Năm 1933 ở châu Á có một miền thiên đường được tiểu thuyết gia người Anh James Hilton miêu tả trong “đường chân trời đã mất” (Lost Horizon) chính là Shangrila. Ở thế kỷ 12, châu Âu có một ngôi làng nhỏ dưới chân đỉnh Titlis của dãy Alps được mệnh danh là nơi những thiên thần cư ngụ. Đó chính là Engelberg.
Thuỵ Sĩ – đất nước vùng Trung Âu được ví là nơi đáng sống nhất trên thế giới, và nơi đáng đến nhất ở Thuỵ Sĩ chính là ngôi làng Engelberg hẻo lánh lọt thỏm trong một thung lũng với dân số khoảng 4.000 người, nhưng hàng năm tiếp nhận trung bình 760.000 lượt du khách từ khắp thế giới. Khi biết đến Engelberg qua những con số như thế, đã gợi cho tôi một sự tò mò, nhất là từ cái tên của ngôi làng. Và hiển nhiên, điểm đầu tiên trong hành trình Thuỵ Sĩ tôi nhắm đến là Engelberg, một nơi xa xôi ngốn của tôi hết 16 giờ đồng hồ di chuyển từ TP.HCM với hai chặng bay và hai lần chuyển tàu. Engelberg mở ra trước mắt, đẹp mê hoặc như một miền tiên cảnh.
Thiên thần Engelberg
Người Engelberg có một tự hào và rất… cục bộ khi được hỏi là người ở đâu? Ai ai cũng vui vẻ trả lời rằng họ là người ở “núi thiên thần” (Engelberger), và nếu là khách du lịch lần đầu đến Engelberg, sẽ được nghe người làng kể câu chuyện xuất xứ tên gọi thú vị về nơi họ đang sống.
Tu viện Benedictine với kiến trúc Baroque, phía xa là đỉnh Hahnen
Đến Engelberg, ở cuối đường làng, sẽ không khó để nhận ra một quần thể kiến trúc đồ sộ, nổi bật nhất làng, là tu viện Benedictine (Biển Đức), nơi các tu sĩ Biển Đức sống đời tu hành theo châm ngôn “ora et labora” (cầu nguyện và làm việc), và đây cũng chính là nơi hình thành tên gọi Engelberg.
Ngược dòng lịch sử về thế kỷ thứ 12, một nhà quý tộc là Konrad von Sellenbüren từ Stallikon ở bang Zurich đã sáng lập tu viện Biển Đức ngay tại nơi được gọi là Ochsenmatte. Sau khi tu viện được hoàn thành vào năm 1120, lúc ấy nó chưa được đặt tên, người sáng lập tu viện trong lúc đang tìm một tên phù hợp để định danh cho tu viện, ông bỗng nghe vẳng lại âm vang một giàn đồng ca từ đỉnh núi Hennenberg (nay là núi Hahnen), và ông cho rằng đó chính là tiếng hát của các thiên thần reo mừng vinh danh thượng đế. Ông nghĩ đến tên gọi “núi-thiên thần” Engel-berg, và dùng tên ấy đặt cho tu viện. Người dân trong vùng kể từ đó nhận mình là người của “núi thiên thần” và sử dụng tên gọi đó cho đến ngày nay.
Ra đời từ thế kỷ 12, nhưng phải đến 6 thế kỷ sau, Engelberg mới dần trở nên nổi tiếng bởi phong cảnh và nét hoang sơ, không khí trong lành và khí hậu ôn hòa hiếm nơi nào trên thế giới có được. Trong suốt thế kỷ 18, ngày càng nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thung lũng Engelberg để nghỉ dưỡng bên cạnh đỉnh cao đáng sợ thời bấy giờ là núi tuyết Titlis (3.238 mét, được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1744).
Engelberg là điểm du lịch nghỉ dưỡng tuyện vời nhất vùng Trung Âu
Núi tuyết giữa mùa Hè
Cư dân xứ nhiệt đới khi đến Châu Âu hẳn lắm người ao ước được với tay vốc nắm tuyết để cảm nhận cái lạnh nhấm nháp vào da thịt, nhưng ở tiết trời tháng 8, khi các nước Châu Âu đang vào cuối hè sang thu, việc tìm một nắm tuyết ngoài tự nhiên là điều không đơn giản, nhưng nếu có mặt ở miền đất thiên thần Engelberg bất kể mùa nào trong năm, chuyện vui đùa cùng tuyết trắng không phải lạ.
Lồng cáp treo xoay vòng đầu tiên trên thế giới ở núi Titlis
Ngôi làng Engelberg có cao độ 1.050m trên mực nước biển, với những nóc nhà cổ kính được bao bọc bởi dãy Apls trùng điệp. Và từ làng Engelberg, điểm đến không thể bỏ qua của hành trình là chinh phục đỉnh Titlis, ngọn núi quanh năm có tuyết trắng bao phủ. Gọi là chinh phục nghe cho vẻ mạo hiểm, chứ kỳ thực hành trình lên Titlis hôm nay đơn giản nhờ vào hệ thống cáp treo được bố trí trải dài khắp các dãy núi để đưa du khách ngoạn cảnh và rút ngắn thời gian lên chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi tuyết.
Chỉ mất khoảng 45 phút khởi hành từ trạm cáp treo ngay dưới chân núi, tôi đã đặt chân lên nền tuyết trắng của đỉnh Titlis. Ở mùa hè, đặc sản của Titlis không gì hơn là tuyết, thế nên khách du lịch ai nấy vừa ra khỏi các khoang tải của cáp treo là lao mình ngay vào các trò chơi trên tuyết. Nếu khí hậu dẫu có biến đổi đột ngột, khiến các lớp băng tuyết tan chảy, đã có sẵn các máy làm tuyết nhân tạo dự phòng để đảm bảo vùng núi luôn có tuyết bao phủ. Dự án này có từ năm 2005, tiêu tốn 8 triệu Francs Thuỵ Sĩ để đầu tư vào các máy làm tuyết.
Hang băng vĩnh cửu trong lòng núi trên đỉnh Titlis
Từ đỉnh cao nhất của Titlis, có lẽ với dân du lịch Châu Âu, họ chẳng mấy để ý nhưng với dân Châu Á, ai cũng kháo nhau về một chóp đá có dáng hình như một người toạ thiền nằm hơi chếch về hướng Tây Bắc. Nhưng điểm cuốn hút tôi hơn cả trên đỉnh Titlis là hang băng vĩnh cửu, cả núi băng khổng lồ được khoét một đường hầm, tạo thành lối đi, rải rác trong hang là các tượng nghệ thuật điêu khắc từ băng, phối hợp với ánh sáng tạo nên một khung cảnh đầy huyền ảo kỳ thú.
Bình yên Engelberg
Trở lại ngôi làng Engelberg, đang mùa hè nên lượng khách trong làng vừa phải, không đông đúc như mùa đông, nguyên do bởi Engelberg có nhiều đường trượt tuyết nên rất nhiều nhà thể thao trượt tuyết từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp đều tìm về nơi này để luyện tập, thi đấu các giải đấu lớn trong mùa đông.
Giữa mùa Hè tuyết trắng vẫn phủ khắp ngã đường trên đỉnh Titlis
Đường làng lát những phiến đá nhỏ, dẫn lối tôi đi dọc qua những ngôi nhà cổ kính trăm năm tuổi, nhưng tôi có cảm giác khác hẳn với những làng cổ khác ở Châu Âu, đó là sự phối hợp giữa những giá trị xưa cũ và các nét trang trí hiện đại được chăm chút rất tỉ mỉ trong từng ngôi nhà, đem lại cho toàn cảnh Engelberg sự ngăn nắp, chỉn chu, không quá cổ kính để người ta cảm thấy ngại ngùng, cũng không quá sang trọng để người ta thấy xa cách. Tản bộ quanh đường làng qua những ngôi nhà cỏ hoa phủ khắp, khiến cho tôi dù lần đầu đến Engelberg nhưng cảm giác mọi thứ thật gần gũi, cứ như thân quen từ lâu lắm rồi.
Dọc theo đường làng, người Engelberg tận dụng luôn hình ảnh các thiên thần, mỗi vị một kiểu dáng, hình ảnh, trang phục, màu sắc khác nhau dùng trang trí cho mặt tiền ngôi nhà hoặc nơi công cộng, tạo nên một dấu ấn khác lạ, và cũng như một dấu chỉ khẳng định đây chính là nơi ở của những thiên thần Engelberg.
Các chi tiết trang trí đầy màu sắc của thánh đường Engelberg
Các thiên thần đặt trang trí khắp nơi ở làng cổ Engelberg
Tôi trở lại tu viện Biển Đức, và thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp cầu kỳ, chi tiết từ các nét trang trí nội thất theo phong cách Baroque của thánh đường trung tâm. Khác hẳn với lối kiến trúc Gothic trong xây dựng thánh đường quen gặp ở Pháp, Đức… vẻ ngoài của kiến trúc Baroque ở Engelberg trông đơn giản, không phô trương chi tiết, nhưng nội thất là một sự kết hợp tưng bừng với ánh sáng, sắc màu, dẫn dắt người xem qua các mảng tranh tường miêu tả cuộc đời và sự tử nạn của đức Chúa với lối vẽ rất sống động, tinh tế.
Ngay cạnh tu viện, một lò sản xuất phô mai do các tu sĩ thiết lập, ở đó tôi được giới thiệu quy trình làm phô mai theo kiểu truyền thống được lưu giữ từ hàng trăm năm qua, được trải nghiệm những béo ngậy, thơm tươi mùi sữa của những mẻ phô mai vừa ra lò trong không khí mát mẻ của ngày hè, kết lại một ngày với thật nhiều trải nghiệm mới lạ về Engelberg – thiên đường nghỉ dưỡng của người phàm giữa Trung Âu.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài và ảnh: Nguyễn Đình