Xã hội ngày càng phát triển, thì lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải phát triển hiện đại, chứ không thể vận hành như trước đây được nữa.

Được mùa rớt giá, nông dân đâu muốn ngồi chờ giải cứu

Trương Chí Hùng | 21/03/2021, 07:34

Xã hội ngày càng phát triển, thì lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải phát triển hiện đại, chứ không thể vận hành như trước đây được nữa.

Sáng hôm qua đi chợ, thấy nhiều chỗ người ta đổ xoài bán thành từng đống, tràn từ trong sạp ra tới mặt đường lộ. Hỏi thử giá cả thế nào, chị bán hàng nói xoài loại 1 giá 10.000 đồng, loại 2 giá 8.000 đồng và loại 3 giá 5.000 đồng/kg. Tôi ngạc nhiên khi thấy giá xoài thấp quá, không bằng phân nửa giá bán vào thời điểm này năm trước. Tôi nhẩm tính rồi nói với chị bán hàng, kiểu này chắc thương lái mua xoài ở vườn mỗi ký chừng 2.000-3.000 đồng/kg là cùng, người trồng xoài năm nay chắc lỗ nặng. Chị bán xoài nói thì cũng cỡ giá đó, nhưng đành chịu chớ sao, vì năm nay xoài nhiều quá, bán không xuể.

20210101_142508.jpg
Nông dân phải bán đổ bán tháo, vì giá xoài quá thấp - Ảnh: Tô Văn

Xế chiều, tôi xách xe chạy qua cù lao Giêng (H.Chợ Mới, An Giang), nơi được xem là thủ phủ xoài của miền Tây để coi tình hình thế nào. Mấy ông chủ vườn mặt mày buồn xo, nói năm nay lỗ đứt đường rồi. Hiện tại, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 3.000 đồng/kg, xoài hạt lép thì giá 7.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc giá 10.000 đồng/kg... Với giá này, bà con không thể nào lấy lại đủ tiền phân, tiền thuốc cũng như chi phí chăm sóc khu vườn mấy tháng trời. Mặc dù phải bán đổ bán tháo, nhưng bà con cũng không còn cách nào khác, vì nếu không bán thì lỗ còn nặng hơn.

Nhiều chủ vườn chua chát than, mấy năm trước thấy người ta trồng xoài lời nhiều quá, nên đành đốn bỏ mấy công ổi, mấy công mít để trồng xoài theo. Đầu mùa thấy xoài ra bông và đậu trái nhiều, dự kiến nếu giá cả như năm ngoái thì lời ít nhất cũng hai, ba trăm triệu đồng như chơi. Ai ngờ, khi xoài sắp đến mùa thu hoạch thì rớt giá đến thảm hại, chắc chuyến này cả nhà đi Bình Dương.

Có chú chủ vườn kêu tôi đợi một chút, chú bẻ cho vài trái xoài về ăn lấy thảo. Tôi nói, để cháu mua ủng hộ chú, chớ mùa màng lỗ lã thế này rồi cháu không dám nhận đâu. Chú nói, có bao nhiêu đâu mà khách sáo, cứ thoải mái nhận đi, dân miệt vườn mà. Rồi chú ra vườn hái xoài, lát sau vác vô một bao gần ba chục ký. Chú nói, cứ chở về, ăn không hết thì chia cho bà con trong xóm cùng ăn. Tôi cũng không biết từ chối như thế nào, nên đành cảm ơn chú rồi từ biệt ra về, lòng nặng trĩu bao nỗi niềm khó tả.

Dọc đường, tôi thấy nhiều hộ dân để mấy rổ xoài trước cửa nhà để bán. Có xoài sống, có xoài chín. Có xoài thanh ca, có xoài cát Hòa Lộc, cát Chu, Đài Loan. Tôi đoán chắc đây là xoài người dân trồng để gia đình ăn, nhưng ăn không hết nên đem ra bán được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Có điều, tôi thấy xoài bán thì nhiều mà chẳng thấy ai ghé mua. Bao xoài ông chú cho, tôi đem chia cho mấy nhà hàng xóm, có nhà nhận có nhà không nhận. Chẳng phải họ chê, mà vì nhà họ còn một mớ xoài chưa ăn hết.

Đây không phải lần đầu tôi chứng kiến cảnh nông sản hay hoa trái của bà con ế ẩm, phải bán đổ bán tháo như xoài năm nay. Điển hình như ở quê tôi, dân làm rẫy hễ thấy ai trồng được giống cây gì đem lại năng suất cao, bán được giá, là y như rằng mùa sau gần như cả xóm trồng theo cây đó. Ví như có một hộ trồng vài công gừng lời được trăm triệu, thì cả cánh đồng mùa sau chỉ thấy toàn gừng là gừng. Ai trồng được một công ớt lời vài chục triệu thì mùa sau cả xóm nhất định sẽ trồng ớt theo.

Chính vì vậy mà dù có cho năng suất cao, số nông sản của bà con vẫn bị thương lái tìm cách hạ giá thành xuống thấp, thậm chí không thèm mua. Người dân đành chấp nhận lỗ vốn, cứ bán được mớ nào thì bán. Có người bỏ luôn ruộng rẫy không thèm thu hoạch, vì tiền mướn nhân công thu hoạch còn mắc hơn tiền bán được nông sản. Vậy mà năm này sang năm khác, cái điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại hoài. Nghĩa là bà con cứ thấy ai làm được cái gì thì ồ ạt làm theo, rồi dẫn đến “quá tải”, ùn ứ nông sản, rớt giá rồi lỗ vốn.

Nhiều lần, chúng ta lại thấy cộng đồng kêu gọi “giải cứu” nông sản cho bà con. Lúc thì “giải cứu” thanh long, lúc thì “giải cứu” dưa hấu, khi thì “giải cứu” sầu riêng, bắp cải... Ở một khía cạnh nào đó, những hành động “giải cứu” nông sản thể hiện được tinh thần nhân văn của cộng đồng. Không ít người sẵn sàng chung tay sẻ chia những tổn thất, những mất mát của bà con nông dân trong tình huống “được mùa mất giá” hoặc sản phẩm thu hoạch rồi mà không tiêu thụ được. Thế nhưng, đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề một cách căn bản.

Phải chăng các cơ quan ban ngành cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để hỗ trợ người nông dân. Trong đó, phải chú trọng đến vấn đề liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế với người dân trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Chúng ta cần đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở doanh nghiệp “đặt hàng” và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Ngoài ra, Nhà nước cần phát triển hệ thống thông tin đến với người nông dân, góp phần định hướng người nông dân sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ.

Xã hội ngày càng phát triển, thì lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải phát triển hiện đại, chứ không thể vận hành như trước đây được nữa. Mỗi người nông dân cũng cần chủ động nắm bắt xu thế của thị trường, để từ đó tìm hướng đi riêng cho mảnh ruộng mảnh vườn của chính mình. Đã đến lúc người nông dân phải phát huy tính chủ động sáng tạo trong từng mùa vụ, chớ không thể mãi tư duy theo lối “ăn theo, làm theo” như trước đây. Không thể cứ trông chờ cộng đồng xã hội ra tay “giải cứu”, mà người nông dân phải tự tìm cách để “giải cứu” chính mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Được mùa rớt giá, nông dân đâu muốn ngồi chờ giải cứu