Hoặc bây giờ hoặc sẽ quá muộn, nếu không cứu thì Lý Sơn sẽ sớm trở thành "đảo chết". Dân số bùng nổ, nhà cửa, mộ huyệt chật ních đảo; những cánh đồng tỏi chen chúc ngập ngụa thuốc trừ sâu; vài ngọn núi duy nhất trọc cây, nước ngầm bị nhiễm mặn, rác thải ngập ngụa…

F5 Lý Sơn - Kỳ cuối: 'Giành lại' sự sống cho đảo

Lê Đình Dũng | 18/09/2017, 10:40

Hoặc bây giờ hoặc sẽ quá muộn, nếu không cứu thì Lý Sơn sẽ sớm trở thành "đảo chết". Dân số bùng nổ, nhà cửa, mộ huyệt chật ních đảo; những cánh đồng tỏi chen chúc ngập ngụa thuốc trừ sâu; vài ngọn núi duy nhất trọc cây, nước ngầm bị nhiễm mặn, rác thải ngập ngụa…

Bức tranh tối lộn xộn

Cho đến nay, Lý Sơn chưa có được một quy hoạch tổng thể. Những khu dân cư, những cánh đồng tỏi, những khu dịch vụ du lịch, những "thành phố mộ"mọc lên tùy tiện và tự phát. Đã có những khách sạn 4 tầng, 7 tầng được xây lên để đáp ứng nhu cầu trước mắt không phù hợp chút nào với sinh cảnh vùng biển đảo. Những cánh đồng tỏi rộng tới 300ha đã lấy đi những dải san hô ven bờ làm phân bón và hút cạn đến những túi nước sâu tới hàng trăm mét để tưới tỏi, làm mặn hóa dự trữ nước ngọt ở đây.

Ông Phạm Sinh, người dân ở xã An Vĩnh kể: “Trước đây nước ngầm trên xã uống ngọt lắm nhưng từ khi có điện, những cánh đồng tỏi chủ yếu phía dưới xã An Hải được người dân bơm nước ngầm phun liên tục làm nước biển tràn vô mạch ngầm. Dân chúng tôi giờ dùng nước giếng không được, mà dùng nước từ nhà máy lọc nước biển cũng lơ lớ chứ uống không nổi”.

Trồng tỏi ngoài việc phá mạch nước ngầm, gây ô nhiễm vì thuốc sâu, hại hết dải san hô quanh bờ biển thì việc đổ thải đất trồng sau mỗi vụ thu hoạch đang là vấn nạn ở huyện này. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết đang phải chi ngân sách để tiến hành hốt dọn đất thải trồng tỏi hằng năm.

Mạch ngầm cạn kiệt, nguồn nước trữ từ trên núi cũng đã mất. Miệng núi lửa lớn nhất đảo nằm trên núi Thới Lới được dùng làm hồ chứa nước hoàn toàn cạn kiệt vào mùa hè. Hơn trăm năm trước, rừng trên đảo còn nguyên sinh, các bức ảnh chụp từ thời chưa giải phóng còn cho thấy điều đó. Đến nay, đảo chẳng còn gì ngoài vài cây phi lao, ít cây bàng vuông cổ thụ, những hàng dừa lẻ tẻ và cơ man nào là tỏi.

Rác thải thì xả vô tội vạ. Từ tàu khách bước lên bến cảng An Vĩnh, đủ thứ rác sinh hoạt tràn ngập dưới nước, trên bờ.

Những ruộng tỏi chiếm nhiều diện tích đất đảo, phá rặng san hô ven bờ, làm hụt mạch nước ngầm, gây ô nhiễm môi trường vì thuốc trừ sâu, đất thải

Có thêm nhiều tàu cao tốc, du lịch phát triển nóng, du khách ra đảo ngày càng nhiều. Và tiếp tục tự phát, nhiều hàng quán lấn sâu vào các khu vực di tích te tua, lụp xụp. Người dân đua nhau sắm xe điện chế máy nổ, xe ô tô tải chở khách chạy ầm ầm quanh đảo du lịch.

“Ra đảo nhỏ mà cứ như ở phố thị, sáng ngồi bên bờ biển uống ly cà phê mà ô tô tải bóp còi inh ỏi, xe cộ chạy rầm rập bụi bay mù mịt; cảnh sát giao thông chạy liên tục bắt nhiều xe vi phạm. Muốn thư giãn đúng nghĩa nhất mà sao khó quá”, anh Cao Thái, một du khách đến từ Đà Nẵng than thở.

Phát triển bền vững mới đem lại giá trị kinh tế cao và lâu dài. Một hòn đảo nhỏ đầy tiềm năng du lịch như Lý Sơn thì không thể chăm chăm phát triển nông nghiệp mà bỏ quênphát triển ngư nghiệp, đẩy mạnh dịch vụ du lịch với thế mạnh từ lớp lớptrầm tích văn hóa.

Những ngọn núi bị phá sạch rừng từ hàng chục năm nay

Xe điện chạy máy nổ chật cứng đảo Bé

Nói như TSPhạm Quốc Quân: “Du lịch Lý Sơn đang phát triển nóng và dường như đang có sự mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn; trong khi tiềm năng lại chính là công việc bảo tồn và phát huyđể du lịch Lý Sơn phát triển bền vững hơn”.

Những việc nhỏ đầu tiên

Nhìn lên hòn đảo Cù lao Chàm của TP.Hội An (Quảng Nam)là cả một bài học lớn cho Lý Sơn. Cù lao Chàm nhỏ nhưng vẫn giữ được cả một rừng nguyên sinh phong phú. Từ lâu, giới lãnh đạo ở đây đã biến hòn đảo thành một thiên đường du lịch với sự thân thiện nhất với môi trường.

Để được như Cù lao Chàm, với Lý Sơn, vấn đề như lâu nay giới khoa học và hoạch định vẫn thường xuyên đề ra đó làtrả lại những gì đảo vốn có. Và đến nay, những ý thức đầu tiên dần được thực hiện.

Bí thư Lý Sơn Nguyễn Viết Vy kể: “Nước ngọt ngày càng khan hiếm mà nhìn lên, cây chẳng thấy đâu. Tôi đã phải huy động bên quân đội cho các chiến sĩlên núi trồng cây. Đảo toàn đá núi lửa, lại trơ trọi giữa biển nên trồng cây rất khó sống, cứ tưởng tượng mùa đông gió nó cuốn tít cây xoay vòng chết hết. Muốn trồng được phải dùng búa đục đá, trồng các loại cây dứa, cây sặc máu lên đó. Sau này có thảm xanh rồi mới trồng xen các loại phi lao, cây bàng vào”.

Giờ mỗi sáng, các chiến sĩlại tay búa, tay chậu nước đều đặn lên núi đục đá trồng cây. Bây giờ, ra Lý Sơn đã bắt đầu cảm thấy có màu xanh hơn. Trên ngọn núi Thới Lới, những mầm xanh đã nhú. “Tôi đang tính đi huy động tiền tài trợ để làm việc này tốt hơn. Có tiền sẽ giao hẳn cho bên quân đội trồng và chăm sóc cây. Có thêm tiền để anh em chiến sĩcải thiện thêm bữa cơm bữa nước”, ông Vy kể và cho biết cũng đã thống nhất trong việc yêu cầu các công trình xây dựng mới nhất thiết phải có thêm hạng mục trồng cây xanh, bất cứ công trình gì trên đảo. Trên đảo giờ nhiều cơ quan, đoàn thể đang được khuyến khích ươm trồng thêm các giống cây.

Quân đội đục đá trồng cây trên núi Thới Lới

Trong một lần nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra thăm Lý Sơn, thấy tình trạng chăn thả bò dê trên các ngọn núi sẽ làm việc trồng mới cây cối không hiệu quả vì gia súc sẽ phá; ông góp ý cho bí thư huyện đảo. Thấy đúng, ông Vy đã vận động người dân chấn chỉnh tình trạng thả rông gia súc. “Lúc đầu người dân phản ứng lắm, nói nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế nhưng sao lại hạn chế chúng tôi, nhưng rồi mình phân tích thiệt hơn, dần dần bà con thấy đúng và ủng hộ; giờ mọi người chỉ chăn nuôi bằng hình thức nuôi nhốt, cây cối vì thế mà phát triển nhanh hơn”.

Cũng để giữ mạch nước ngầm, đảo Lý Sơn đã yêu cầu hạn chế việc khoan giếng mới. Ông Vy cũng tiết lộ đang ủng hộ xu thế phát triển mô hình trồng tỏi hữu cơ vi sinh trong các nhà giàn. “Mặc dù tỏi là đặc sản Lý Sơn nhưng không thể để phát triển tràn lan như hiện nay. Chúng tôi đang hướng đến việc tăng cao sản lượng nhưng hạn chế diện tích chiếm đất, ưu tiên phát triển tỏi sạch. Nếu mô hình này thành công sẽ góp phần hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ nguồn nước ngầm và thúc đẩy phát triển du lịch”.

Việc thu gom rác, hạn chế sử dụng rác khó phân hủy ngày càng được chú trọng

Các công trình xây dựng mới ngày càng trồng thêm nhiều cây xanh

Vịbí thư kể thêm: “Tôi cũng đã ban hành chỉ thị hạn chế sử dụng túi nilon trên địa bàn. Trước mắt tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách. Đến nay đã xây dựng phương án mua túi thân thiện về bán ở các cầu cảng, trước khi du khách lên đảo thì đề nghị họ để lại túi nilon và dùng các túi thân thiện. Riêng ở đảo Bé, chúng tôi đang giao cho hội phụ nữ thực hiện thí điểm việc này. Tôi mong rằng mình làm dần sẽ thấm lâu, hyvọng sẽ có những thay đổi nhận thức nhanh dần trong cộng đồng”.

Cùng những việc trên, ông Vy cho hay cũng đang tính tới việc hạn chế phương tiện gắn động cơ trên đảo. Bạn nghĩ sao khi đảo Bé chỉ vỏn vẹn đường kính tầm 1km nhưng bây giờ người dân đua nhau sắm xe điện gắn máy nổ chở khách tham quan. Hiện có khoảng 22 chiếc xe dạng này đang chạy trên đảo, chỉ mất tầm 30 phút là du khách đã lượn vòng thăm thú khắp đảo và trở về.

“Thay vì phát triển nóng như vậy, chúng ta đầu tư xe đạp điện, xe đạp địa hình. Du khách ra đảo tự khám phá lại có sức khỏe nữa; thời gian lưu trú vì vậy được kéo dài thêm, người dân đảo có thêm thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ, vậy tại sao không làm”, nhìn ra cổng cơ quan với vô số xe ô tô, xemáy chạy ầm ào, ông Vy trăn trở.

Vĩ thanh

Lý Sơn những năm qua đối diện với nguy cơ mất cân bằng. Với những dấu hiệu thay đổi tích cực dễ nhìn thấy vào thời điểm hiện tại, có thể hyvọng rằng Lý Sơn sẽ chuyển mình và trở về với những giá trị vốn có.

Ông Nguyễn Viết Vy, Bí thư trẻ trên đảo già Lý Sơn

Thực tế, đâyphải là công cuộc chung của toàn bộ người dân và hệ thống chính quyền trên đảo. Chính họ là chủ thể, phải ý thức tự cứu mình để tránh hủy hoại môi trường sống, vì một Lý Sơn xanh vững vàng trước thềm biển Tổ quốc.

Nhưng, qua những ghi nhận của các bậc tiền bối, qua những quyết tâm của vị lãnh đạo trẻ, qua những thay đổi dần dà trên đảo đã có thể thấy đang có một cuộc làm mới - F5 Lý Sơn.

(Lý Sơn, tháng 9.2017)

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
F5 Lý Sơn - Kỳ cuối: 'Giành lại' sự sống cho đảo