Đường Thái Lan tràn vào Việt Nam, giá rẻ hơn nhiều so với sản xuất trong nước. Ngành mía đường nội nếu không tỉnh táo đối phó, đến năm 2018, thị trường này đứng trước nguy cơ rơi vào tay người Thái.

Đường Việt Nam thua đứt Thái Lan, lo Lào, Campuchia vượt mặt

Một Thế Giới | 24/05/2015, 08:21

Đường Thái Lan tràn vào Việt Nam, giá rẻ hơn nhiều so với sản xuất trong nước. Ngành mía đường nội nếu không tỉnh táo đối phó, đến năm 2018, thị trường này đứng trước nguy cơ rơi vào tay người Thái.

Đường lậu lũng đoạn thị trường
Một số doanh nghiệp mía đường Việt Nam cho biết, đường Thái Lan đang xâm chiếm thị trường Việt Nam trên nhiều mặt trận: chính ngạch, tiểu ngạch, thậm chí họ đang lên kế hoạch xây dựng và mua lại kênh phân phối.
Thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho thấy, mỗi năm có khoảng nửa tỷ tấn đường thẩm lậu vào Việt Nam, chủ yếu từ Thái Lan. Đường Thái tuồn vào nội địa sẽ được tập kết tại các kho chứa lớn của các đầu nậu. Sau đó, các đầu nậu sẽ đổi sang bao tải chứa đường mang thương hiệu trong nước, hoặc kẹp nhãn hiệu cơ sở đóng gói vào rồi tung ra thị trường.
Ngoài ra, đường Thái Lan nhập lậu còn để làm nguyên liệu sản xuất sữa, bánh kẹo,... thậm chí để xuất khẩu.
Lãnh đạo một doanh nghiệp mía đường phía Nam bật mí, hiện nay, buôn lậu đường đang diễn ra phổ biến bởi giá đường sản xuất trong nước đắt hơn 1.000 đồng so với đường Thái và các nước lân cận. Cụ thể, giá đường cát trắng khoảng 720.000 đồng/50kg, trong khi đường lậu chỉ 490.000 đồng/50kg. Chính vì vậy, có hiện tượng doanh nghiệp đường Việt Nam, vì hám lợi, đã nhập đường lậu rồi đóng gói, bán ra thị trường.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) còn so sánh, ở Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến là 30-35 USD/tấn, giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá mía đưa vào chế biến từ 800.000-1.000.000 đồng/tấn (40-45 USD), giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường là 8.000-10.000 đồng/kg.
Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho mía nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Vì vậy, đường Việt Nam không có cửa cạnh tranh với đường Thái do hàng loạt yếu kém về giống, công nghệ, thị trường tiêu thụ, chất lượng,...
VSSA dự báo với tình hình này, đường nhập lậu từ Thái Lan sẽ làm lũng đoạn thị trường đường và có thể khiến ngành sản xuất mía đường Việt Nam phá sản, ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân trồng mía, gây thất thu cho Nhà nước.
Giá đường Thái Lan sẽ chẳng hề rẻ
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho rằng, nếu không có quy hoạch và tính toán cụ thể, đến năm 2018, thị trường đường Việt Nam sẽ rơi vào tay người Thái.
Theo ông Dương, hiện Thái Lan không chỉ có lợi thế so với Việt Nam về chi phí sản xuất mà còn nắm cả kênh phân phối đường ngay tại Việt Nam. Một số nhà phối lớn nhất trên thị trường như Hương Thủy, Phú Thái,... đã bị doanh nghiệp Nhật Bản và Thái Lan sở hữu, mua kênh phân phối.
“Trong tương lai, đường Thái ồ ạt vào Việt Nam. Một khi người Thái đã nắm được kênh phân phối thì dân Việt đừng mơ được dùng đường giá rẻ như hiện nay”, ông Dương khuyến cáo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh, cũng nhận định, ngành mía đường Việt Nam không thể cạnh tranh nổi vì giá quá cao. Ngoài Thái Lan, chúng ta cũng phải đối phó với những đối thủ khác là Lào và Campuchia.
Nhìn ở khía cạnh hội nhập, bà Phạm Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, từ năm 2018, Việt Nam phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN (Lào về 2,5%, Thái Lan về 5%). Khi thực hiện cam kết này, việc nhập khẩu đường của Việt Nam từ các nước trong khu vực sẽ không bị hạn chế về số lượng. Khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5%.
“Trong khi, các doanh nghiệp nhập khẩu đường của Việt Nam gần như phụ thuộc vào nguồn cung đường Thái Lan”, bà Hà nói.
Trước nguy cơ đường Thái Lan xâm chiếm thị trường Việt, Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát nhận xét, ngành mía đường Việt Nam vẫn chưa thoát được "chiếc áo bảo hộ”. Thuế nhập khẩu đường đang là 20-40% nếu nhập dưới 81.000 tấn, trên 81.000 tấn thì thuế suất là 80-85%, nhờ đó giá đường trong nước khá cao. 
Tuy nhiên, khi hàng rào bảo hộ dần được gỡ bỏ, ngành đường Việt Nam muốn phát triển phải lấy đường Thái Lan ra làm định lượng so sánh cả về chất lượng và giá cả. Từ đó, suy xét xem nên co lại sản xuất hay mở rộng, nếu mở rộng thì phải nâng cao cạnh tranh trước những ưu thế của đường Thái Lan, có như vậy mới hi vọng ngành mía đường phát triển bền vững.
“Không còn thời gian chần chừ, phải tìm ngay ra điểm mấu chốt để từ đó thay đổi vận mệnh ngành mía đường trong vòng 3 năm tới” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Theo Viet Nam Net
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường Việt Nam thua đứt Thái Lan, lo Lào, Campuchia vượt mặt