gia châu Âu đứng lên kêu gọi đưa việc đàm phán vào nội dung thảo luận năm sau. Ngày càng nhiều người đồng tình rằng vũ khí phải được con người kiểm soát”.

Vũ khí tự hành hoàn toàn vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp lý? - Ảnh: Getty Images

Vũ khí tự hành hoàn toàn hiện vẫn chưa tồn tại, nhưng không ít quan chức quân đội cấp cao của nhiều nước đã lên tiếng khẳng định chúng sẽ trở nên phổ biến.

Ít nhất 381 vũ khí tự hành một phần cũng như hệ thống người máy quân sự đã được triển khai hoặc đang trong quá trình phát triển ở 12 quốc gia, trong đó có Pháp, Israel, Nga, Anh, Mỹ. Có thông tin Nga, với một vài nước trong đó có Mỹ, phản đối việc cấm loại vũ khí này, nên đangtìm cách ngăn chặn đàm phán.

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường IDC (International Data Corp), chi tiêu toàn cầu cho ngành khoa học người máy sẽ tăng từ 91,5 tỉUSD năm 2016 lên 188 tỉUSD vào năm 2020, khiến vũ khí tự hành hoàn toàn sẽ sớm xuất hiện trong thực tế.

Cẩm Bình (theo The Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng vũ khí tự hành trong chiến tranh là vi phạm luật pháp quốc tế