Trước sự ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, dự án “An toàn nguồn nước Việt” ra đời với mong muốn tăng cường xã hội hóa các hoạt động khai thác, bảo vệ và nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả từ các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp…

Dự án ‘An toàn nguồn nước Việt’: Đi từ lý thuyết đến thực tế cuộc sống

29/08/2016, 08:59

Trước sự ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, dự án “An toàn nguồn nước Việt” ra đời với mong muốn tăng cường xã hội hóa các hoạt động khai thác, bảo vệ và nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả từ các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp…

Nguồn nước tại Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng - Ảnh: internet.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính khoảng 90% việc làm trong ngành nông nghiệp, 30% việc làm trong ngành công nghiệp và 10% việc làm trong các ngành dịch vụ đều phụ thuộc rất nhiều vào nước. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nước đó là không giống nhau.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thống kê được rằng, cứ mỗi giờ lại có khoảng 38 người chết bởi các bệnh liên quan tới nguồn nước.

Trước những số liệu thống kê đó, cùng với sự ra đời của dự án “An toàn nguồn nước Việt” kéo dài trong 5 năm, PV báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi cùng Th.S Hoàng Sơn Công, Trưởng ban Quản lý dự án, Phó trưởng ban Phong trào sinh viên (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Trưởng ban Thông tin truyền thông UNESCO hỗ trợ sức khỏe cộng đồng xoay quanh những vấn đề này.

Thưa ông, hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra như thế nào?

- Ông Hoàng Sơn Công: Hiện nay, chúng ta đang ngày một quan tâm đến vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ô nhiêm nguồn nước đô thị, ô nhiễm nguồn nước ngầm và ô nhiễm nguồn nước trong sinh hoạt.

Trong ô nhiễm nước đô thị, hiện trạng nguy hiểm nhất chính là nguồn nước xả thải từ các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất… mà nguồn nước đó không hề được qua xử lý. Điển hình như dòng sông Nhuệ hiện đang có 14.000 cơ sở xả thải, trong đó rất ít cơ sở đảm bảo được chất lượng về nguồn xả thải. Do đó nguồn nước xả thải trên bề mặt dòng sông đã tạo ra ô nhiễm về mặt không khí, ô nhiễm về môi sinh, ô nhiễm về nguồn nước, thậm chí có phần ảnh hưởng tới chính nguồn nước ngọt sinh hoạt hàng ngày của người dân khiến những hộ gia đình đang sống xung quanh đó trực tiếp hứng chịu nguồn ô nhiễm.

Tiếp theo là ô nhiễm về nguồn nước ngầm. Những vùng lân cận hiện nay có thể lấy nước ngầm về nghiên cứu chính là những giếng khoan bị bỏ không, khi bị phun thuốc trừ sâu, thuốc hóa học sẽ có nguy cơ ngấm thẳng vào mạch nước đó. Hiện tượng này cũng đã khiến các cơ quan chức năng vào cuộc để khảo sát, nghiên cứu.

Nói tới nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước trong đường ống có thể đảm bảo nhưng thói quen sử dụng của người dân còn kém, hoặc để nước trong môi trường không đảm bảo vệ sinh thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngoài đường ống. Và đó cũng là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng.

Th.S Hoàng Sơn Công – Trưởng ban Quản lý dự án tại Lễ ra quân chương trình truyền thông "An toàn nguồn nước Việt" - Ảnh: Thu Anh

Trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như hiện nay thì dự án “An toàn nguồn nước Việt” ra đời sẽ đóng một vai trò như thế nào, thưa ông?

- Đây là dự án kết hợp giữa các tổ chức phi chính phủ, các Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng, các nhà khoa học. Đây chính là một tam giác có sự liên kết chặt chẽ, tạo nên sự hợp tác từ nhiều phía: kỹ thuật, sự đầu tư, nguồn nhân lực…

Mục tiêu mà dự án hướng tới chính là nhằm tăng cường xã hội hóa các hoạt động khai thác, bảo vệ và nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả từ các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp…

Dự án này sẽ kéo dài trong vòng 5 năm với những hoạt động cụ thể: truyền thông về sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng và triển khai thực hiện các cam kết cùng hành động thực hiện các giải pháp “An toàn nguồn nước Việt”; giới thiệu, ứng dụng các thiết bị mới và các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu và công nhận trong việc sử dụng nước an toàn… Dự án sẽ áp dụng các chính sách phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận công nghệ sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, trong đó có những chương trình dành riêng cho các bạn sinh viên, học sinh, đưa các giải pháp về công nghệ về với các trường học nhằm tuyên truyền cho các học sinh và phụ huynh về cách thức sử dụng nguồn nước sạch, an toàn, tiết kiệm.

Ngoài ra, dự án còn có chương trình nước sạch địa phương được thí điểm tại khu vực thành phố và khu vực nông thôn. Đây là chương trình đi sâu vào hỗ trợ cho các gia đình những giải pháp, những cách thức để sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, trong dự án còn có những hoạt động về các chương trình mở rộng: hỗ trợ nước ở hồ hạn hán, hỗ trợ nước sạch ở những vùng nông thôn đang thiếu nước sạch. Những hỗ trợ này đều là sự hỗ trợ bằng tài sản: ống dẫn nước, bồn chứa nước…

Vậy theo ông, trong dự án này, trách nhiệm của các bên liên quan sẽ được phát huy tối đa như thế nào?

- Đứng ở góc độ của Ban quản lý (BQL) chương trình, thì chúng tôi đang tiến hành tuyên truyền những giải pháp, những công nghệ mà Nhà nước đang áp dụng.

Về phía các nhà khoa học, họ sẽ đưa ra những giải pháp công nghệ như: giải pháp lọc nước tại các gia đình, giải pháp xử lý ô nhiễm nước sinh học bằng bèo tây, bằng vi sinh… Đó là những giải pháp hoàn toàn có thể hướng dẫn và đào tạo cho người dân.

Hiện nay, các giải pháp đó đã kết thúc giai đoạn thí điểm và đang chuyển sang giai đoạn thực thi rộng rãi để khi kết thúc chương trình, những giải pháp đó sẽ đi vào cuộc sống, người dân sẽ tự biết cách để cho bể nước, ao hồ không còn mùi khó chịu, hoàn toàn có thể trồng bèo mà không ảnh hưởng tới môi trường.

BQL dự án cùng các tổ chức hợp tác trực tiếp thử nghiệm nước sông Tô Lịch đã qua xử lý tại Lễ ra quân - Ảnh: Thu Anh

Thưa ông, về nguồn nhân lực hay những đối tượng mà dự án hướng tới là gì? Trong tương lai, với vai trò Trưởng BQL dự án, ông kỳ vọng điều gì?

- Đây là dự án mà chúng tôi huy động toàn bộ hệ thống dân vận cùng tham gia, từ hội người cao tuổi, hội người phụ nữ cho đến đoàn thanh niên… Vì vậy, dự án được chia ra làm nhiều chương trình, mỗi chương trình sẽ hướng tới một đối tượng khác nhau.

Khi thực hiện dự án này, chúng tôi đã cùng nhau đặt ra mục tiêu chỉ sau 2 năm, chương trình này sẽ trở thành chương trình truyền thông quốc gia. Khi đó, chương trình sẽ là một sự phản biện xã hội cung cấp cho Nhà nước, cung cấp cho các doanh nghiệp… để họ có cái nhìn tổng thể và đưa ra những giải pháp phối hợp với tầm quy mô lớn hơn.

Về phía Hiệp hội, tôi kỳ vọng rất lớn vào lực lượng sinh viên bởi từ trước tới nay, sinh viên tham gia vào chương trình truyền thông cộng đồng mới đang dừng lại ở sự nhiệt tình. Đến với chương trình này, tôi mong rằng các bạn sinh viên sẽ trang bị cho mình được khối kiến thức thiết thực, biến những hiểu biết thành hành động thông qua những khóa đào tạo, huấn luyện. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không để cho các bạn thiệt thòi. Thay vào đó là những cơ hội việc làm, những khóa đào tạo chuyên môn, kỹ năng, đặc biệt là sự đón đầu của các doanh nghiệp…

Sau khi kết thúc 5 năm, chương trình sẽ chuyển sang một hướng đi khác, trở thành một chương trình xã hội, tự phát sinh thành những chương trình khác và chúng tôi sẽ bàn giao cho các đơn vị khác nhưng Hiệp hội và Ban quản lý vẫn tiếp tục theo sát chương trình.

Xin cảm ơn ông!

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
2 giờ trước Sự kiện
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ sẽ diễn ra vào 7 giờ 45 sáng 7.5 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án ‘An toàn nguồn nước Việt’: Đi từ lý thuyết đến thực tế cuộc sống