Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) dự kiến sẽ giới thiệu dịch vụ Ernie Bot giống ChatGPT vào hôm 16.3, một ngày sau khi OpenAI phát hành mô hình trí tuệ nhân tạo GPT-4 được nâng cấp.

Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc tung chatbot giống ChatGPT sau khi OpenAI phát hành GPT-4

Sơn Vân | 15/03/2023, 18:48

Gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) dự kiến sẽ giới thiệu dịch vụ Ernie Bot giống ChatGPT vào hôm 16.3, một ngày sau khi OpenAI phát hành mô hình trí tuệ nhân tạo GPT-4 được nâng cấp.

Ernie Bot (hay Wenxin Yiyan trong tiếng Trung) sẽ có sẵn trên công cụ tìm kiếm Baidu cùng một số sản phẩm liên kết với công ty, bao gồm thiết bị tự lái Apollo, nền tảng phát video iQiyi và mảng kinh doanh điện toán đám mây, Baidu cho biết trước đó.

Do mô hình Ernie của Baidu cung cấp sức mạnh, Baidu AI dự kiến sẽ được so sánh với hiệu suất đáng kinh ngạc của GPT-4, xử lý lượng lớn thông tin trực tuyến để tạo ra văn bản và câu trả lời hầu như không thể phân biệt được với phản hồi từ con người.

Ernie (viết tắt của Enhanced Discussion through Knowledge Integration) là mô hình máy học quy mô lớn đã được Baidu đào tạo về dữ liệu trong nhiều năm.

Đầu năm 2019, Baidu đã tung ra Ernie mà các nhà nghiên cứu tại công ty Trung Quốc tuyên bố hoạt động tốt hơn Google Bert trong các tác vụ tiếng Trung. Hồi tháng 2, Baidu tiết lộ hơn 100 công ty đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tích hợp Ernie Bot vào dịch vụ của họ.

Dù Baidu tuyên bố rằng Ernie có 260 tỉ tham số, so với 175 tỉ tham số của GPT-3, vẫn có những lo ngại rằng hiệu suất mô hình của Baidu có thể kém ấn tượng hơn so với GPT-4, một phần là do giới hạn thông tin trên các trang web tiếng Trung.

Một trong những thách thức lớn mà Baidu phải đối mặt là “lưu lượng truy cập ngày càng giảm” với hệ sinh thái của nó, vì rất nhiều thông tin trực tuyến ở Trung Quốc nằm trong các ứng dụng dành cho thiết bị di động và sẽ không được chia sẻ với công cụ AI của Baidu, theo một cựu nhà phát triển tại Nhóm Hệ sinh thái Di động Baidu.

Một lập trình viên sống tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), đang làm việc cho một công ty điện toán đám mây nước ngoài, nói: “Một generative AI cần kho dữ liệu khổng lồ để cải thiện hiệu suất của nó. Hầu hết nội dung ngày nay được tạo ra trên các ứng dụng di động do các hãng công nghệ lớn khác ở Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Do đó, Baidu cần dựa vào việc thu thập dữ liệu để có quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu này, nhưng các ứng dụng khiến quá trình khai thác dữ liệu này khó hơn so với các trang web”.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.

Baidu đã công bố tham vọng của mình về dịch vụ giống ChatGPT vào tháng 2 trong bối cảnh cơn sốt AI được kích hoạt bởi sản phẩm OpenAI. Vào tháng 2, Lý Ngạn Hoành, người sáng lập Baidu, cho biết ông “rất vui mừng về những cơ hội xung quanh generative AI” sau khi báo cáo doanh thu giảm 1% vào năm 2022.

Trong 4 tháng qua, OpenAI do Microsoft hậu thuẫn đã nâng cấp đáng kể công cụ AI của mình. Khác với GPT-3 chỉ xử lý thông tin dựa trên văn bản, GPT-4 là mô hình đa phương thức có thể xử lý đầu vào là văn bản và hình ảnh. Những người đăng ký trả phí cho ChatGPT Plus có thể truy cập các khả năng xử lý văn bản do GPT-4 cung cấp bắt đầu từ ngày 14.3. Trong khi khả năng nhận dạng hình ảnh của GPT-4 vẫn đang được OpenAI và đối tác Be My Eyes nghiên cứu.

OpenAI gọi GPT-4 là “hệ thống tiên tiến nhất của công ty, tạo ra các phản hồi an toàn hơn và hữu ích hơn”. GPT-4 sẽ cải tiến công nghệ được sử dụng bởi ChatGPT, hiện hoạt động dựa trên GPT-3.5.

Theo OpenAI, GPT-4 tiên tiến hơn trong ba lĩnh vực chính là tính sáng tạo, đầu vào trực quan và ngữ cảnh dài hơn. Về khả năng sáng tạo, công ty có trụ sở ở San Francisco (Mỹ) cho biết GPT-4 tốt hơn nhiều trong cả việc tạo và cộng tác với người dùng trong các dự án sáng tạo. Ví dụ về những điều này gồm âm nhạc, kịch bản, viết kỹ thuật và thậm chí là “học phong cách viết của người dùng”.

GPT-4 hiện có thể xử lý tối đa 25.000 từ văn bản từ người dùng. Bạn thậm chí có thể gửi cho GPT-4 một liên kết web và yêu cầu nó tương tác với văn bản từ trang đó. OpenAI cho biết điều này có thể hữu ích cho việc tạo nội dung dài cũng như “các cuộc hội thoại mở rộng”.

GPT-4 hiện cũng có thể nhận hình ảnh làm cơ sở để tương tác. Trong ví dụ trên trang web GPT-4, mô hình ngôn ngữ mới được cung cấp hình ảnh của một số nguyên liệu làm bánh và được hỏi có thể làm gì với chúng. Hiện vẫn chưa biết liệu video cũng có thể được sử dụng theo cách tương tự hay không.

Ngoài ra, OpenAI cũng cho biết GPT-4 sử dụng an toàn hơn đáng kể so với thế hệ trước. Theo báo cáo, GPT-4 có thể tạo ra nhiều phản hồi thực tế hơn 40% trong thử nghiệm nội bộ của chính OpenAI, đồng thời giảm 82% khả năng "phản hồi yêu cầu cho nội dung bị cấm". Theo đại diện OpenAI, công ty đã dành 6 tháng để tinh chỉnh GPT-4 theo hướng an toàn và phù hợp hơn.

OpenAI cho biết GPT-4 được đào tạo với phản hồi của con người để đạt được những bước tiến này, đồng thời tuyên bố đã làm việc với “hơn 50 chuyên gia để có phản hồi sớm trong các lĩnh vực bao gồm an toàn và bảo mật AI”. Tuy nhiên, OpenAI nói rằng mô hình GPT-4 “không hoàn toàn đáng tin cậy” vì nó mơ hồ về một số sự kiện và đưa ra lỗi suy luận, đồng thời “có thể thiên kiến trong kết quả đầu ra”.

baidu-tung-chatbot-giong-chatgpt.jpg
Logo Baidu  tại trụ sở chính của công ty ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc - Ảnh: AFP

Các sản phẩm OpenAI không khả dụng ở Trung Quốc khiến thị trường nội địa 1 tỉ người dùng internet bị bỏ ngỏ.

Baidu đã gấp rút chuẩn bị phát hành Ernie Bot đến mức các nhóm từ các bộ phận không phải AI đã được yêu cầu tham gia và trợ giúp dự án. Một số nhân viên Baidu nói rằng họ không có đủ thời gian để xây dựng một sản phẩm hoạt động tốt, tờ The Wall Street Journal đưa tin tuần trước.

Baidu không phải là công ty Trung Quốc duy nhất trong cuộc đua xây dựng generative AI, sử dụng thuật toán để tạo nội dung mới, bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh, video và mô phỏng.

Alibaba và Tencent Holdings nằm trong số những hãng công nghệ Trung Quốc đã công bố kế hoạch cho các sản phẩm generative AI của riêng họ.

Đầu tháng 2, Viện nghiên cứu Damo Academy của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba thông báo đang phát triển một chatbot AI giống ChatGPT, nhưng không xác nhận liệu công nghệ này có được tích hợp trong ứng dụng trò chuyện DingTalk của công ty hay không.

Giống Baidu, Alibaba (có trụ sở tại thành phố Hàng Châu) đã dành nhiều năm nghiên cứu về mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và generative AI.

Alibaba đã tăng vốn đăng ký của Damo Academy lên 300 triệu nhân dân tệ (43 triệu USD) từ 10 triệu nhân dân tệ, theo nhà cung cấp dữ liệu kinh doanh Qichacha, báo hiệu cam kết của công ty với lĩnh vực này.

Damo Academy cũng đã đăng ký bằng sáng chế cho các công nghệ được thiết kế để cải thiện giao tiếp giữa người với máy bằng cách sử dụng các mô hình và hệ thống ngôn ngữ được đào tạo trước.

So với các công ty cùng ngành, Tencent (gã khổng lồ về truyền thông xã hội và game Trung Quốc) kín tiếng hơn khi nói đến sự quan tâm của mình với ChatGPT.

Công ty đặt trụ sở tại thành phố Thâm Quyến đến nay chỉ gợi ý rằng có các công nghệ phù hợp để hỗ trợ nội dung do AI tạo ra. “Tencent sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như AI và tiếp tục khám phá những lĩnh vực này dựa trên bí quyết về LLM, học máy và NLP”, một đại diện công ty nói vào tháng 2.

Bài liên quan
Các chuyên trang AI đánh giá đối thủ cạnh tranh với ChatGPT từ Meta vừa rò rỉ trực tuyến
LlaMA của Meta Platforms, đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, vừa bị rò rỉ trực tuyến để một số người thử nghiệm. Trang Yahoo Finance thử kiểm tra xem nó khác gì so với ChatGPT cùng chatbot AI của Microsoft và Google.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ các định hướng quan trọng cho ASEAN
2 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gã khổng lồ tìm kiếm Trung Quốc tung chatbot giống ChatGPT sau khi OpenAI phát hành GPT-4