Lượng người mắc COVID-19 do biến thể mới Omicron ở Cà Mau tăng cao, khiến cho nhân viên các trạm y tế lưu động chịu áp lực lớn trong công tác chăm sóc. Từ đó, ngành y tế địa phương đang rất cần những tình nguyện viên tham gia hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà.
Nhiều ngày qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn tiến rất phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Số ca mắc liên tục tăng lên, trung bình mỗi ngày địa phương ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới. Đến thời điểm hiện tại, Cà Mau đã ghi nhận 88.689 ca nhiễm COVID-19. Trong đó, đã điều trị khỏi 66.435 người và đang điều trị 22.030 người (có 20.840 người đang được điều trị tại nhà).
Số ca điều trị tại nhà tăng cao, trong khi đó, lực lượng y tế tại các tram y tế lưu động lại mỏng. Trung bình mỗi nhân viên y tế phải chăm sóc cho hàng chục ca F0 đã khiến họ chịu nhiều áp lực và đang rất cần trợ lực.
Một nhân viên y tế đang công tác tại một Trạm Y tế cấp xã, thừa nhận: “Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng mà minh chứng là hằng ngày địa phương ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới. Là lực lượng tuyến đầu, chúng tôi phải kề vai, sát cánh để bảo vệ sức khoẻ cho người dân, đó là trách nhiệm của người làm ngành y. Nhưng thú thật, dịch tăng từng ngày, chúng tôi cũng vất vả lắm, chưa đêm nào được yên giấc, ăn ngon miệng. Nhiều khi đang ăn, ngủ mà có người báo là tất tả đi liền. Lắm khi cũng kiệt sức, thèm một giấc ngủ ngon”.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau đánh giá, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang diễn biến hết sức căng thẳng, bằng chứng là số ca mắc mới ngày một tăng cao, chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, hơn lúc nào hết các Trạm Y tế lưu động và tổ COVID-19 cộng đồng các huyện, TP đang đóng một vai trò hết sức quan trọng và cần phát huy hết công sức của mình. Bởi đó là “Cánh tay nối dài của y tế cơ sở” được vận dụng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.
“Các Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vừa theo dõi điều trị F0 tại nhà và theo dõi F1 cách ly tại nhà. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, y tế cơ sở là “lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu” trong công tác phòng chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khoẻ từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển người bệnh kịp thời… ngay tại xã, phường, thị trấn”, người đứng đầu ngành y tế Cà Mau nhìn nhận.
Theo ngành y tế Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 110 trạm y tế lưu động với 729 nhân sự đang hoạt động tối đa công suất. Trung bình mỗi nhân viên y tế (NVYT) tại các trạm phải quản lý, chăm sóc và điều trị tại nhà cho 54 ca F0, cao nhất là TP.Cà Mau với 88 F0/NVYT, thấp nhất là huyện Ngọc Hiển với 27 F0/NVYT.
Với số lượng F0 đang điều trị tại nhà như hiện nay và không ngừng tăng lên, các nhân viên y tế tại Trạm Y tế lưu động đã và đang chịu một áp lực lớn trong công tác chăm sóc F0 tại nhà. NVYT tại các Trạm Y tế lưu động và Tổ COVID cộng đồng đang phải gồng mình và tự làm hết mọi việc từ chuyên môn đến không chuyên môn. Hiện nhân viên tại Trạm Y tế đa phần là NVYT, đang rất thiếu các tình nguyên viên tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc F0 tại nhà.
“Tổng nhân viên đang công tác tại Trạm Y tế lưu động hiện nay là 357 NVYT và 372 tình nguyện viên. Ngành y tế đang rất cần và rất cần những cánh tay xung phong tham gia vào các Trạm Y tế lưu động, Tổ COVID cộng đồng của các tình nguyện viên từ các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh chung tay hỗ trợ. Sự tham gia của các tình nguyện viên sẽ phần nào giảm bớt khối lượng công việc cho NVYT. Khi đó, NVYT sẽ chỉ dốc hết sức mình vào công việc chuyên môn là chăm sóc sức khoẻ cho F0. Các tình nguyện viên sẽ san sẻ bớt những công việc ngoài chuyên môn tại các trạm. Từ đó, áp lực sẽ giảm dần đi, các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà sẽ được chăm sóc tận tình và chu đáo hơn”, người đứng đầu ngành y tế tỉnh Cà Mau kêu gọi.
Thông tin từ Sở Chỉ huy phòng chống dịch bệnh tỉnh Cà Mau, theo kết quả giải trình gen vi rút SAR-CoV-2 từ Viện Pasteur TP.HCM, trong 14 mẫu được chọn ngẫu nhiên có kết quả cho thấy 11/14 mẫu, chiếm 78,57% thuộc biến chủng Omicron BA.2. Đây là một biến thể phụ của biến thể Omicron gốc. Đặc điểm của biến thể này là lây lan nhanh, cao hơn khoảng 30% so với biến thể gốc và gấp 1,5 lần so với biến thể BA.1 (cũng là biến thể phụ của Omicron). Đây là bằng chứng đầy tính thuyết phục giải thích cho câu hỏi “Tại sao số ca mắc COVID-19 mỗi ngày của tỉnh Cà Mau ngày một tăng cao?”.
Nguồn lực y tế của địa phương có giới hạn, hơn lúc nào hết ngành y tế Cà Mau rất cần sự hỗ trợ của lực lương tình nguyện viên. Đó sẽ là động lực san sẻ bớt công việc của đội ngũ NVYT cơ sở. Từ đó, giúp đội ngũ NVYT chuyên tâm làm tốt công tác chuyên môn, góp phần sớm đẩy lùi đại dịch.