Nền kinh tế số hai thế giới đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về tỷ giá do Brexit gây ra. Việc đồng bảng Anh và đồng euro sụt giá mạnh đang đẩy Trung Quốc vào áp lực phải hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ để giảm thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào thị trường EU và Anh do sụt giảm tính cạnh tranh.

Anh rời EU, Trung Quốc choáng váng trước áp lực hạ tỷ giá

29/06/2016, 10:19

Nền kinh tế số hai thế giới đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về tỷ giá do Brexit gây ra. Việc đồng bảng Anh và đồng euro sụt giá mạnh đang đẩy Trung Quốc vào áp lực phải hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ để giảm thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào thị trường EU và Anh do sụt giảm tính cạnh tranh.

Mọi chuyện có vẻ như đang dần ổn định trở lại sau những cơn bão trên thị trường tài chính toàn cầu sau khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của người dân Anh về việc rời khỏi EU (Brexit) diễn ra. Đồng bảng Anh sau khi đã có mức sụt giá kỷ lục 10% - lớn nhất trong vòng 30 năm qua – chỉ trong một ngày sau khi Brexit diễn ra, đã không tiếp tục đà sụt giá kinh khủng của mình trước đó. Dù mọi thứ vẫn chưa thể trở lại được như thời điểm trước khi Brexit diễn ra, nhưng quả bom tỷ giá được Brexit kích hoạt trong những ngày vừa qua cũng đủ để làm xáo trộn toàn bộ thị trường tài chính thế giới. Có kẻ khóc, có người cười, nhưng nếu phải chỉ ra quốc gia phải chịu thiệt hại nhiều nhất trong cơn bão tỷ giá những ngày vừa qua thì có lẽ đó là Trung Quốc.

Chắc chắn một điều là những biến động dữ dội trên thị trường tài chính thế giới hậu Brexit trong những ngày qua đem lại nhiều nỗi buồn hơn là niềm vui cho những nền kinh tế trên khắp toàn cầu. Những người buồn nhất dĩ nhiên là người dân Anh và người dân châu Âu, khi mà đồng bảng Anh và đồng euro là hai trong số những đồng tiền có mức sụt giá mạnh nhất sau Brexit. Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi có kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh, thì đồng bảng Anh đã sụt giá tổng cộng 11% (trong đó mất 10% trong ngày đầu tiên). Đây là mức kỷ lục trong vòng 30 năm qua, khiến cho không ít những người dân Anh trước đó đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã ngay lập tức phải hối hận về quyết định của mình. Đồng tiền chung của Liên minh châu Âu cũng có số phận tương tự khi sụt giá khoảng 3,8% - mức cao nhất trong vài năm trở lại đây.

Nhưng nếu so sánh với một số các nền kinh tế khác cả trong lẫn ngoài EU, thì mức sụt giá của đồng euro vẫn còn là nhẹ nhàng. Theo thống kê, các quốc gia có đồng nội tệ sụt giá mạnh hơn đồng euro sau Brexit bao gồm: Na Uy, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, tương tự là đồng rand của Nam Phi và đồng zloty của Ba Lan. Hàng loạt các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào thị trường chung châu Âu và thị trường Anh ở châu Á cũng được dự báo nhiều khả năng sẽ buộc phải hạ tỷ giá trong thời gian tới để giảm thiệt hại từ sự sụt giảm mức độ cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Ngược lại, có những đồng tiền tăng giá mạnh sau Brexit nhưng vẫn khiến các quốc gia sở hữu chúng rơi vào tình trạng “cười ra nước mắt”. Đó là Nhật Bản và Mỹ. Đồng yen Nhật và đồng USD là hai trong số những đồng tiền tăng giá mạnh nhất sau Brexit, do hầu hết các nhà đầu tư đã chọn cách bán tháo đồng bảng Anh và đồng euro khi thấy hai đồng tiền này sụt giá quá mạnh để chuyển sang nắm giữ đồng yen Nhật và đồng USD như những tài sản dự trữ có mức độ tin cậy cao nhất trong cơn khủng hoảng. Chỉ có điều là việc các đồng tiền này tăng giá mạnh lại chẳng khiến chính phủ các quốc gia sở hữu chúng vui vẻ chút nào. Đồng yen tăng giá mạnh trên thực tế đang đe dọa nghiêm trọng đến chính sách duy trì tỷ giá thấp và lãi suất âm để hỗ trợ và kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ Nhật Bản, và điều này có nghĩa là Brexit đang đe dọa xóa sạch những thành quả về tỷ giá mà chính sách Abenomics của chính phủ Nhật Bản đã làm được trong gần 3 năm qua.

Điều tương tự cũng diễn ra ở Mỹ. Việc đồng USD tăng giá đang đem lại một số lợi ích nhất định như giá trị hàng nhập khẩu rẻ hơn và kích thích người dân Mỹ tăng mức chi tiêu. Tuy nhiên, việc đồng USD tăng giá lại đang đi ngược lại với kế hoạch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo dự định, Fed sẽ chính thức tăng lãi suất đồng USD vào tháng 7 hoặc tháng 8 tới để ổn định nền kinh tế Mỹ vốn đang bị cảnh báo về tình trạng gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, khi đồng USD đang tăng giá mạnh do tác động của Brexit thì kế hoạch này gần như sẽ bị hủy bỏ và thậm chí Fed có thể sẽ phải tính đến phương án giảm lãi suất để ổn định tình hình kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc tưởng chừng được hưởng lợi nhất từ Brexit lại đang chịu những dự đoán trái ngược. Nền kinh tế số hai thế giới đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về tỷ giá do Brexit gây ra. Việc đồng bảng Anh và đồng euro sụt giá mạnh đang đẩy Trung Quốc vào áp lực phải hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ để giảm thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào thị trường EU và Anh do sụt giảm tính cạnh tranh. Áp lực hạ tỷ giá đồng nhân tệ này của Trung Quốc là khá lớn vì châu Âu hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Và hiện đồng nhân dân tệ cũng đang có mức tỷ giá thấp nhất trong vòng hơn 5 năm trở lại đây, ở thời điểm tháng 12.2010.

Tuy nhiên, việc hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ này lại khiến Trung Quốc có thể rơi vào một tình thế còn bất lợi hơn. Trái ngược với đồng bảng Anh và đồng euro, đồng USD của Mỹ không những không sụt giá mà còn tăng giá mạnh. Việc đồng USD tăng giá mạnh có thể phần nào thúc đẩy sự gia tăng xuất khẩu của hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ, nhưng lại dẫn đến một áp lực khác còn lớn hơn: đồng USD tăng giá mạnh có thể khiến nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên lớn hơn nhiều, nhất là trong trường hợp chính phủ Trung Quốc hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ để giảm thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, thì gánh nặng nợ nần này lại càng trở nên lớn hơn.

Suốt nhiều tháng qua, một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của chính phủ Trung Quốc là kịch bản Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD và giờ đây thì Brexit lại đang thay thế Fed để biến kịch bản tồi tệ đó trở thành sự thực với nền kinh tế số hai thế giới. Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là như vậy. Nếu Trung Quốc không hạ tỷ giá để tránh bị tác động từ việc đồng USD tăng giá thì hàng hóa xuất khẩu của nước này vào thị trường EU và Anh sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg, Reuters/CafeF, Bizlive)

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Anh rời EU, Trung Quốc choáng váng trước áp lực hạ tỷ giá