Elon Musk cho biết mục đích của công ty khởi nghiệp mới xAI sẽ là "hiểu vũ trụ".
Trong cuộc trò chuyện âm thanh dài 90 phút trên Twitter Spaces tối 14.7, Elon Musk lần đầu tiên thảo luận về tầm nhìn của mình với xAI trong khi chuyển sang các chủ đề như sự tiến hóa của Trái đất và tính mong manh của nền văn minh.
Khi tìm cách hiểu sâu hơn về vũ trụ, Elon Musk nói đùa rằng sứ mệnh của xAI sẽ là hiểu "Chuyện gì đang xảy ra thật sự?".
Buổi thảo luận trên Spaces của Elon Musk tối 14.7 bắt đầu muộn do Twitter cần "điều chỉnh thuật toán" để quảng cáo cuộc trò chuyện đến nhiều người dùng hơn.
Tỷ phú giàu nhất thế giới giới thiệu xAI hôm 12.7 sau khi chỉ trích các công ty như OpenAI và Google vì phát triển công nghệ mà không xem xét đến rủi ro với con người.
xAI được điều hành bởi các nhà nghiên cứu cũ từ OpenAI, Google DeepMind, Tesla và Đại học Toronto (Canada). Công ty này có cố vấn là Dan Hendrycks, người đang lãnh đạo Trung tâm An toàn AI, tổ chức có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ) cảnh báo về việc phát triển AI quá nhanh.
Dan Hendrycks cũng khởi xướng bức thư ngỏ gửi tới các nhà lãnh đạo toàn cầu vào tháng 6, cảnh báo AI là mối nguy cho sự tồn tại của loài người ngang với đại dịch và chiến tranh hạt nhân.
Elon Musk nhiều lần cảnh báo về sự nguy hiểm của AI. Tỷ phú 51 tuổi người Mỹ gọi AI là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của chúng ta” và nói rằng công nghệ này phát triển quá nhanh giống như “triệu hồi quỷ dữ”.
Trên Twitter Spaces tối 14.7, Elon Musk tiết lộ xAI sẽ tìm cách xây dựng một AGI tốt, như giải pháp thay thế cho Microsoft, Google và OpenAI. AGI là viết tắt của trí tuệ nhân tạo tổng quát, có khả năng giải quyết các vấn đề như con người. Ông nói xAI sẽ hợp tác chặt chẽ với các công ty khác của mình, gồm cả Twitter và Tesla.
xAI sẽ sử dụng các tweet công khai để đào tạo các mô hình AI của mình và cũng có thể hợp tác với Tesla về phần mềm AI. Tỷ phú công nghệ nói mối quan hệ như vậy sẽ có "lợi ích chung" và có thể tăng tốc công việc của Tesla về khả năng tự lái.
Ngoài ra, Elon Musk cáo buộc tất cả công ty AI đào tạo các mô hình AI của họ bằng cách sử dụng dữ liệu Twitter theo cách mà ông mô tả là bất hợp pháp.
Hôm 1.7, Elon Musk cho biết Twitter đang giới hạn số lượng tweet mà các tài khoản có thể xem mỗi ngày, để ngăn chặn "mức độ cực đoan" của việc thu thập dữ liệu và thao túng hệ thống từ các công ty AI.
Ban đầu, ông chủ Twitter cho biết tài khoản đã được xác minh bị giới hạn xem 6.000 tweet/ngày, tài khoản chưa được xác minh được xem 600 tweet/ngày và tài khoản mới chưa được xác minh chỉ được xem 300 tweet/ngày. Sau đó, giới hạn xem nói trên đã được tăng lên theo tỷ lệ tương ứng là 10.000 tweet/ngày; 1.000 tweet/ngày; 500 tweet/ngày.
Vào tháng 12.2022, chỉ vài tuần sau khi ra mắt chatbot ChatGPT, OpenAI đã bị chặn truy cập vào dữ liệu của Twitter.
Theo tờ The New York Times, Elon Musk, đồng sáng lập OpenAI, đứng sau quyết định này. Elon Musk cảm thấy rằng khoảng 2 triệu USD/năm mà OpenAI trả để được cấp phép sử dụng dữ liệu của Twitter là không đủ.
OpenAI từng được cấp phép sử dụng dữ liệu của Twitter để giúp xây dựng ChatGPT. Song, Elon Musk rất cảnh giác với AI tiên tiến trong một thời gian dài và chỉ trích OpenAI nặng nề vào thời điểm đưa ra quyết định chặn công ty cũ truy cập dữ liệu Twitter.
Elon Musk cùng Sam Altman và những người khác thành lập OpenAI dưới dạng tổ chức phi lợi nhuận năm 2015, tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI, coi việc Google đạt được những tiến bộ trong AI là liều lĩnh.
Ông rời hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 với lý do xung đột lợi ích để tập trung vào Tesla. Sau đó, Elon Musk nói rằng không thoải mái với định hướng chạy theo lợi nhuận mà OpenAI đang thực hiện dưới sự quản lý của Giám đốc điều hành Sam Altman.
Elon Musk từng hứa sẽ cung cấp 1 tỉ USD cho OpenAI nhưng đã ngừng thanh toán sau khi ông rời đi vào tháng 2.2018, khiến tổ chức phải vật lộn để huy động tiền mặt. OpenAI sau đó nhận được khoản đầu tư 1 tỉ USD từ Microsoft và chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019.
Hồi tháng 2, tỷ phú giàu nhất thế giới đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.
Elon Musk tin rằng một trong những mối đe dọa lớn do AI gây ra là sự thao túng nó bởi các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng này. Ông đặc biệt nhắm đến Microsoft, công ty công bố đầu tư thêm hàng tỉ USD vào OpenAI hồi tháng 1.
Elon Musk cũng chỉ trích ChatGPT vào tháng 12.2022, chỉ ra chatbot AI này có vấn đề về thành kiến và có khả năng nói dối.
Sau đó, tỷ phú này ký một bức thư ngỏ cùng hơn 1.800 chuyên gia kêu gọi tạm dừng phát triển hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI trong ít nhất 6 tháng với lý do rủi ro tiềm ẩn cho xã hội.
Quy định về AI
Ủng hộ các quy định về AI, Elon Musk nói ông đã thúc đẩy các cuộc gặp với các quan chức Nhà Trắng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh AI trong các cuộc họp gần đây với các quan chức chính phủ hàng đầu ở Trung Quốc.
Ông nghĩ rằng Trung Quốc quan tâm đến một khuôn khổ hợp tác quốc tế về AI sau các cuộc trò chuyện khi đến thăm nước này vài tuần trước.
"Trung Quốc chắc chắn quan tâm đến việc làm việc trong một khuôn khổ hợp tác quốc tế về quy định AI", tỷ phú công nghệ cho hay.
Vài tuần trước, Elon Musk đã đến Trung Quốc để gặp gỡ một số bộ trưởng nước này tại thủ đô Bắc Kinh. Ngoài ra, Giám đốc điều hành Tesla cũng đã gặp ông Đinh Tiết Tường, Phó tổng lý thứ nhất Quốc vụ viện Trung Quốc. Sau cuộc gặp với các quan chức đó, Elon Musk cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách khởi xướng các quy định về AI ở nước này.
Một số chính phủ đang xem xét cách giảm thiểu sự nguy hiểm của công nghệ mới nổi, vốn đã trải qua sự bùng nổ về đầu tư và phổ biến với người tiêu dùng trong những tháng gần đây sau khi OpenAI phát hành ChatGPT cuối tháng 11.2022.
Các cơ quan quản lý trên toàn cầu đã đua nhau soạn thảo quy tắc quản lý việc sử dụng generative AI, có tác động được so sánh với internet.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.