Việc người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý dẫn đến sự ra đi của nước Anh khỏi EU khiến nhiều người lầm tưởng rằng các quốc gia khác ở châu Âu cũng có thể làm điều tương tự. Câu trả lời rất tiếc là “không”.

EU hậu Brexit: Sẽ có một Liên bang châu Âu giống Liên bang Mỹ?

04/07/2016, 08:21

Việc người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý dẫn đến sự ra đi của nước Anh khỏi EU khiến nhiều người lầm tưởng rằng các quốc gia khác ở châu Âu cũng có thể làm điều tương tự. Câu trả lời rất tiếc là “không”.

Những gì đang diễn ra tại châu Âu sau sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) – Brexit dường như đang đi ngược lại với dự đoán của hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Đã có khá nhiều lời cảnh báo về việc sự ra đi của nước Anh có thể trở thành sự kiện khởi động cho một dãy Domino đòi rời khỏi EU của nhiều quốc gia thành viên, như một sự chia tách và đổ vỡ về chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Tại nhiều quốc gia như Pháp, Italia và Tây Ban Nha, các đảng cánh hữu đang lớn tiếng đòi bỏ phiếu trưng cầu dân ý để rời khỏi EU theo bước Anh; nhưng một thực tế là phần lớn các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên còn lại của EU lại đang có xu hướng xích lại gần nhau hơn để vượt qua thời điểm khó khăn này. Và điều kỳ lạ nhất là, trong thời điểm mà cả thế giới đều nói về một sự tan rã của Liên minh châu Âu, thì nó lại đang hé mở về một khả năng xuất hiện một liên bang châu Âu mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Có nhiều điều lầm tưởng đang hết sức phổ biến trên thế giới về tình hình châu Âu sau sự ra đi của nước Anh khỏi EU. Đúng là Brexit có thể trở thành một sự kiện có thể đóng vai trò kích hoạt một sự tan rã của Liên minh châu Âu, nhưng chắc chắn không phải theo cách mà nước Anh đã rời đi. Việc người dân Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý dẫn đến sự ra đi của nước Anh khỏi EU khiến nhiều người lầm tưởng rằng các quốc gia khác ở châu Âu cũng có thể làm điều tương tự. Câu trả lời rất tiếc là “không”.

Một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở nhiều quốc gia châu Âu chỉ được diễn ra khi được sự chấp thuận của chính phủ, và phần lớn các đảng cánh hữu tại các nước thành viên EU vốn ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu thì lại đang không nắm giữ các vị trí chủ chốt của chính phủ tại các nước này. Việc nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý được xem như một sự bất cẩn mang tính cá nhân của Thủ tướng David Cameron, khi trong quá trình vận động bầu cử ông Cameron đã hứa sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU nếu đắc cử thủ tướng. Bản thân những nhà phân tích đã dự đoán EU sẽ tan rã như tỉ phú đầu cơ nổi tiếng George Soros cũng chỉ cho rằng EU tan rã là do tác động tổng hợp từ các vấn đề kinh tế, địa chính trị như khủng hoảng nợ công hay khủng hoảng di cư mà thôi.

Chính vì thế, những gì đang diễn ra tại châu Âu đang đi ngược lại với hầu hết mọi dự đoán. Chính phủ của các quốc gia thành viên EU đang xích lại gần nhau hơn trong thời điểm khó khăn này, thay vì thi nhau đòi rời khỏi EU như nhiều người lầm tưởng. Lý do quan trọng nhất là vì không ai muốn Liên minh châu Âu tan rã, vì nó đồng nghĩa với một thảm họa. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố đầy bi quan về Brexit: “Như một nhà sử học, tôi sợ rằng Brexit có thể sẽ không chỉ là sự khởi đầu của quá trình tan rã và phá hủy EU, mà còn của cả nền văn minh chính trị phương Tây nữa”.

Một thực tế là, số các nhà lãnh đạo châu Âu lo sợ về những hậu quả nếu EU tan rã chiếm số lượng lớn hơn rất nhiều những nhà lãnh đạo ủng hộ rời khỏi EU. Cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga đã nói lên cảm giác của mình về Brexit: “Tôi cảm thấy như đang ở đám tang của một người thân quen. Đây không còn là Liên minh châu Âu mà chúng tôi đã tham gia nữa rồi”. Họ sợ hãi là điều dễ hiểu, khi mà sự tan rã của EU đồng nghĩa với việc đưa châu Âu về tình trạng trước hai cuộc thế chiến khốc liệt và kinh hoàng, nơi các cường quốc sẽ chi phối các nước nhỏ yếu hơn thay vì những cách đối xử khá công bằng và tử tế mà Liên minh châu Âu đã và đang hướng đến.

Sự sợ hãi về viễn cảnh EU tan rã, đang đảo ngược lại tình hình và đưa đến một sự ràng buộc chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên liên minh. Các nhà lãnh đạo Đức đang tỏ ra họ là những người am hiểu và có thể tận dụng tốt nhất tình trạng hiện tại. Một tầm nhìn mới trong đó các nước thành viên EU hợp tác chặt chẽ với nhau hơn theo mô hình liên bang đang được khá nhiều các nhà lãnh đạo Đức đưa ra ở thời điểm hiện tại, như một giải pháp gắn kết và tăng cường khả năng hoạt động của EU.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng cách thức tổ chức hiện nay của EU đang khiến nó rơi vào tình trạng chậm trễ trong việc đưa ra những quyết định cần thiết, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng mà điển hình là cách thức xử lý cuộc khủng hoảng người di cư năm ngoái, và gần nhất là cách xử lý vấn đề nước Anh rời khỏi EU. Schaeuble tuyên bố: “Bạn sẽ sớm nhận ra rằng Ủy ban châu Âu không thể giải quyết được điều gì cả, cả Hội đồng châu Âu cũng vậy. Chỉ khi chính phủ các nước kết nối thực sự với nhau, nó mới thực sự có hiệu quả”. Một sự kết nối trực tiếp giữa các chính phủ của các nước thành viên, là tiền đề để tiến tới một liên bang châu Âu, trong đó người đứng đầu chính phủ các nước sẽ là thành viên của một chính phủ châu Âu tối cao.

Đồng tình với đề xuất đó của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble là Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, cũng là một người Đức. Schulz đề xuất thiết lập một chính phủ châu Âu thực sự đặt dưới sự kiểm soát của Nghị viện châu Âu đóng vai trò như một Quốc hội của một liên bang. Nhưng, tất cả những đề xuất táo bạo đó vẫn không đi xa bằng đề xuất của Bộ trưởng Kinh tế đồng thời là Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, khi ông này đề xuất thiết lập một quân đội chung của EU, với điểm khởi đầu là một hải quân chung. Và sau đó là việc thiết lập một nền kinh tế chung về thực chất hơn là nền kinh tế hỗn hợp EU hiện nay, trong đó mỗi quốc gia sẽ là một bang như mô hình của Mỹ, và phải chịu sự điều hành về kinh tế của một chính phủ châu Âu thống nhất. Theo Sigmar Gabriel, cách điều hành kinh tế chung EU hiện nay có quá nhiều bất cập do thiếu một sự thống nhất, điển hình là việc EU hàng năm tiêu tốn 40% ngân sách vào hỗ trợ chính sách nông nghiệp, trong khi số tiền đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ lại thấp hơn nhiều. Một chính phủ thống nhất, một quốc hội thống nhất, một nền kinh tế thống nhất và một quân đội chung – đó là tất cả những gì cần thiết để EU chính thức chuyển mình từ một liên minh khá lỏng lẻo trở thành một liên bang thực sự.

Trên thực tế, cái đích cuối cùng mà mô hình Liên minh châu Âu hiện nay hướng tới trong tương lai chính là mô hình một siêu quốc gia theo cơ chế liên bang, và điều đáng nói ở đây là sự ra đi của nước Anh vốn được xem như một dấu hiệu xấu có thể đẩy EU vào nguy cơ tan rã lại đang trở thành chất xúc tác có thể đẩy nhanh quá trình liên bang hóa mà nhiều nhà lãnh đạo EU đang chờ đợi.

Về lâu dài thì sự ra đi của nước Anh đang đem lại nhiều thuận lợi hơn cho EU. Sự nối lại quan hệ kinh tế thương mại giữa Anh và EU trong tương lai gần sẽ khiến cho tác động về mặt kinh tế của sự chia ly này được giảm bớt, trong khi đó sự ra đi của Anh lại là cơ hội và điều kiện thuận lợi để EU tái cấu trúc lại hoạt động một cách hiệu quả và phù hợp hơn. Chính sức ép về chính trị, kinh tế và quân sự từ bên ngoài là thứ đã giúp 13 bang thuộc địa Mỹ hợp nhất để tạo thành hợp chủng quốc Hoa Kỳ thống nhất theo mô hình liên bang; thì một điều kiện tương tự có vẻ như cũng đang được lặp lại ở châu Âu, trong đó sự ra đi của nước Anh và sức ép từ sự kiện này đang có thể trở thành thứ giúp EU gắn kết và tiến tới một nhà nước liên bang tương tự.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Quốc hội đã bỏ phiếu kín, thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp bất thường thứ 7 Quốc hội khóa 1 chiều 2.5.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU hậu Brexit: Sẽ có một Liên bang châu Âu giống Liên bang Mỹ?