Hôm nay (2.8) là ngày thứ hai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thực thi, Bộ Công Thương cho biết EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành động lực giúp Việt Nam tăng trưởng và giảm nghèo.

EVFTA được kỳ vọng là động lực khôi phục kinh tế, giúp giảm nghèo

02/08/2020, 11:48

Hôm nay (2.8) là ngày thứ hai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thực thi, Bộ Công Thương cho biết EVFTA được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành động lực giúp Việt Nam tăng trưởng và giảm nghèo.

EVFTA sẽ góp phần cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam - Ảnh: Internet

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, Hiệp định EVFTA sẽ giúp thêm 0,1 - 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương mức giảm 0,7% so với kịch bản không có EVFTA. Cùng với đó, khoảng cách tiền lương theo giới tính cũng được thu hẹp thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Về công cuộc xóa đói giảm nghèo, được đánh giá là xung lực cho nền kinh tế Việt Nam, EVFTA được đưa vào thực thi đồng nghĩa với việc cánh cổng bước vào thị trường 18.000 tỉ USD với 508 triệu dân đang mở rộng hơn bao giờ hết với hàng hóa của Việt Nam. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25%, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tê toàn cầu, nhờ EVFTA, Việt Nam là một số ít các quốc gia có thể có tốc độ tăng trưởng dương trong tất cả các kịch bản.

Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định. Tăng trưởng xuất khẩu đặc biệt lớn ở các ngành mà ta có thế mạnh như nhóm hàng nông sản (gạo), nhóm ngành chế biến chế tạo (dệt may, giày dép) và nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không…). Cánh cửa vào thị trường khắt khe nhất thế giới cho ngành nông sản Việt Nam cũng ngày càng rộng mở với việc EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Như vậy, ngành sản xuất trong nước càng sôi động thì số lượng việc làm sẽ tăng thêm càng nhiều.

Một điểm đáng chú ý ở Hiệp định EVFTA là các cam kết sâu và rộng trong lĩnh vực đầu tư, giúp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong nước. Theo đánh giá, Hiệp định sẽ giúp tăng thêm 146.000 việc làm/năm.

Trong trung và dài hạn, Hiệp định EVFTA sẽ góp phần làm tăng ngân sách nhà nước nhờ nguồn thu nội địa tăng lên từ tác động của tăng trưởng (dự kiến tăng 7.000 tỉ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định), lấn át mức giảm thu ngân sách nhà nước từ giảm thu thuế nhập khẩu và xuất khẩu (dự kiến giảm thu 2.537,3 tỉ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định).

"Do đó, nguồn lực dành cho các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo sẽ tăng lên, tác động trực tiếp đến công cuộc xóa đói giảm nghèo, cùng với các tác động gián tiếp từ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp người nghèo tiếp cận được với đường xá, giao thông, và các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nguồn nước sạch tốt hơn", Bộ Công Thương nhìn nhận.

Ngoài ra, không chỉ tăng số lượng việc làm, Hiệp định còn được dự báo sẽ giúp tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Qua đó giúp cải thiện thu nhập bình quân đầu người, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Khác với những FTA khác, khi tham gia Hiệp định EVFTA, Việt Nam khẳng định cam kết theo đuổi phát triển bền vững, bao gồm các cam kết về kinh tế đi kèm với các cam kết về bình đẳng giới, cam kết về môi trường và các cam kết về phát triển xã hội khác sẽ là điều kiện quan trọng để Việt Nam hướng tới xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững hơn.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại, EVFTA được xem là động lực trong việc khôi phục nền kinh tế. Nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Có thể nói, toàn cầu hóa mang lại cho các nước trên thế giới nhiều lợi ích khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, theo các chuyên gia để xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, giảm thiểu tình trạng tái nghèo, thu hẹp khoảng cách phân hóa giàu nghèo, ngoài nguồn lực trong nước, Việt Nam cần biết tận dụng các xung lực từ bên ngoài, tận dụng những cơ hội có được để thâm nhập nền kinh tế toàn cầu, từ đó làm vững mạnh nền kinh tế trong nước theo hướng bền vững. Đây sẽ là những bước đệm vững chắc để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững mà Chính phủ đã đề ra.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EVFTA được kỳ vọng là động lực khôi phục kinh tế, giúp giảm nghèo