Từ vụ Khangoshvili bị sát hại tại Berlin, người Đức có cơ sở để tin rằng Nga dung túng cho các sát thủ thực hiện những phi vụ sát hại các đối tượng là kẻ thù hay những kẻ gây bất lợi cho nước Nga (bằng việc thay đổi tên tuổi thân phận cho sát thủ sau vụ năm 2013).

Cái chết làm đóng băng quan hệ Nga - Đức: Berlin nghi ngờ âm mưu từ Moscow

06/01/2020, 11:51

Từ vụ Khangoshvili bị sát hại tại Berlin, người Đức có cơ sở để tin rằng Nga dung túng cho các sát thủ thực hiện những phi vụ sát hại các đối tượng là kẻ thù hay những kẻ gây bất lợi cho nước Nga (bằng việc thay đổi tên tuổi thân phận cho sát thủ sau vụ năm 2013).

Người biểu tình đòi điều tra vụ Khangoshvili bị sát hại - Ảnh: Internet

Vụ giết người phủ bóng đen quan hệ Nga - Đức

Vụ một người mang hộ chiếu Nga có tên Vadim Sokolov nổ súng sát hại Zensonkhan Khangoshvili - một người Georgia hồi hè năm 2019 tại Berlin đã phủ bóng đen lên quan hệ Nga - Đức cho đến bây giờ. Rốt cuộc Sokolov và Khangoshvili là ai mà Đức cho rằng Nga cử điệp viên sát hại người trên đất Đức.

Ban đầu, đã có những suy đoán ban đầu trên truyền thông rằng các băng đảng tội phạm có thể đứng đằng sau vụ giết người. Những đồn đoán còn cho rằng nạn nhân là một người Chechen có hộ chiếu Georgia thì vụ giết người có thể có liên quan đến các băng đảng thanh trừng nhau hay không. Trong một thời gian ở Đức, Khangoshvili đã được coi là mối đe dọa tiềm năng từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Thậm chí, một số người suy đoán rằng các tổ chức khủng bố có mối liên hệ với vụ giết người.

Kẻ thù của nhà nước Nga

Nhưng các nhà điều tra còn phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy Nga coi Khangoshvili là kẻ thù của quốc gia. Khangoshvili đến từ Thung lũng Pankissi ở Georgia và khi Chiến tranh Chechen lần thứ hai nổ ra vào năm 1999, nhiều thanh niên trong thung lũng đã lên đường tham gia chiến đấu. Khangoshvili cũng tham gia, trở thành một chỉ huy và là một người bạn thân thiết của thủ lĩnh ly khai Chechen: Aslan Maskhadov, người đã bị cơ quan mật vụ Nga tiêu diệt năm 2005.

Khangoshvili ‘giã từ vũ khí’ năm 2004 và có thể bị giám sát từ thời điểm đó. Manana T., vợ cũ của Khangoshvili cam đoan rằng cô đã nhìn thấy các điệp viên đứng trên đường theo dõi chồng mình. Sau khi cha cô bị bắt cóc, cả hai không còn cảm thấy an toàn nữa và họ đã trốn đến Tbilisi - thủ đô của Georgia. Tuy nhiên, theo lời Manana thì khi đó, họ tiếp tục nhận được tin nhắn cảnh báo. Trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel, Manana đã kể về tin nhắn: "Họ đang tìm các người. Các người đang gặp nguy hiểm". Manana cho biết chồng cô đã từng bị bắn ngay tại trung tâm thành phố Tbilisi vào năm 2015, nhưng hung thủ không bao giờ được tìm thấy.

Lý do Khangoshvili bị đe dọa có thể là vai trò của anh trong cuộc chiến Chechen, nhưng nguyên nhân thực tế hơn là sau đó Khangoshvili đã làm việc cho các cơ quan an ninh Georgia. Người ta tin rằng Khangoshvili là người cung cấp thông tin tới CIA. Các quan chức tình báo hiện tại và trước đây từ Georgia, Ukraine và Mỹ đã xác nhận điều này. "Giả dụ nếu người Mỹ hoặc chúng tôi cần thông tin từ cộng đồng người Chechen ở Thổ Nhĩ Kỳ, thì Zensonkhan (Khangoshvili) là người của chúng tôi", một cựu quan chức Georgia tiết lộ.

Năm 2015, Khangoshvili trốn sang Ukraine, nơi anh ta sát cánh với chính phủ Ukraine (được thành lập sau Cách mạng cam). Vào thời điểm đó, nhiều "Kadyrovsty" - tiếng lóng chỉ những chiến binh khét tiếng của nhà lãnh đạo Chechen Ramzan Kadyrov, đang chiến đấu ở miền đông Ukraine cho lực lượng ly khai - coi Khangoshvili là mục tiêu cần săn lùng. Vào cuối năm 2016, Khangoshvili đến Đức, nơi anh đăng ký với chính quyền dưới một tên khác.

Trong phiên điều trần tị nạn tại thành phố Eisenhüttenstadt ở bang Brandenburg, Khangoshvili khai báo rằng anh ta đã chiến đấu chống lại quân đội Nga và trở thành đối tượng gặp nguy hiểm nên phải xin tị nạn. Cơ quan tình báo đối nội của Đức, Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp, đã nghiên cứu các yêu cầu của Khangoshvili và gửi một bức thư khuyến cáo tới các nhà chức trách ở Brandenburg và Berlin vào ngày 21.2.2017. Ngoài ra, một bản sao cũng được gửi đến Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang. Nếu tung tích của Khangoshvili ở Đức bị lộ, anh ta có thể gặp nguy hiểm từ "những người Chechen trung thành với Kadyrov" hoặc "nhà hoạt động thân Nga”.

Dù vậy sau đó, các quan chức đã từ chối đơn của Khangoshvili và cảnh sát coi anh ta là một mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Sự phân loại đó dựa trên một tuyên bố của Nga rằng Khangoshvili thuộc về một nhóm khủng bố có tên là Tiểu vương quốc da trắng . Chỉ đến tháng 6.2019, các quan chức ở Berlin mới rút Khangoshvili khỏi danh sách mối đe dọa Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, họ vẫn giám sát Khangoshvili dù không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy anh ta có thể tạo ra mối đe dọa nào.

Bước ngoặt và hoài nghi

Mặc dù các nhà điều tra nghi ngờ ngay từ đầu rằng Nga có thể đứng đằng sau vụ giết người, nhưng họ thiếu bằng chứng. Bước ngoặt xảy ra vào cuối năm ngoái khi các quan chức tại Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang tại Berlin phát hiện ra thông báo đỏ của Interpol có một yêu cầu truy nã từ Nga. Người đàn ông trong lệnh truy nã là Vadim Kraskov, thủ phạm một vụ án mạng tại Moscow năm 2013 đang bỏ trốn.

Bức ảnh kẻ bị truy nã rất giống với bức ảnh nghi phạm giết Khangoshvili đang bị giam giữ là Sokolov. Các chuyên gia sau khi xem hình ảnh đã nói rằng "rất có thể" rằng đó là cùng một người.

Nếu 2 kẻ sát nhân Sokolov và Vadim Kraskov cùng là một người thì sao? Người Đức có cơ sở để tin rằng Nga dung túng cho các sát thủ thực hiện những phi vụ sát hại các đối tượng là kẻ thù hay những kẻ gây bất lợi cho nước Nga (bằng việc thay đổi tên tuổi thân phận cho sát thủ sau vụ năm 2013). Trước đó, Anh cũng cáo buộc Nga đứng sau vụ sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal bất chấp bác bỏ từ Kremlin.

Hậu quả của vụ Khangoshvili bị sát hại ở Berlin là hồi đầu tháng 12 vừa qua, Đức trục xuất 2 tùy viên trong đại sứ quán Nga do cho rằng họ có liên quan đến vụ việc. Sau đó hơn 1 tuần, Nga đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Đức để trả đũa.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái chết làm đóng băng quan hệ Nga - Đức: Berlin nghi ngờ âm mưu từ Moscow