Theo một công trình nghiên cứu mới, công bố trên tạp chí khoa học Evolution trong quá trình tiến hóa một số loài ếch thường biết ca “những bài gợi tình” ở dải siêu âm để thu hút bạn tình giao phối bên những dòng sông, suối chảy nhanh và róc rách.
Nhà sinh học Sandra Goutte và các cộng sự đã nghiên cứu các tín hiệu giao phối của một số loài ếch ở Kalimantan, các đảo khác ở Indonesia, Campuchia và Trung Quốc. Tất cả các loài đó đều sống bên các sông, suối chảy xiết, nơi con đực thường vắt vẻo trên cây ven suối gọi con cái. Hóa ra giọng ca của chúng có tần số cao hơn so với đồng loại sống ở ven sông đồng bằng và ao hồ. Một số loài còn “hát tình ca” ở dải siêu âm.
Các nhà sinh học đã nghiên cứu những “lời gợi tình” của 70 loài ếch núi có thân dài từ 2 đến 15 cm. Nếu tần số trung bình của giọng ếch đực là 2 KHz thì ở ếch đực núi chỉ số đó là 5 KHz, có một số loài còn đạt đến tần số trên 20 KHz, tức tai người không có khả năng nghe được.
Nhờ thế mà những âm thanh đó không bị tiếng nước suối át đi và những con cái cùng loài nghe được. Chẳng hạn, loài ếch Odorrana graminea sống ở Trung Quốc có giọng cao với những đoạn âm thanh thông thường và siêu âm tới 44 KHz, ếch đực loài Huia cavitympanum ở Kalimantan chỉ dùng giọng siêu âm.
Nhà sinh học Jodi Rowley ở Viện bảo tàng Sydney, Australia, đồng tác giả của công trình nghiên cứu nhận xét rằng nếu so với ếch nhái nói chung thì các loài ếch sống bên ven sông suối chảy xiết với tiếng nước róc rách có “giọng ca” giống với chim muông hơn
Vũ Trung Hương