Theo cáo trạng hình sự trình tòa án liên bang Mỹ hôm 6.1, Cục điều tra liên bang (FBI) đã bắt hai người Trung Quốc lén chụp ảnh một căn cứ hải quân Mỹ ở bang Florida.

FBI liên tục bắt người Trung Quốc do thám căn cứ quân sự Mỹ

09/01/2020, 08:16

Theo cáo trạng hình sự trình tòa án liên bang Mỹ hôm 6.1, Cục điều tra liên bang (FBI) đã bắt hai người Trung Quốc lén chụp ảnh một căn cứ hải quân Mỹ ở bang Florida.

Hải quân Mỹ lọt vào tầm ngắm của tình báo Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo trang Quartz, đây là vụ do thám thứ hai của người Trung Quốc bị phát hiện trong vòng chưa đầy 2 tuần, đều xảy ra ở Trạm Không - Hải quân Key West, một kho vũ khí và đạn dược, và là nơi đặt căn cứ của Lực lượng đặc nhiệm liên ngành phía Nam, một đơn vị giám sát các hoạt động buôn lậu trên không và trên biển.

"Trung Quốc kiên trì truy tìm các mục tiêu nhạy cảm​"

Theo cáo trạng, vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 4.1.2020, Yuhao Wang và Jielun Zhang lái chiếc xe Hyundai sơn màu xanh đến Trạm. Một nữ quân nhân canh cổng yêu cầu họ xuất trình thẻ quân nhân nhưng họ không có. Cô yêu cầu Wang và Zhang rời đi, nhưng họ lái xe xông thẳng vào căn cứ.

Người lính không thể bỏ vị trí, liền báo động chiếc xe với các đồng đội khác. 30 phút sau, an ninh hải quân Mỹ cô lập hai người Trung Quốc, kiểm tra điện thoại và máy chụp ảnh Nikon của họ. Trong máy có ảnh chụp các cơ sở quân sự của Trạm, và các sĩ quan cũng phát hiện các clip vidéo do Zhang thu hình. Hai người Trung Quốc đã bị kết tội xâm nhập cơ sở quân sự Mỹ với mục đích chụp ảnh. Nếu bị buộc tội, họ có thể bị tuyên án 1 năm tù.

Ngày 26.12.2018, FBI cũng bắt một du học sinh Trung Quốc tên Zhao Qianli, vì đã lén chụp ảnh các tòa nhà và các ăng-ten của Trạm này. Anh ta đã bị kết án 1 năm tù.

Những vụ người Trung Quốc liên tục xâm nhập, theo dõi Trạm Không - Hải quân Keyt West cho thấy “phía Trung Quốc kiên trì truy tìm các mục tiêu nhạy cảm”, theo ông Cedric Leighton, một đại tá không quân Mỹ và là một sĩ quan tình báo. Ông nói thêm: “Họ sẽ sử dụng trí khôn nhân tạo và trí khôn của người để có thể tập hợp một hình ảnh chi tiết về các hoạt động quân sự Mỹ”.

Đúng 1 năm trước, các quan chức phản gián Mỹ đã báo động nguy cơ Trung Quốc hoạt động tình báo. Ông William Evanina, lãnh đạo Trung tâm An ninh - Phản gián quốc gia từ năm 2014, cảnh báo tình báo Trung Quốc kiên nhẫn hơn cả tình báo Nga hoặc Iran, có tầm hoạt động rộng hơn và nhiều kỹ thuật hoạt động hơn cả đối thủ Mỹ: “Trung Quốc là nhất. Về lâu dài, họ là mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia của chúng ta”.

Ông còn nói Trung Quốc đã gia tăng nỗ lực thu thập tin tình báo phi truyền thống, khi giao cho các kỹ sư, doanh nhân, du học sinh các nhiệm vụ thu thập thông tin, tuyển người ở cấp độ lớn.

Điệp viên người Trung Quốc “bước thẳng vào bẫy” FBI

Ông Janosh Neumann, cựu quan chức phản gián ở Cục An ninh liên bang Nga (FSB) nói tình báo Trung Quốc có nguồn lực tài chính “bao la” và được thoải mái sử dụng số vốn này. Ông xác nhận Mỹ là vô địch tuyệt đối về sáng tạo và ưu thế công nghệ, nên cũng là mục tiêu hàng đầu thế giới của hoạt động tình báo công nghiệp và khoa học của các cơ quan tình báo nước ngoài.

Ông Neumann từng trốn từ Nga qua Mỹ năm 2008, mô tả vụ công dân Trung Quốc Qingshan Li là “một ví dụ điển hình” về hoạt động của tình báo Trung Quốc: sử dụng hàng loạt dân thường, công ty tư nhân vào các mục đích địa - chính trị: “Quy trình chuẩn là khi cơ quan tình báo sử dụng đặc vụ vào việc mua thiết bị kỹ thuật hoặc công nghệ bị cấm xuất khẩu khỏi Mỹ. Li là một trong những đặc vụ mà Trung Quốc giao nhiệm vụ đó. Để tiến hành vụ này, nhiều đặc vụ được sử dụng cùng lúc, từ đó nâng cao cơ may thành công”.

Hè 2019, Li bị FBI bắt ở bang California, vì tội toan mua một hệ thống radio Harris Falcon III AN/PRC 152A. Đây là một thiết bị quốc phòng trong Danh sách Vũ khí Mỹ, giúp quân lính Mỹ ở chiến trường có thể liên lạc với mã được lập bởi Hội đồng An ninh Quốc gia, nên loại radio này không thể rời khỏi nước Mỹ nếu không có một giấy phép đặc biệt do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp.

Vẫn theo Quartz, vào ngày 28.6.2019, Li đáp chuyến bay từ Trung Quốc đến Nam California với hộ chiếu du lịch Mỹ. Lịch trình dự kiến là anh ta sẽ về nước 10 ngày sau đó. Một ngày sau khi đến nơi, Li thuê xe lái đến một kho ở vùng San Diego, gặp một người (chưa thể xác minh nhân thân thật) mà trong cáo trạng gọi là AB, để mua radio Falcon III (đã nêu trên) với giá 50.000 Nhân dân tệ (khoảng 7.200 USD).

Theo cáo trạng, Li biết AB đã bị điều tra vì những tội liên quan xuất khẩu hàng cấm, và cho rằng AB muốn vứt bỏ radio này do gặp rắc rối với cơ quan bảo vệ pháp luật Mỹ. Li cho AB biết ý đồ đem chiếc Falcon III đến Tijuana (Mexico) để từ đó chuyển về Trung Quốc. Đó là một cách Li né luật chống buôn lậu của Mỹ.

Li ứng trước 600 USD cho AB, rồi rời kho với chiếc radio trong ba-lô. Nhưng FBI đã phục kích Li từ bên ngoài, bắt ngay anh ta ngay sau vụ mua - bán với AB hoàn tất. Cáo trạng không nêu liệu có phải chính quyền đã biết hoạt động của Li khi nghe lén các cuộc điện thoại của AB, hay phải chăng AB đã hợp tác với chính quyền.

FBI cũng sớm phát hiện Li còn sở hữu một chiếc Falcon III khác, nhiều ăng-ten, một thẻ ghi nhớ kỹ thuật số, và một bản đồ Trạm Không - Hải quân North Island, một căn cứ quân sự lân cận của hai tàu sân bay Mỹ.

Theo biên bản của FBI, Li khai nhận lập tức, rằng anh ta được một đầu mối tiếp xúc giao việc mua radio Falcon III. Li nói người này là một sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và ông ta đã đưa Li danh sách các mặt hàng quân sự Mỹ cần mua trong chuyến đi Mỹ, gồm chiếc Falcon III.

Hai tuần sau khi bị bắt, một đoàn bồi thẩm liên bang tuyên Li có tội, và đến tháng 9.2019, anh ta nhận tội âm mưu xuất khẩu sản phẩm quốc phòng mà không có giấy phép đặc biệt. Cáo trạng này khiến anh ta có thể bị buộc nộp phạt 1 triệu USD và bị tuyên án 20 năm tù.

Tháng 12.2019, Cơ quan điều tra tội phạm hải quân Mỹ tịch thu mọi đồ vật Li có khi bị bắt, gồm một điện thoại iPhone 10 XS Max (mà anh ta đã dùng để thu xếp vụ mua hàng cấm) cùng số tiền 2.844 USD mà Li tính dùng để mua các món hàng cấm khác. Li vẫn bị giam chờ ra hầu tòa vào ngày 7.2.2020 tới.

Các tài liệu kèm theo vụ Li không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về nhân thân của anh ta. Nhưng các hoàn cảnh cho thấy anh ta là một “công dân điệp viên”: nhánh tình báo của PLA - mà Li phục vụ - đã được giao nhiệm vụ thu tóm bí mật quân sự và công nghệ nước ngoài, chủ yếu là xuất khẩu lén các công nghệ đa năng có thể phục vụ các mục đích quân - dân sự, theo lời ông Nicholas Eftimiades, một quan chức cấp cao đã có 35 năm hoạt động ở Cục Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) và Cơ quan An ninh Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Eftimiades được cho là một trong những chuyên viên giỏi nhất Mỹ về hoạt động tình báo của Trung Quốc. Ông nói nhiệm vụ PLA giao cho Li là “đặc biệt chú trọng vào thu thập công nghệ”, và lên kế hoạch cho Li đến và rời đi trước khi chính quyền Mỹ có thể biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng trong trường hợp này, đầu mối tiếp xúc của Li, AB đã bị FBI đặt vào tầm ngắm, và khi Li bất ngờ xuất hiện trên radar của họ, thì “anh ta đã bước thẳng vào bẫy”.

Không phải lần đầu

Ông Dan Grazier là cựu chỉ huy một tiểu đoàn xe tăng thuộc Thủy quân lục chiến Mỹ, đã phải luôn trông cậy vào Falcon III khi ông tham chiến ở Iraq và Afghanistan. Nay là nhà nghiên cứu của tổ chức phi vụ lợi Dự án Giám sát chính phủ (Mỹ), ông cho rằng chiếc Falcon III mà Li tính mua từ AB đã bị tuồn khỏi một căn cứ Mỹ, nơi mà lẽ ra nó được khóa kín trong khu vực an toàn.

Ông nói: “Quân đội đã tích cực kiểm soát các loại hàng nhạy cảm này. Khi còn là chỉ huy tiểu đoàn, tôi phải kiểm tra để bảo đảm các kho vũ khí đều được khóa, rồi phải ký tên vào văn bản xác nhận tôi đã kiểm tra. Nếu nó bị tuồn khỏi căn cứ thì thật sự rất khó tìm lại được nó”.

Vụ Li không đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc muốn ăn cắp radio Falcon III. Ông Eftimiades nhắc vụ 3 điệp viên Trung Quốc đã bị truy tố hồi năm 2009, vì tội bán một chiếc Falcon III đời đầu. Ông nói chiếc này là một phiên bản dân sự, và tình báo Trung Quốc đã ngó lơ, không còn quan tâm muốn sở hữu nó. Và ông cảnh cáo, rằng nếu Trung Quốc lấy được một kiểu Falcon III cấp quân dụng, thì nó có thể đe dọa mạng sống của quân lính Mỹ ở chiến trường.

Vụ Li cũng là dấu chỉ khác cho thấy anh ta được tuyển không từ giới tình báo chính thức. Ông Eftimiades nói nếu Li là một điệp viên toàn thời gian, thì bất kỳ ai chí ít cũng bị PLA xét kỹ mọi khả năng của người đó, gồm nguồn cung cấp khí tài quân sự, và để PLA lập các giải pháp liên lạc an toàn trước khi cử người đó ra nước ngoài.

Năm 2018, ông Paul Moore, một cựu chuyên gia phân tích Trung Quốc của FBI, đã giải thích kỹ thuật vận động làm tình báo vừa nêu: “Nếu một bãi biển là mục tiêu, Nga sẽ cử một tàu ngầm, đội người nhái đến lúc khuya để múc vài xô cát đem về Moscow. Mỹ sẽ dàn vệ tinh và thu thập dữ liệu. Trung Quốc sẽ gởi đến 1.000 du khách, mỗi người lo sưu tập chỉ một hạt cát. Khi họ về nước, họ sẽ được lệnh phải rũ sạch khăn tắm. Và Trung Quốc sẽ biết nhiều điều về cát hơn bất kỳ ai khác”.

Mỹ Trinh (theo Quartz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 21.4 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Sáng tạo và đổi mới sáng tạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
FBI liên tục bắt người Trung Quốc do thám căn cứ quân sự Mỹ