Thời điểm mua siêu xe Roll Royce Phantom mang biển số "thất trùng thất" được cho là may mắn, lại là thời điểm khởi nguồn của khoản nợ vàng khổng lồ sau này của bà Dương Thị Bạch Diệp.

Dương Bạch Diệp và cuộc đời nữ đại gia từng đương đầu chốn lao tù

26/01/2019, 11:38

Thời điểm mua siêu xe Roll Royce Phantom mang biển số "thất trùng thất" được cho là may mắn, lại là thời điểm khởi nguồn của khoản nợ vàng khổng lồ sau này của bà Dương Thị Bạch Diệp.

Hình ảnh bà Dương Thị Bạch Diệp nhiều năm trước và chiếc siêu xe từng gây tiếng vang của mình

Như Một Thế Giới đưa tin, C03 đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP.HCM và các cơ quan có liên quan.

Theo đó, bà Dương Thị Bạch Diệp (Dương Bạch Diệp) - Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ với Công ty Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước.

Nguồn tin từ VNN cho hay một số bị can trong vụ án khi còn đương chức đã có dấu hiệu tư lợi, có sự ưu ái cho nữ đại gia này sử dụng đất vàng công sản.

Ở giai đoạn kinh doanh "đỉnh cao", từng có một số đơn thư tố cáo bà Diệp có hành vi lừa đảo liên quan đến đất đai tại trung tâm TP.HCM nhưng sau đó các sự việc này đều... im bặt.

Gần chục năm trở lại đây ít ai còn nghe thấy tên tuổi của bà Diệp, phần vì tuổi tác khiến bà phải rút dần các hoạt động kinh doanh và phần vì mảng bất động sản mà bà gầy dựng, vốn chủ yếu khai thác từ đất vàng công sản, đã không còn "ăn nên làm ra".

"Thất trùng thất" không đem lại may mắn

Bà Dương Bạch Diệp được cho là sinh năm 1948, quê gốc ở Quy Nhơn, Bình Định nhưng sinh ra, lớn lên, học hành và lập gia đình, làm việc tại Hải Phòng, do là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Sau năm 1975, bà vào Nam lập nghiệp và rồi dần trở thành nữ đại gia bất động sản, sở hữu nhiều khu đất vàng ngay trung tâm TP.HCM.

Bà từng đại diện pháp luật cho 4 công ty về bất động sản, nay chỉ 2/4 là còn hoạt động gồm: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (đường Hai Bà Trưng, P.6, Q.3) và Công ty TNHH Nam Nam Phương (đường Lê Văn Hưu, P.Bến Nghé, Q.1). Công ty Diệp Bạch Dương có vốn điều lệ hơn 905,6 tỉ đồng. Trong đó bà Diệp chiếm 57,54% vốn, phần còn lại 42,46% là của bà Nguyễn Thị Châu Hà, con gái bà Diệp.

Nữ đại gia này còn rất nổi danh với việc sở hữu siêu xe Rolls Royce Phantom mang biển số được cho là đặc biệt "thất trùng thất" 77L - 7777, trị giá 2,3 triệu USD vào năm 2008. Bà Diệp nói biển số đó "đổi" bằng 2 sân tenis để "các anh em" có nơi tập luyện thể thao.

Cách đây khoảng 5-6 năm, khi rộ lên tin đồn vỡ nợ, bị khởi tố, bà Diệp vẫn tỏ ra bình thản và nói với báo chí rằng mức nợ nần so với khối tài sản bà đang sở hữu chỉ là con số nhỏ. Còn siêu xe do không mang lại may mắn nên bà đem bán để làm từ thiện.

Tuy nhiên, tờ NDH cho rằng thời điểm mua Roll Royce Phantom "thất trùng thất" lại là thời điểm khởi nguồn của khoản nợ vàng khổng lồ sau này của bà Diệp.

Một thời gian lúc đã vào Nam lập nghiệp, bà Diệp công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang. Khi đất nước mới độc lập, kinh tế còn khó khăn, bà Diệp là một trong những cán bộ đấu tranh tránh nạn ăn cắp xăng dầu. Có thời điểm bị đối tượng xấu thuê người giết hại nhưng bà đã thoát chết.

Năm 1994, bà Diệp từng bị tạm giam 6 tháng vì liên quan đến hợp đồng mua bán nhà số 37 Nguyễn Thị Diệu, bị lừa hàng trăm lượng vàng. Tuy nhiên đến tháng 5.1995 bà được trả tự do vì không tìm ra bằng chứng phạm tội, tờ NDH cho biết.

Sau thời gian đó, bà xin nghỉ theo chế độ chính sách và bắt đầu kinh doanh bất động sản. Bà có căn hộ chung cư ở phường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM). Khi ngược xuôi qua các con đường trung tâm thành phố, bà kể mình đã có suy nghĩ nếu các căn nhà cũ kỹ được sửa sang lại thì bán đi sẽ sinh lợi rất nhiều.

Sau đó, việc mua đi bán lại bất động sản giá rẻ từ thời kỳ đầu mở cửa TP.HCM đã mang lại cho bà khối tài sản kếch xù. Một số bất động sản nổi bật là dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique); dự án khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp (tổng diện tích 3.100 m2) tại số 179 Bis Hai Bà Trưng (Q.3); 7 mặt bằng tại số 31 Lê Duẩn (Q.1)...

Trong số trên có những dự án tồn tại trên giấy và có những dự án bị Nhà nước thu hồi. Như dự án 179 Bis Hai Bà Trưng được công bố năm 2009 và vốn đầu tư ban đầu hơn 2.600 tỉ đồng nhưng đã bất động trong nhiều năm qua và đã được rao bán với giá gần 2,3 ngàn tỉ đồng. Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique cũng được rao bán với giá 900 tỉ đồng, sau chuyển sang chủ mới...

Trong danh sách nợ thuế cuối 2018, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương của bà Dương Thị Bạch Diệp còn nợ Cục thuế TP.HCM tới 35,5 tỉ đồng.

Khoản nợ khủng" chưa bao giờ trả đúng hạn

Một yếu tố đáng lưu ý là rắc rối lớn nhất đã xảy ra với công ty của bà Diệp sau khi vay Agribank chi nhánh TP.HCM đến... 67.000 lượng vàng.

Vẫn theo NDH, năm 2017, Văn Phòng Chính phủ nhận được đơn kiến nghị của Công ty Diệp Bạch Dương về việc vay vốn và trả nợ Agribank.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, công ty của bà Bạch Diệp đã vay tổng cộng 81.000 lượng vàng tại Agribank chi nhánh TP.HCM.

Lần đầu tiên vào 28.10.2008, bà Diệp vay 14.000 lượng vàng SJC để mua nhà 57 Cao Thắng, quận 3. Hạn trả nợ 31.10.2009. Công ty không có khả năng trả nợ đúng hạn nên có đơn đề nghị và được Agribank chi nhánh TP.HCM đồng ý cho gia hạn nợ đến 30.10.2010. Tuy nhiên đến ngày 30.1.2011, công ty mới trả nợ xong khoản vay, quá hạn 3 tháng.

Lần thứ hai, Diệp Bạch Dương vay 67.000 lượng vàng SJC gồm 3 hợp đồng tín dụng và cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.

Theo Agribank TP.HCM, tổng số tiền công ty trả nợ từ khi vay đến thời điểm trước chuyển đổi dư nợ sang VND là: 60.270 chỉ vàng, gồm: trả nợ gốc 3.580 chỉ vàng, nợ lãi: 56.690 chỉ vàng. Toàn bộ dư nợ gốc còn lại 66.642 lượng vàng được chuyển đổi sang VND là 2.928 tỉ đồng.

Sau khi chuyển đổi đến nay công ty chỉ trả được 15,9 tỉ đồng nợ gốc và 0,8 triệu đồng nợ lãi. Toàn bộ dư nợ của công ty hiện nay đã quá hạn thanh toán, nên khoản vay bị chuyển nợ xấu là đúng theo quy định hiện hành. Dư nợ gốc và lãi của công ty tại Agribank chi nhánh TP.HCM đến 30.4.2017: nợ gốc 2.912,8 tỉ đồng, nợ lãi 1.848 tỉ đồng.

Diệp Bạch Dương cho rằng, "phải vay Agribank với lãi suất vay vàng gấp 3 lần lãi suất vay vàng của Nhà nước quy định cùng thời điểm và kể từ khi quan hệ tín dụng với Agribank, công ty bị cấm vận toàn bộ tín dụng với toàn bộ hệ thống ngân hàng gần 8 năm".

Còn theo Agribank, lãi suất cho vay trên cơ sở đồng thuận của hai bên, với lãi suất 7,8%/năm. Lãi suất được điều chỉnh 6 tháng/lần theo lãi suất cho vay vàng tại thời điểm điều chỉnh. Để hỗ trợ khách hàng, căn cứ đơn đề nghị điều chỉnh lãi suất của Công ty, Agribank chi nhánh TP.HCM đã chấp thuận lãi suất theo đề nghị của công ty là 6%/năm (thông báo điều chỉnh lãi suất số 374/NHNoTPHCM-TD ngày 1.7.2010).

Trong thực tế, từ thời điểm vay đến nay công ty chỉ mới trả được lãi vay đến ngày 5.1.2010. Thời gian chưa trả lãi tính đến ngày 30.4.2017 đã lên đến 7 năm 4 tháng, số nợ lãi còn tồn đọng công ty chưa trả tính đến năm 2017 là 91.345,44 chỉ vàng và 1.514 tỉ đồng, tổng cộng tương đương 1.848 tỉ đồng.

Agribank cho rằng Diệp Bạch Dương nhiều lần không hợp tác bán đấu giá tài sản là không thực hiện đúng nội dung đã ký kết trong Hợp đồng thế chấp...

Bà Diệp tại cơ quan điều tra - Ảnh từ Bộ Công an

A.Thư tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dương Bạch Diệp và cuộc đời nữ đại gia từng đương đầu chốn lao tù